Ước mơ xây dựng thương hiệu lúa gạo cho riêng mình
Khởi nghiệp với những nghề khác nhau, nhưng cuối cùng anh chị vẫn quyết định chọn gắn bó với nghề nông. Đó chính là vợ chồng anh Đặng Văn Quang và chị Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Cái tên của anh chị giờ đã quá đỗi quen thuộc với người làm nông nghiệp trong và ngoài huyện cũng như với cán bộ, lãnh đạo các cấp. Anh chị cũng là những người đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất. Khi một số nông dân trong xã không mặn mà với đồng ruộng, anh chị đã thuê lại và bắt đầu tích tụ ruộng đất để sản xuất từ năm 2015. Ban đầu có khoảng 2 ha, đến vụ Xuân năm 2022 anh chị đã tích tụ được gần 70 ha.
Khởi điểm anh chị chỉ mua được 1 máy làm đất và 1 máy gặt đập liên hợp để vừa phục vụ cho nông dân trong xã đồng thời phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình. Giai đoạn này, anh chị vừa làm nông nghiệp vừa kết hợp sản xuất gạch không nung phục vụ bà con và tăng thu nhập lúc nông nhàn. Khi diện tích tích tụ ngày càng nhiều, anh chị quyết định chỉ tập trung vào làm nông nghiệp.
Đam mê với nghề nông, anh chị không ngừng học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất với mong muốn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở tất cả các khâu trong sản xuất. Lợi nhuận thu được từ việc sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp của gia đình, hàng năm anh chị lại dành ra một phần tài chính để đầu tư mua sắm bổ sung những loại máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở các khâu sản xuất.
Đến nay, anh chị đã có trong tay một hệ thống máy móc đồ sộ để áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch, cụ thể gồm 1 máy làm đất, 1 máy gặt đập liên hợp, hẹ thống máy gieo mạ khay tự động, 4 máy cấy (1 máy cấy 4 hàng, 3 máy cấy 6 hàng), 1 máy bón phân, 3 sàn sấy thóc có băng chuyền tự động với công suất 45 tấn/3sàn/lần sấy, 3 vạn khay mạ cùng với gần 7.000m2 mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, sàn sấy và nơi sản xuất mạ khay. Toàn bộ diện tích mặt bằng đều thuộc quyền sở hữu của anh chị.
Năm 2013, Chị Lanh là người nông dân lao động sản xuất giỏi được nhân dân trong thôn tin tưởng bầu làm trưởng thôn Giáo Nghĩa. Năm 2015, chị bắt đầu tham gia vào HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp xã Bình Minh. Đến năm 2020, UBND huyện Kiến Xương thành lập lên nhóm Đại điền của huyện, ban đầu tập hợp những nông dân tích tụ ruộng đất từ 10 ha trở lên nhằm chia sẻ thông tin và giúp đỡ nhau làm nông nghiệp…, chị được tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm. Chị cũng là hội viên hội phụ nữ tiêu biểu của xã Bình Minh, huyện Kiến Xương và của tỉnh Thái Bình, được vinh dự tham gia Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Niềm đam mê với nông nghiệp đã thôi thúc anh chị gắn bó với nghề nông từ nhiều năm nay, giúp anh chị từng bước làm giàu từ chính mảnh đất quê mình. Vốn đầu tư cho sản xuất của gia đình chị đến nay khoảng 5 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư cho các khâu sản xuất và dịch vụ, hàng năm anh chị thu về khoảng 700 triệu đồng. Anh chị cũng tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 lao động thường xuyên với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, gần 20 lao động thời vụ.
Trải qua bao vất vả, những kết quả mà anh chị đạt được đã tạo dựng cho bản thân niềm tin ở người nông dân, các đối tác và đặc biệt là lãnh đạo các cấp. Anh chị cho biết: “Trước đây, việc làm các khâu dịch vụ nông nghiệp cho bà con, ai đăng kí giống gì thì mình cấy giống đó.
Nhưng đến nay gia đình đã thành công trong việc tư vấn, định hướng cho bà con cùng gieo cấy 1 giống lúa trên cùng một cánh đồng, vừa dễ chăm sóc, quản lý sâu bệnh tốt hơn, lại nâng cao được hiệu quả sản xuất cho người nông dân nên bà con rất đồng tình”. Việc làm của anh chị đã góp phần tích cực trong việc hình thành nên nhiều cánh đồng mẫu lớn, xây dựng nông thôn mới và tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của xã nhà.
Đối với việc tiêu thụ thóc gạo, nếu làm nhỏ lẻ thì việc tiêu thụ càng khó, nhưng anh chị cấy nhiều, thu hoạch xong cho vào sấy ngay, chất lượng thóc gạo được đảm bảo. Do đó các công ty, các thương lái thu mua lương thực đều đăng ký thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau mỗi vụ thu hoạch. Anh chị cũng cho biết “Các khâu sản xuất ngoài đồng ruộng mình đều chủ động được, nhưng giá thóc gạo phải phụ thuộc vào các đơn vị thu mua.
Cảm thấy tiếc vì gia đình cũng như người nông dân vất vả nhưng lợi nhuận đem lại chả đáng bao nhiêu vì khâu tiêu thụ quan trọng nhất phải qua nhiều mối trung gian. Mong muốn trong thời gian không xa sẽ xây dựng được một thương hiệu lúa gạo độc quyền của gia đình Quang Lanh để cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt nhất mà gia đình làm ra. Khi đó vừa tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân trong và ngoài xã”.
Để đạt được thành công như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, anh chị đã nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể từ xã đến tỉnh. Để mở rộng và duy trì sản xuất nông nghiệp trong những năm tới, anh chị rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các cấp, các ngành về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là sự hỗ trợ pháp lý để được cấp phép đầu tư xây dựng mặt bằng sản xuất và hỗ trợ xây dựng thương hiệu lúa gạo của gia đình. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Hy vọng, với sự ủng hộ của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự gắn bó với đồng đất quê hương, với cây lúa, trong thời gian không xa anh chị sẽ tạo dựng được 1 thương hiệu lúa gạo mang tên Quang Lanh như anh chị mong ước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ