Mô hình kinh tế Vàng Trắng Cao Su Nghịch Dị Trồng Nhanh, Chặt Thần Tốc

Vàng Trắng Cao Su Nghịch Dị Trồng Nhanh, Chặt Thần Tốc

Ngày đăng 09/07/2014

Vàng Trắng Cao Su Nghịch Dị Trồng Nhanh, Chặt Thần Tốc

Ồ ạt trồng, ồ ạt chặt, vùng cao su truyền thống chặt cả những cây đang cho mủ trong khi nơi không thích hợp lại phát triển cây này.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800.000ha cao su nhưng đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su cả nước đã là 915.000ha, vượt hơn 100.000 ha (13%).

Theo đó, sau 6 năm, 6 tỉnh miền núi Tây Bắc đã trồng trên 23.050ha, chủ yếu là cao su đại điền; khu vực miền Trung 132.700ha, Tây Nguyên 243.290ha, Đông Nam Bộ 511.460ha.

Để trồng mới 1 ha cao su, tổng chi phí đầu tư khoảng 130 triệu đồng/ha. Nếu cây phát triển tốt, sau 6 năm sẽ cho khai thác mủ 25 năm, sau đó bán cây lấy gỗ, với giá 350.000 đồng/cây thì 1 ha cao su cho thu hoạch 180 triệu đồng, đủ lấy lại vốn đầu tư. Trung bình 1 ha cao su cho thu hoạch 2 tấn mủ/năm, tương đương 2,5 tỷ đồng.

Chính vì lợi nhuận cao nên nhiều tỉnh đầu tư lớn vào cao su. Năm 2009 toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 70.000ha cao su. Ngoài diện tích này, cuối năm 2009 tỉnh Gia Lai tiếp tục có quy hoạch chuyển thêm 61.000ha đất rừng qua trồng cao su. Tính đến nay diện tích cao su toàn tỉnh đã lên tới gần 100.000ha.

Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, những năm qua một số tỉnh đã trồng vượt quy hoạch với số lượng 80.470ha. Nguyên nhân là do cao su tiểu điền phát triển vượt kiểm soát của địa phương, nhất là giai đoạn từ 2009-2011 khi giá cao su đạt mức cao kỷ lục (120 triệu đồng/tấn).

Tuy nhiên, 5 năm gần đây giá cao su đã tụt xuống mức thấp nhất thế giới, khiến những người trồng cao su trước có lãi giờ không có lãi. Người lãi ít thì hòa vốn, người chưa kịp lãi thì lỗ.

Hậu quả, nông dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, phải phá bỏ hàng ngàn ha vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.

Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết tính đến tháng 6/2014, tổng diện tích vườn cao su bị người dân đốn bỏ trên địa bàn toàn tỉnh khoảng gần 2.000ha.

Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Châu khoảng 700ha, Tân Biên 600ha, Châu Thành trên 70 ha. Diện tích cao su bị chặt bỏ có độ tuổi từ 5 năm trở xuống khoảng gần 300ha, số còn lại là cao su đã cho khai thác từ 10 năm trở lên.

Ngoài ra, còn có gần 200ha cao su 2-3 năm tuổi bị nông dân chặt ngọn, không khai thác để giữ đất trồng sắn.

Nghịch dị

Theo đánh giá của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ), do tiến sĩ Tô Xuân Phúc và cộng sự tiến hành, cây cao su phù hợp với điều kiện như sau: Nhiệt độ trung bình năm từ 25-30 độ C; không có sương muối về mùa đông; lượng mưa trung bình hàng năm trên 1.500 milimet; ít có bão mạnh trên cấp 8; Độ cao dưới 700 mét so với mực nước biển (miền núi phía bắc dưới 600 mét); Tầng đất dày tối thiểu 0,7 mét; Độ sâu mực nước ngầm lớn hơn 1,2 mét và không bị ngập úng khi có mưa; Thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt...

Thế nhưng, trong khi người nông dân ở các vùng cao su truyền thống như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên ồ ạt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác thì tại Tây Bắc, nơi rất kỵ cây cao su lại đang phát triển diện tích trồng loại cây này.

Không chỉ những vườn cao su non 2-3 năm tuổi bị chặt phá, các diện tích cao su đang cho mủ cũng bị nông dân đốn bỏ không thương tiếc, số khác không được chủ vườn khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công.

Cục Trồng trọt cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300 ha, trong đó chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và tập trung ở diện tích cao su tiểu điền.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng cảnh báo, thậm chí ông còn viết thư phản đối chủ trương trồng cây cao su ở miền Trung và Tây Bắc nhưng không ai nghe.

"Cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, sợ nhất gió bão, rét và đất dốc. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 16 độ cây sẽ chết. Tây Bắc là vùng có nhiệt độ tối thấp, trong khi miền Trung lại là rốn bão.

Nếu ở điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp cây cao su không gãy đổ thì sẽ bị ức chế mủ.

Thuận lợi hơn, có thể cây không chết nhưng thời gian sinh trưởng kéo dài, bình thường 5 năm đã cho thu hoạch mủ giờ phải mất 8 năm. Thời gian cạo mủ cả năm bị rút ngắn, năng suất mủ thấp, đương nhiên trồng cao su lỗ", ông Nguyễn Công Tạn phân tích.

Dù vậy, cây cao su vẫn được ra miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc để trồng. Theo chương trình phát triển cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu… đến hết năm 2013 đã có gần 25.000 ha. Hiện Lai Châu đã trở thành “thủ phủ cây cao su” ở Tây Bắc với hơn 11.000 ha.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết, diện tích cao su trên các tỉnh miền núi phía Bắc, mới trồng trong khoảng 5-7 năm, dù quá thời gian cạo mủ so với các khu vực miền Nam nhưng vẫn chưa cho thu hoạch. Từ việc kéo dài thời gian, lượng mủ thấp, chi phí cao đã khiến người trồng cao su không thể có lãi.


Nông Dân Tập Trung Chăm Sóc Cây Trồng Vụ Hè Thu Nông Dân Tập Trung Chăm Sóc Cây Trồng… Rau Củ Đà Lạt Tăng Giá Mạnh Rau Củ Đà Lạt Tăng Giá Mạnh