Vàng Trắng Trên Đất Nghệ An
Những ngày cuối năm lên với huyện miền núi cao Quế Phong - vùng đất mới của cây cao su, hay về với “thủ phủ” Anh Sơn, Thanh Chương, đều cảm nhận thấy rất rõ sự phát triển mạnh mẽ của loại cây mà sản phẩm ngày nay được gọi là “vàng trắng”. Với Dự án “trồng và phát triển cao su trên đất Nghệ An” của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An, những vùng đồi nghèo trước đây nay đã xanh màu hy vọng và no ấm.
Đứng dưới Quốc lộ 48 nhìn lên, những quả đồi trồng cao su ở xã Tiền Phong (Quế Phong) xanh ngút ngát trải dài. Con đường dẫn lên núi do Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An đầu tư xây dựng chạy uốn lượn, ngoằn ngoèo hình xoắn ốc qua những đồi dốc đứng, lên dần những độ cao chóng mặt: 300; 350m, rồi 400m so với mực nước biển. Ngồi trên xe cả giờ đồng hồ vẫn chưa đi hết những đồi cao su cứ cao dần lên mãi.
Nhận nhiệm vụ ở Nông trường cao su Quế Phong từ đầu năm 2013, nhưng anh Phan Tất Trang (Đội trưởng Đội 1) đã gắn bó với cây cao su ngay từ những ngày đầu tiên khi dự án “bén đất” Nông trường 12/9. Theo Đội trưởng Trang, ngoài 25 công nhân đã biên chế có thu nhập bình quân 4- 4,5 triệu đồng/người/tháng, đội còn có 5 công nhân hợp đồng và 50 lao động thời vụ trong những thời điểm cần nhiều lao động như khai hoang xử lý thực bì, bón phân, trồng cây, chủ yếu là bà con các dân tộc Thái, Khơ mú ở Quế Phong. Đã có 7 hộ công nhân xây dựng lán trại, kết hợp chăn nuôi thêm lợn, gà, nuôi cá và trồng lúa để tăng thêm thu nhập.
“Từ cây cao su đầu tiên được trồng vào đầu tháng 5/2013, đến nay chúng tôi đã có 140 ha cao su sinh trưởng phát triển rất tốt, cao bình quân 1,5- 2m. Hiện nay anh em Đội 1 đang tập trung khai hoang xử lý thực bì, đào hố trồng cây, trồng thêm khoảng 50 ha nữa trong năm 2013”- anh Trang cho biết.
Phát triển diện tích cao su ở vùng núi cao Tây Bắc Nghệ An được coi là một chủ trương khá táo bạo của Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An. Ông Võ Văn Thành (Phó Ban Kế hoạch đầu tư- Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam) chia sẻ: “Nghệ An được đánh giá là vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây cao su phát triển; tuy nhiên, ở các huyện miền núi, đặc biệt là ở huyện Quế Phong, Quỳ Châu… với địa hình đồi núi dốc, giao thông phức tạp là một khó khăn rất lớn trong phát triển cao su so với các vùng truyền thống như các tỉnh Đông Nam bộ.
Để phát triển cây cao su ở địa hình đồi núi dốc, ngoài việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về cây giống có khả năng chịu gió, chịu rét còn đòi hỏi phải có thiết kế, quy trình, biện pháp trồng thích hợp và chi phí đầu tư cũng phải lớn hơn so với các vùng khác. Với vai trò là một tập đoàn kinh tế nhà nước, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng và chế biến cây công nghiệp, việc phát triển cây cao su ở đây, không đơn thuần về mục đích hiệu quả kinh tế mà Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nói chung và Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An nói riêng còn rất chú trọng đến vấn đề gắn kết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân vùng miền núi cũng như thực hiện khát vọng biến những khu rừng nghèo thành những diện tích rừng cao su trù phú, sinh lợi lớn”.
Chỉ mới 3 năm kể từ khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về dự lễ ra quân trồng cây cao su đầu tiên trong dự án trồng và phát triển cao su trên đất Nghệ An của Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An, trên vùng đồi các xã miền núi của 2 huyện Anh Sơn và Thanh Chương, màu xanh của cao su đã phủ ngút ngàn.
Đứng bên bờ sông Giăng thuộc xã Thanh Đức (Thanh Chương), bên bạt ngàn đồi cao su mới được trồng trải dài dưới nắng, ông Phạm Trung Thái (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An)- người đã kiên trì bám trụ từ những ngày đầu khảo sát, lập dự án cho đến suốt cuộc hành trình gian nan để cây cao su “đứng” được và phát triển trên đất Nghệ An khẳng định:
Công ty xác định quy mô diện tích quy hoạch của dự án là 10 nghìn ha cây cao su đứng, ngoài “thủ phủ” của cao su là Anh Sơn (hơn 3.642 ha), Thanh Chương (3.004 ha), mới đây UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cây cao su của công ty trên địa bàn huyện Quế Phong với diện tích 3.089 ha.
Năm 2013, chúng tôi sẽ trồng xong 1.200 ha cao su, nâng tổng diện tích cao su của công ty trên toàn tỉnh lên 2.000 ha. Trong kế hoạch, năm 2014 sẽ phấn đấu trồng thêm 1.700 ha và từ năm 2015 trở đi mỗi năm sẽ trồng mới khoảng 2.000- 2.500 ha cao su. Nói về những dự định trước mắt cũng như lâu dài, ông Thái tự tin:
Qua 3 năm tiến hành trồng mới tại 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong rất nhiều biến cố của thiên nhiên nhưng cây cao su đã sinh trưởng và phát triển tốt, qua đó cho thấy vùng quy hoạch trồng cao su của công ty tại Nghệ An đảm bảo đủ các điều kiện về khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng, đất đai thích hợp thuận lợi cho phát triển cao su với quy mô đại điền. Đến nay, thực tế đã chứng minh nhận định của chúng tôi là chính xác.
Cây cao su phát triển thậm chí tốt hơn cả một số vùng ở các tỉnh Nam bộ vốn có truyền thống và những điều kiện rất thuận lợi. Qua kiểm kê vườn cây hàng năm, cây cao su ở Nghệ An luôn đạt, thậm chí vượt theo mức khoán của Tập đoàn. Trong kế hoạch sắp tới, khi đã có sản phẩm, công ty sẽ tiến hành xây dựng 3 nhà máy chế biến có công suất từ 5.000 tấn/năm/nhà máy, dự kiến đặt tại 3 huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Quế Phong.
Trước mắt, theo kế hoạch, năm 2014, công ty được Tập đoàn giao triển khai trồng mới 2.000 ha cao su, tuy nhiên, diện tích đất công ty tiếp nhận đã triển khai hết nên đơn vị rất cần sự quan tâm của tỉnh, tạo điều kiện sớm có quỹ đất, thực hiện kế hoạch trồng mới cao su.
Lần này quay lại Nông trường cao su 12/9, chúng tôi đã có dịp gặp lại cô công nhân trẻ Nguyễn Thị Nga (Đội 1). Nga vào làm việc tại Nông trường 12/9 được 2 năm, với “gia tài” là gần 6 ha cao su được giao chăm sóc, bảo vệ.
Nga cho biết: “Em chuẩn bị nhận thêm 2 ha cao su nữa. Ngoài thu nhập bình quân 4- 4,5 triệu đồng/tháng từ bảo vệ và chăm sóc cao su, em còn trồng xen thêm gần 2 ha rễ hương dưới tán cây, dự kiến sẽ thu về 60- 70 triệu đồng/ha”. Dịp tháng 8 năm ngoái, Nga đã được công ty tạo điều kiện cho đi tham quan, du lịch ở Thái Lan và Lào.
Ông Trần Ngọc Thắng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An) cho biết: Đây là hoạt động thường niên của đơn vị. Ngoài việc người lao động được hỗ trợ thêm tiền ăn ca, được đóng bảo hiểm đầy đủ, hàng năm, những công nhân có thành tích xuất sắc sẽ được công ty tổ chức cho đi tham quan ở nước ngoài.
Hiện nay, ngoài hàng ngàn lao động thời vụ được thuê mỗi năm để đào hố, làm bầu, vận chuyển cây giống... công ty còn tạo việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định cho trên 350 công nhân, chủ yếu là con em ngay tại các địa bàn mà đơn vị đứng chân, với mức thu nhập bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, ông Đặng Anh Dũng bày tỏ: Thật sự những ngày đầu khi dự án cao su “vào” địa bàn huyện Thanh Chương, bản thân tôi cũng rất băn khoăn. Bởi cao su là loại cây vốn đã phát triển mạnh ở những vùng đất thuận lợi, có diện tích tập trung như vùng Phủ Quỳ hoặc các tỉnh Nam bộ, trong khi đất ở Thanh Chương giao cho công ty trồng cao su chủ yếu là những diện tích đất rừng chưa sử dụng, địa hình cao và phức tạp.
Nhưng sau mấy năm loại cây được gọi là “vàng trắng” được đưa vào trồng ở đây, những băn khoăn đó đã dần được xóa tan. Thực tế là cao su phát triển rất tốt.
Điều đáng nói là con em địa phương được tạo điều kiện về việc làm gần nhà, với mức thu nhập 3,5- 4 triệu đồng/tháng, trong khi đi làm thuê, làm công nhân tận các tỉnh miền Nam cũng chưa có được mức thu nhập đó. Dự án đã góp phần rất lớn trong đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an ninh trên địa bàn do người dân có việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định.
Ngày 6/12/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt về việc điều chỉnh quy hoạch mở rộng phát triển cây cao su trên địa bàn Nghệ An đến năm 2015 có tính đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2011- 2020 toàn tỉnh sẽ trồng mới 28.747,2 ha cao su, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 40.800 lao động; xây dựng thêm các cơ sở chế biến với công suất 28- 30 nghìn tấn/năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ