Vai Trò Của Phân Đạm Đối Với Lúa
Đạm đóng vai trò quan trọng trong đời sống cây lúa, nó giữa vị trí đặc biệt trong việc tăng năng suất lúa. Tại các bộ phận non của cây lúa có hàm lượng đạm cao hơn các các bộ phận già. Đạm là một trong những nguyên tố hóa học cơ bản của cây lúa, đồng thời cũng là yếu tố cơ bản trong quá trình phát triển của tế bào và các cơ quan rễ, thân, lá...
Đạm có tác dụng mạnh trong thời gian đầu sinh trưởng và tác dụng rõ rệt nhất của đạm đối với cây lúa là làm tăng hệ số diện tích lá và tăng nhanh số nhánh đẻ. Tuy nhiên hiệu suất quang hợp và hiệu suất nhánh đẻ hữu hiệu có ngưỡng nhất định nên khi sử dụng đạm cần phải chú ý điều chỉnh lượng bón và thời điểm bón đạm cho cây lúa. Nếu thiếu đạm, cây lúa thấp, đẻ nhánh kém, phiến lá nhỏ, hàm lượng diệp lục giảm, lá lúa ngả màu vàng và lúa sẽ trỗ sớm hơn, số bông và số lượng hạt ít hơn, năng suất lúa bị giảm.
Nếu bón nhiều đạm và trong điều kiện ruộng thừa chất dinh dưỡng thì cây lúa thường dễ hút đạm, dinh dưỡng thừa đạm sẽ làm cho lá lúa to, dài, phiến lá mong, nhánh lúa đẻ vô hiệu nhiều, lúa sẽ trỗ muộn, cây cao vóng dẫn đến hiện tượng lúa lốp, đổ non dẫn đến năng suất, hiệu suất lúa không cao. Cây lúa hút đạm nhiều nhất vào hai thời kỳ: thời kỳ đẻ nhánh và thời kỳ làm đòng.
1. Nhu cầu về đạm của cây lúa ở từng mùa vụ:
Nhu cầu về đạm của cây lúa ở từng mùa vụ là khác nhau nên việc sử dụng phân đạm cũng khác nhau.
Ở vụ mùa: cây lúa cao, bộ lá rậm rạp, che khuất lẫn nhau nên việc tạo chất dinh dưỡng trong lá bị giảm. Vào mùa mưa, nguồn năng lượng ánh sáng ở bên trên và trong ruộng lúa thấp nên hầu như cây lúa không dùng hết lượng phân bón để tạo hạt. Hơn nữa, mưa nhiều trong vụ mùa cũng là nguồn bổ sung phân bón, phân đạm cho cây lúa, vụ mùa nên bón một lượng phân bón vừa phải.
Ở vụ chiêm: cây lúa thấp và ít nhánh, năng lượng ánh sáng nhiều hơn vụ mùa. Ngoài việc trong vụ xuân có thể cấy dày hơn thì việc bón lượng phân đạm nhiều hơn là điều cần thiết. Với lượng ánh sáng nhiều, bón phân đạm trong vụ xuân sẽ làm tăng được số nhánh đẻ, diện tích bộ lá cao sẽ tạo cho tốc độ tạo chất dinh dưỡng của cây lúa cao và hiệu quả hơn, số nhánh đẻ thêm do bón đạm cũng hường hữu hiệu vì ít bị che rợp. Như vậy nên bón nhiều, tăng lượng phân đạm cũng như các loại phân bón khác cho cây lúa trong vụ xuân, nhưng vẫn phải lưu ý đến hiệu suất để cân nhắc lượng đạm bón cho lúa.
Việc bón phân đúng lượng sẽ cho hiệu quả và thu nhập cao nhất, với bất kỳ mùa vụ nào cũng phải cân nhắc lượng đạm bón cho lúa sao cho vừa đủ lượng. Lượng đạm vừa đủ trong đất làm tăng diện tích lá, số chồi, làm tăng năng suất lúa. Quá nhiều phân đạm trong đất sẽ làm cây tăng trưởng mạnh, cây bị ngã đổ do nhận được ít ánh sáng, còn ở thời kỳ sinh sản, bón quá nhiều đạm sẽ làm tăng số hạt lép và tạo nhiều chồi con. Nếu không đủ lượng đạm thì cây lúa sinh trưởng phát triển kém cũng không thể cho năng suất cao.
2. Cách sử dụng phân đạm hiệu quả
Lượng phân đạm bón cho cây lúa chỉ được cây hấp thụ khoảng 40%, lượng 60% còn lại thì 40% bị mất đi do bốc hơi, rửa trôi... và 20% còn lại thì lưu giữ trong đất có thể một phần được vụ tiếp theo sử dụng). Vì vậy phải có cách bón để sao cho cây lúa hấp thụ được nhiều nhất bằng cách: điều chỉnh lượng đạm bón ở các mùa vụ khác nhau, đối với các chân đất, giống lúa khác nhau và vào thời điểm nào cho thích hợp... Việc bón phân đạm đúng lượng sẽ cho hiệu quả cao nhất. Lượng phân đạm cần bón còn phụ thuộc vào giá cả, hiệu quả tăng năng suất và tùy theo từng loại giống lúa. Việc bón phân đúng lượng sẽ cho thu nhập cao nhất.
Để sử dụng phân đạm cho lúa một cách có hiệu quả nhất cần áp dụng đồng bộ các yếu tố: lượng phân và mùa vụ, lượng phân và giống, cách bón và thời điểm bón thì chắc chắn sẽ cho một hiệu quả cao nhất.
Các giống có tiềm năng năng suất cao, chịu thâm canh thì sử dụng lượng đạm cao cây lúa vẫn hấp thụ, phát triển tốt và không bị lốp đổ. Các giống cao cây và thấp cây có nhu cầu về đạm cũng khác nhau. Các giống cao cây cần đạm từ lúc đẻ nhánh đến khi lúa sắp trỗ, còn các giống thấp cây thì nhu cầu về đạm tăng đều tới lúc lúa trỗ và sau khi trỗ xong thì nhu cầu về đạm giảm rõ rệt. Với những giống lúa mới, bón phân sẽ cho năng suất tăng lên nhiều hơn năng suất giống lúa cũ, dù là trồng vào vụ nào, bón đạm nhiều hay ít.
Lượng phân đạm bón cho cây lúa phải thích hợp: lượng phân bón thích hợp phụ thuộc vào mùa vụ gieo cấy, độ màu mỡ của đất, tiềm năng năng suất của giống lúa, giá cả phân bón, thời gian và cách bón phân. Ngoài việc phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật của các giống lúa, còn phải quan sát, cân nhắc lượng và thời điểm bón phân đạm dựa vào chân đất, thời tiết và màu sắc bộ lá lúa (dùng bảng so màu lá lúa).
Bón phân đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa: yêu cầu về đạm của cây lúa thay đổi theo thời gian sinh trưởng. Cây lúa cần nhiều đạm trong thời kỳ đẻ nhánh, nhất là thời kỳ đẻ nhánh cực đại. Khi kết thúc thời kỳ phân hóa đòng, hầu như cây lúa đã hút trên 80% tổng lượng đạm cho cả chu kỳ sinh trưởng.
Một trong những yếu tố quan trọng để tăng hiệu quả bón đạm cho cây lúa là cách bón, hay nói cách khác là bón đạm như thế nào.
Thời điểm thích hợp nhất để bón đạm cho cây lúa vào lúc cấy và lúc cây lúa bắt đầu làm đòng, cũng không nên bón đạm cho lúa khi vừa cấy xong. Cách bón phân đạm tốt nhất là trước khi cấy phân đạm được trộn với đất để cho phân đạm gần rễ hơn.
Khi bón phân cũng phải quan sát không nên bón khi ruộng khô nẻ rồi cho nước vào ruộng thì một phần phân đạm sẽ biến thành khí bốc hơi bay đi. Ngược lại nếu bón đạm cho đất ngập nước thường xuyên làm thay đổi dạng đạm (dạng đạm này dễ chuyển thành thể khí bay lên). Khi quan sát thấy trời sắp mưa không nên bón đạm vì như vậy lượng đạm vừa bón sẽ dễ bị rửa trôi; khi chưa nắng nóng gay gắt vào buổi trưa, đầu giờ chiều cũng không nên bón đạm vì đạm dễ bị bay hơi. Trời quang đãng, vào buổi sáng hoặc chiều tối là thời điểm bón đạm tốt nhất.
Cần phải luôn luôn giữ cho đồng ruộng sạch cỏ dại. Trước khi bón phân đạm cho lúa cần phải làm sạch cỏ dại bởi vì cỏ sẽ cạnh tranh phân đạm với cây lúa. Cỏ càng mọc nhanh sẽ cạnh tranh với lúa không những chỉ phân bón mà cả nước, ánh sáng, không gian chứa khí và điều kiện để sâu bệnh phát sinh phát triển. Cần phải làm cỏ trong vòng 30 ngày sau khi cấy, nếu không làm cỏ ngay trong giai đoạn này thì năng suất lúa sẽ bị giảm rõ rệt.
Khi bón thúc phân đạm là không nên bón khi lá lúa còn ướt bởi phân đạm sẽ dính lại trên lá ướt và với lượng nhiều có thể gây cháy lá; phân đạm đã hòa tan vào những giọt nước trên lá lúa sẽ bị mất vào không khí khi các giọt nước đó bốc hơi, khô đi. Cũng không nên bón thúc phân đạm nếu như thấy có mưa to vì đạm vừa bón sẽ bị trôi đi mất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ