Mô hình kinh tế Út Cá Bổi

Út Cá Bổi

Ngày đăng 03/05/2012

Út Cá Bổi

Cách đây khoảng 20 năm, vùng đất Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau còn hoang hóa, người dân trồng lúa một năm 2 vụ vẫn không đủ ăn. Khi ấy gia đình Út Thanh (Trần Văn Thanh, 48 tuổi) được xem là hộ nghèo nhất xóm.

Ấy vậy mà, bẵng đi một thời gian người ta phải giật mình thán phục gọi ông bằng hai từ tỷ phú. Ông bà ta thường nói “có chí làm quan, có gan làm giàu” quả không sai. Nhưng đối với Út Thanh cái gan làm giàu của ông giống như một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Mà trong cuộc phiêu lưu ấy, Út Thanh chỉ được phép thành công chứ không được quyền thất bại.

QUYẾT ĐỊNH TÁO BẠO

Một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi ngược về miền đất phèn trũng Khánh Hưng tìm gặp ông nông dân được mệnh danh “tỷ phú cá đồng” Trần Văn Thanh. Phải mất hơn 40 km đường bộ chúng tôi mới đến được Khánh Hưng, một xã nghèo nằm sát bên con sông Kinh Đứng. Anh bạn đi chung với tôi ngạc nhiên khi lần đầu chứng kiến nước dưới con sông vàng úa vì phèn. Chưa hết bất ngờ, ông bạn lại thốt lên một câu hỏi khiến tui chưng hửng không biết trả lời thế nào. “Vùng này nước phèn quá trời vậy mà sao ông Út Thanh làm giàu được ta?”.

Để giải đáp câu hỏi của người bạn đi cùng và cũng để thỏa chí tò mò của tôi về câu chuyện làm giàu như là một kỳ tích của Út Thanh, chúng tôi quyết đi tìm ông. Rất may là ở cái xứ này khi hỏi đến tên Út Thanh ai cũng biết. Hóa ra, người dân bản xứ còn đặt cho ông nhiều cái tên thân thiện và nghe rất êm tai như: Út cá bổi, Út gan trời.

Ông Lê Thanh Bền là người dân bản xứ nhận lời dẫn chúng tôi đến nhà Út Thanh. Trên đường đi ông Bền bảo, hồi trước gia đình ông Thanh nghèo nhất xóm Kinh Đứng. Hồi đó mà có chính sách xét duyệt hộ nghèo thì chắc chắn ông Thanh đã được cấp sổ hộ nghèo. Vậy mà bây giờ gia đình ông ấy lại là người giàu mới lạ chứ, đúng là vật đổi sao dời. Dân xứ này thương Út Thanh ở cái đức tính hòa nhã và nhiệt tình với mọi người. Tuy giàu vậy nhưng Út Thanh không bao giờ ăn xài phung phí, không phô trương, mà trái lại ông ấy rất bình dị.

Theo lời ông Bền thì Út Thanh quê gốc ở Bến Tre. Là con út trong một gia đình nghèo có đông anh em, từ nhỏ Thanh đã biết vươn lên trong cuộc sống. Ở vùng đất này, Út Thanh đã dùng ý chí và nghị lực để chinh phục từng tấc đất phèn trũng đem lại những mùa vàng. Ông Bền kể cho chúng tôi nghe câu nói bất hủ của Út Thanh mà ở cái xóm Kinh Đứng đến con nít cũng thuộc lòng, đó là: “Chỉ có đất sợ người chứ người không bao giờ sợ đất, hay ý chí và nghị lực là con đường về đích sớm nhất”.

Chúng tôi và ông Bền men theo con lộ nhỏ nằm sát mé sông Kinh Đứng để đến nhà Út Thanh. Đến nơi, hình ảnh đầu tiên là mô hình làm ăn rất lạ. Nói là lạ bởi vì ở xứ này chỉ có duy nhất mình ông có mô hình làm ăn kiểu vậy. Trên bờ là vườn rau, cây ăn quả xanh ươm, dưới ao có mặt đủ loại cá đồng. Giữa cái nắng như đổ lửa giữa trưa tháng ba, hơi đất bốc lên sau cơn mưa từ ngày hôm trước khiến người ta phải toát mồ hôi, vậy mà Út Thanh vẫn cặm cụi làm những công việc hàng ngày của mình. Thấy có khách đến, Út Thanh chỉ tay về phía ngôi nhà kê lót gạch bảo chúng tôi cứ vào nhà ngồi đợi vì ông đang nhỡ tay.

Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bên ly trà nóng, Út Thanh kể về những ngày tháng vật lộn với đất. Ông nói, ở những năm 1990 trở về trước vùng đất này nghèo khó vô cùng. "Gia đình tui cũng trong số đó, bao năm SX lúa trên diện tích 1,6 ha đất của cha mẹ để lại mà vẫn không đủ nuôi vợ và ba đứa con. Đến đầu năm 1992, sau nhiều đêm thức trắng, tui bàn với vợ đi vay tiền để cải tạo lại đất nuôi cá, trồng màu. Lúc đó, bà nhà tui nhất quyết không cho vì với hoàn cảnh gia đình khi đó hỏi nợ người khác vốn đã khó và nếu như thất bại thì lấy đâu tiền trả nợ lại càng khó hơn. Nhưng tui nói với bả, nếu làm ăn mà thất bại tui bỏ xứ luôn. Thấy tui quyết tâm quá bà cũng động lòng".

Út Thanh tiếp tục dòng hồi tưởng của mình: "Thế là những tháng sau đó hai vợ chồng chạy vay khắp nơi được gần 30 triệu đồng. Với 1,6 ha đất nhà, tui cải tạo được 800 m2 ao nuôi cá, diện tích còn lại lên liếp trồng màu. Dưới ao nuôi đủ các loại cá đồng, nhiều nhất là cá bổi, trên bờ trồng rau, trồng cây ăn quả…Út Thanh thú nhận: “Hồi đó tui cũng rung như cua nướng chớ không phải chơi. Vì trong tay không có một đồng bạc, tất cả đều vay mượn mà nếu thất bại thì có nước bỏ xứ đi thiệt”.

Bà Nguyễn Kim Thoại (vợ Út Thanh) nhớ lại: “Từ nhỏ đến lớn tui chưa cầm được 1 triệu đồng tiền mặt. Vậy mà lần đó, sau khi đi vay mượn ổng đưa tui giữ gần 30 triệu đồng. Ôm đống tiền trong tay mà trong lòng hồi hộp vô cùng. Rồi đến khi ổng lấy hết số tiền đó mua giống để thả nuôi, gần 30 triệu đồng bỗng nhiên tuôn hết xuống mấy ao cá, tui lại càng lo hơn. Đêm nào cũng thắp hương cầu xin trời phật cho chồng tui thành công”.

Hớp vội tách trà, Út Thành thở phào: “Rất may là gần 5 tháng sau đó, tui thu hoạch cá, rau màu, sau khi trừ đi vốn bỏ ra còn lãi gần 20 triệu đồng. Thấy có lãi là có hy vọng, mừng quá vợ chồng ôm nhau khóc sướt mướt”.

Năm 2011, Út Thanh vinh dự được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận nông dân đạt danh hiệu Nông dân điển hình tiên tiến- sáng tạo. Út Thanh cho biết, ông đang tính đến chuyện đăng ký thương hiệu “Cá bổi Út Thanh” để tạo tiền đề và điều kiện cho con cá bổi Khánh Hưng nói riêng và Cà Mau nói chung đi xa hơn ra khu vực và quốc tế.

Có đồng vốn trong tay, Út Thanh đầu tư thả lại giống để tăng thêm thu nhập. Lần thứ hai giống cá mà ông chọn để nuôi chỉ duy nhất là cá bổi. Liên tiếp những năm sau đó, vụ thu hoạch sau Út Thanh thu lãi cao hơn vụ thu hoạch trước. Ông cho biết, từ khi bắt đầu nghề nuôi cá đến nay gần 20 năm nhưng chưa lần nào ông thất bại. Kể từ năm 1995 đến nay, quân bình ông thu nhập khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/năm. Thành công từ nghề nuôi cá đồng đối với người nông dân chưa học hết lớp 5 trường làng này là chưa đủ. Sau hai năm đầu nuôi cá bổi, Út Thanh lại suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi cách lai tạo giống cá bổi tại nhà để tự phục vụ cho việc SX của mình và để cung cấp cho bà con trong ấp.

CẦN CÙ VÀ SÁNG TẠO

Út Thanh nghĩ, tại sao mình không tự lai tạo giống để sản xuất vừa giảm chi phí vừa thuận lợi. Nghĩ là làm, khoảng năm 1993 người dân trong xóm Kinh Đứng thấy Út Thanh khăn gói đi xứ khác học cách lai tạo giống cá bổi. Trời đã không phụ ông, kể từ đó đến nay cá bổi giống của Út Thanh không chỉ làm giàu cho gia đình ông mà còn giúp người dân Khánh Hưng thoát nghèo.

Từ việc bán cá bổi giống (khoảng 130- 150 ngàn đồng/kg) và cá bổi thịt (từ 250- 200 ngàn đồng/kg) hàng năm gia đình Út Thanh thu về tiền tỷ dễ như chơi. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, sao ông làm được vậy? Út Thanh cười, nói: “Không có gì là khó đối với người nông dân nếu họ chịu thương, chịu khó và biết học hỏi. Quê hương Khánh Hưng đã cưu mang mình từ khi mới lọt lòng mẹ, người dân sống có nghĩa tình trước sau. Do vậy trong lòng mình luôn đau đáu phải làm một cái gì đó để đáp tạ quê hương”.

Ông Lê Thanh Nhì, chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hưng khẳng định: “Ở cái xứ này Út Thanh là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực làm giàu. Từ cách làm ăn của Út Thanh, trong năm 2011 xã đã nhân rộng mô hình nuôi cá đồng cho nhiều nông dân ở hai ấp Kinh Đứng A và Bình Minh 2. Kết quả đã có hơn 35 hộ nuôi thành công, vươn lên thoát nghèo".


Nông Nghiệp Sạch - Lợi Đủ Đường Nuôi Heo An Toàn Từ A - Z Nông Nghiệp Sạch - Lợi Đủ Đường Nuôi… Chôm Chôm... Bay Chôm Chôm... Bay