Ứng Dụng Kỹ Thuật Chăm Bón Thời Kỳ Nhãn Ra Hoa, Đậu Quả
Thời điểm này, các vườn nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang trong giai đoạn ra nụ, hoa. Một số diện tích trà nhãn sớm bắt đầu đậu quả. Tuy nhiên, thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, mưa nhiều, trời âm u, số giờ nắng ít… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nở hoa, đậu quả của cây nhãn.
Ngoài ra, một số loài sâu bệnh đang có chiều hướng phát sinh gây hại. Cán bộ kỹ thuật, các chủ vườn đang tích cực ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để có mùa nhãn đạt năng suất, chất lượng.
Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh Hưng Yên có trên 3 nghìn ha nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu…
Những năm gần đây, nhờ áp dụng thành công nhiều biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây nhãn, những vùng chuyên canh nhãn lớn của tỉnh đã bắt đầu sản xuất theo hướng phát triển bền vững, có giá trị hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng cao. Thời điểm này, hầu hết các cây nhãn đã phát triển giò hoa, một số vườn nhãn sớm hoa bắt đầu nở, đậu quả.
Anh Đào Văn Tường, chủ một vườn nhãn ở xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) cho biết: Muốn cho nhãn xanh tốt, khỏe mạnh, luôn được mùa thì người trồng phải biết thâm canh, kết hợp những kinh nghiệm hay với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cho nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn, tạo ra vùng nhãn chuyên canh theo hướng bền vững, cây năm nào cũng ra hoa, đậu quả, năng suất, chất lượng tốt, cho giá trị kinh tế và thu nhập cao.
Do vậy, cùng với các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc nhãn, anh Tường thực hiện thuần thục một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như: Bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh; xử lý cho nhãn ra hoa bằng hóa chất, ghép thay tán, ghép cải tạo đổi giống; chống rụng hoa, rụng quả non bằng cách khoanh vỏ hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học.
Nhãn muộn trên địa bàn huyện Khoái Châu được nhiều khách hàng biết đến. Những ngày này, chủ vườn nhãn trên địa bàn huyện đang tích cực áp dụng các biệp pháp kỹ thuật cho nhãn ra hoa, đậu quả, phòng trừ sâu bệnh gây hại. Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, toàn huyện có hơn 700 ha nhãn, việc điều chỉnh, xử lý cho nhãn ra hoa theo ý muốn nhằm rải vụ thu hoạch đang phát huy hiệu quả cao.
Từ năm 2003, nông dân một số địa phương trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi, cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng các giống nhãn đặc sản, hình thành vùng chuyên canh giống nhãn muộn, tập trung ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Minh, Liên Khê... Xã Hàm Tử trồng được hơn 100 ha nhãn, chiếm 40% diện tích đất canh tác. Trong đó, trên 200 hộ chuyển đổi với quy mô lớn, trung bình một hộ trồng 3 - 4 sào, nhiều hộ trồng gần 1 ha, chủ yếu là giống nhãn muộn.
Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nhãn muộn của huyện Khoái Châu thường ra quả đều hằng năm, năng suất, chất lượng cao. Chị Nguyễn Thị Hải, một chủ vườn nhãn ở xã Hàm Tử cho biết: Cây nhãn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, phải đúng theo từng thời kỳ sinh trưởng, nếu việc chăm sóc không bảo đảm theo chu kỳ sinh trưởng của cây sẽ không hiệu quả.
Một số biện pháp kỹ thuật gia đình tôi thường áp dụng như: Khoanh vỏ nhằm hạn chế cây sinh trưởng, kích ứng cho cây nhãn phát dục phân hóa mầm hoa, nở hoa, đậu quả theo ý muốn. Khoanh vỏ, tiện cành rộng khoảng 1mm, sâu đến phần gỗ vào khoảng từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11 năm trước, tùy vào thời tiết năm đó nóng hay rét sớm.
Khoanh vỏ kết hợp gây hạn giả trong thời kỳ cây phân hóa mầm hoa, sau đó tưới đẫm nước trước khi cây ra hoa sẽ cho kết quả cao, đồng thời hạn chế được hiện tượng rụng quả non.
Qua kinh nghiệm của các chủ vườn nhãn, để khai thác tiềm năng kinh tế của cây nhãn, ngay sau khi thu hoạch quả cần có những biện pháp chăm sóc thích hợp để cây nhãn ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ cao, quả nhãn cho năng suất và chất lượng.
Hàng năm cây nhãn phải huy động một lượng dinh dưỡng khá lớn tập trung cho ra hoa và nuôi quả, nếu không được bổ sung phân bón thường xuyên cây dễ bị kiệt sức, năm sau sẽ cho quả kém hoặc không ra quả, vì vậy việc bổ sung dinh dưỡng cho cây nhãn là rất cần thiết. Việc chăm bón cho cây cần dựa vào các yếu tố như tuổi cây và mức độ sinh trưởng của cây, nhu cầu phân bón trong từng giai đoạn sinh trưởng, mục đích sử dụng phân bón.
Theo điều tra của Chi cục BVTV, hiện nay trên cây nhãn, vải, rầy chổng cánh vân nâu gây hại những cây nhãn đang ra lộc xuân, tỷ lệ hại phổ biến 5 - 7%, nơi cao 10 - 20% số lộc non; bọ xít nâu qua đông bắt đầu phát dục và chuẩn bị đẻ trứng, mật độ phổ biến 0,1 - 0,5 con/cành, nơi cao 1 - 2 con/cành.
Dự báo trong thời gian tới, bọ trĩ, bọ xít, rệp muội, bệnh sương mai tiếp tục xuất hiện và gây hại nhãn, vải ở thời kỳ ra hoa, ngoài ra nhện lông nhung gây hại nhẹ. Để phòng trừ hiệu quả, các chủ vườn cần theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh trên nhãn, vải từ khi ra hoa đến đậu quả non. Phòng trừ bọ trĩ, bọ xít nâu, rệp muội, sâu đo... nơi xuất hiện mật độ cao bằng các thuốc đặc hiệu; bệnh sương mai xuất hiện cần phòng trừ sớm bằng thuốc Ridomil 68 WG.
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân tập trung bón bổ sung dinh dưỡng cho cây nhãn, vải để cây phát triển hoa và nở hoa thuận lợi, tỷ lệ đậu quả cao; tập trung bón các loại phân bón hữu cơ hoai mục hoặc tưới nước phân chuồng ngâm lân hoặc các loại phân hữu cơ khác có nguồn gốc thực vật như đậu tương, ngô; phun bổ sung các loại phân qua lá loại chuyên dùng cho cây ăn quả, có hàm lượng các chất vi lượng, trong đó có nguyên tố Bo cao để hạn chế rụng nụ, hoa, tăng khả năng thụ phấn cho cây; tiến hành phun thuốc diệt trừ các loại sâu qua đông như bọ xít, rệp, rầy vân nâu... để bảo vệ lá và nụ hoa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ