Mô hình kinh tế Vàng Trắng Hóa... Muối Nhạt

Vàng Trắng Hóa... Muối Nhạt

Ngày đăng 11/07/2014

Vàng Trắng Hóa... Muối Nhạt

Trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu (XK) cao su thiên nhiên của nước ta chỉ đạt 644 triệu USD. Giá giảm khiến nhiều người chặt bỏ cao su chuyển sang trồng cây khác.

Vượt quy hoạch hơn 150.000ha

Từ ngành hàng cho kim ngạch XK 3,2 tỷ USD năm 2011, đến nay, ngành chế biến, XK cao su đã “rơi tự do”, thậm chí thua cả hồ tiêu về giá trị XK.

Từ đầu năm 2014 đến nay, khắp các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ nổi cộm tình trạng nông dân đốn hạ vườn cao su, kể cả những cây đang cho mủ vì thua lỗ vì không còn khả năng cầm cự.

Hiện, giá mủ cao su sơ chế chỉ khoảng 37- 39 triệu đồng/tấn, mủ nước tươi nông dân bán tại vườn chỉ 9.000 -15.000 đồng/kg, trong khi 2 năm trước giá là 45.000 đồng/kg.

Chỉ cách đây vài năm, cao su được gọi là “vàng trắng”. Giá cao su XK từ 1.677 USD/tấn năm 2009 đã tăng đột biến, đạt đỉnh 4.562 USD/tấn trong tháng 2/2011, riêng chủng loại SVR3L đạt 5.704 USD/tấn.

Thế nhưng từ năm 2012 đến nay, giá cao su XK giảm liên tục do cung vượt cầu, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Trong tháng 6/2014, giá cao su xuất khẩu chỉ đạt 1.850 USD/tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 65% so với giá đỉnh tháng 2/2011.

Theo nhiều chuyên gia, cao su rớt giá là do cung vượt cầu. Trong Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 về quy hoạch trồng cao su, tổng diện tích trồng cao su theo quy hoạch đến năm 2015 là 800.000ha. Thế nhưng theo số liệu của Cục Trồng trọt, đến hết năm 2013, diện tích cao su toàn quốc đạt khoảng 955.600ha, tức là vượt hơn 150.000ha so với quy hoạch.

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết: “Chúng ta thường phê phán nông dân kém hiểu biết, sản xuất theo phong trào khi giá tăng thì trồng, giá giảm thì chặt. Nhưng cao su thì khác, hầu hết là do các doanh nghiệp (DN) lớn của nhà nước trồng hoặc ký hợp đồng trồng với nông dân thì để xảy ra tình trạng “trồng- chặt” là rất khó chấp nhận.

Đây phải xem là hậu quả của việc làm trái quy hoạch mà nhiều người đã can ngăn từ cách đây 10 năm. Việc cần làm ngay lúc này là dừng lại, không được trồng thêm diện tích cao su mới”.

Cục Trồng trọt nói gì?

Ngày 7/7, Cục Trồng trọt đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình phát triển và chặt phá cây cao su. Theo Cục Trồng trọt, tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng 3.300ha, chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và tập trung nhiều ở diện tích cao su tiểu điền.

Nhằm ổn định sản xuất cao su, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương trồng cao su tăng cường thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cao su trên thế giới và trong nước về trung hạn và dài hạn cho nông dân biết. Với cao su đã hết tuổi khai thác, có thể cho nông dân chặt lấy gỗ bán.

Các vườn cao su nằm ngoài vùng quy hoạch, nếu vườn sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng với những khu vực thích hợp mà cao su còn non, thì các cấp chính quyền không để người dân tự tiện chặt phá, mà phải ngăn chặn ngay, không để “bệnh” chặt lan rộng.

Vì cao su là cây lâu năm mới cho thu hoạch, việc phá bỏ vừa gây lãng phí vừa có thể phá vỡ vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh của địa phương. Về giải pháp kỹ thuật đối với cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản, có thể khuyến cáo nông dân giảm đầu tư phân bón, hoặc trồng xen cây khác để tăng thu nhập.


Để Diêm Dân Giữ Mãi Niềm Vui Để Diêm Dân Giữ Mãi Niềm Vui Khó Mua Gạo Xuất Khẩu Khó Mua Gạo Xuất Khẩu