Tin thủy sản Vẫn rập rình được mùa mất giá

Vẫn rập rình được mùa mất giá

Tác giả Hương Ly, ngày đăng 26/04/2017

Vẫn rập rình được mùa mất giá

Giá cá tra thời gian qua tăng khá cao khiến nhiều người nông dân lại háo hức thả nuôi, nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia, không nên lặp lại việc thả nuôi ồ ạt như những thời gian trước, bởi bài học được mùa mất giá vẫn luôn rình rập.

3 tháng, sản lượng cá tra thu hoạch trên 210.000 tấn. Ảnh:N.C

Những ngày tháng 4, giá cá tra ở ĐBSCL được thương lái mua ở mức 26.000 đồng/kg, đạt kỷ lục cao nhất trong 3 năm gần đây. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, nông dân ĐBSCL đã thả nuôi 739 ha và thu hoạch 672 ha, sản lượng trên 210.000 tấn. Năm 2016, ĐBSCL thả nuôi hơn 3.000 ha cá tra, sản lượng trên 1 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất trong vùng là Đồng Tháp (995 ha), Bến Tre (727 ha), An Giang (617 ha), Cần Thơ (313 ha)…

Theo kế hoạch của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, diện tích nuôi cá tra thương phẩm từ 5.000 ha đến 5.500 ha, sản lượng trên 1,15 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Do đó, nếu việc phát triển “vượt” mức dự báo, có thể người nông dân lại chịu hậu quả của việc nuôi trồng vượt mức này.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương nhận định, giá cá tra dự báo sẽ tiếp tục tăng, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang ở mức cao, đặc biệt là phía Trung Quốc, trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu hiện nay rất hạn chế. Giá cá tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế đã tăng áp lực không nhỏ lên nhà máy chế biến xuất khẩu. Một sự lý giải khác về nguyên nhân tăng giá cá tra, theo ThS Lê Thị Kiều Trang, Phó Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, mỗi năm, cá tra chỉ cho sinh sản 2 vụ nên có những thời điểm không nằm trong giai đoạn sinh sản, dẫn đến giống cá tra bị thiếu hụt giống như thời gian vừa qua. Dự kiến, vào khoảng đầu quý II, giống cá tra sẽ sớm ổn định trở lại và sẽ dần đưa giá giống cá tra trở về mức ổn định. Nhưng do đợt mưa kéo dài đầu tháng 4 đang làm sản lượng cá tra giống bị thiệt hại nhiều. Chính vì thế, việc cung cấp cá tra giống ra thị trường có thể kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa. Hơn nữa, vì nhiều người dân đã treo ao bỏ nghề sau một năm thua lỗ đã khiến cho thị trường giá cá tra từ đầu năm đến nay thiếu hụt về sản lượng, đẩy giá cá tra lên đến mức 22.000 - 27.000 đồng/kg và thậm chí là cao hơn.

Trước thông tin trên, mới đây, Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến cáo, việc người dân mở rộng diện tích nuôi cá tra ở thời điểm này có thể dẫn đến những rủi ro khó lường. Nếu phía Mỹ tiếp tục đưa ra các hàng rào về kỹ thuật thì sẽ tác động đến thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc. Ngoài ra, gần đây kích cỡ và trọng lượng cá có xu hướng suy giảm so với nhiều năm trước đây. Nguyên nhân do khâu đầu tư nghiên cứu sản xuất con giống chưa sâu. Do đó, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời về thị trường Trung Quốc, sớm đưa ra những cảnh báo cần thiết, để hạn chế rủi ro cho nông dân. Được biết trong những năm gần đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh: năm 2012 chỉ chiếm khoảng 4%, năm 2016 đang tăng lên 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng chung nhận định trên, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, hiện giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao, chính vì vậy, các hộ nuôi cá tra ĐBSCL cần hết sức thận trọng, tránh để lặp lại tình trạng vẫn thường xảy ra, khi lượng cá tra quá lớn mà đầu ra hạn hẹp, dẫn đến thua lỗ phá sản vì không tiêu thụ kịp.


Cơ hội cho cá tra tại thị trường Trung Quốc Cơ hội cho cá tra tại thị trường… Thay thế dầu cá: Bằng nguyên liệu thực vật Thay thế dầu cá: Bằng nguyên liệu thực…