Tin nông nghiệp Vào tổ hợp tác, vừa đoàn kết vừa làm giàu

Vào tổ hợp tác, vừa đoàn kết vừa làm giàu

Tác giả Thuận Hải, ngày đăng 26/03/2016

Vào tổ hợp tác, vừa đoàn kết vừa làm giàu

Vợ chồng cùng vào nhóm hợp tác

Ông Lê Quang Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk G’Long cho biết: Đến cuối năm 2015, Đăk G’Long có 81 HTX, tổ hợp tác, trong đó có 13 tổ nhóm với hơn 100 cặp vợ chồng tham gia được hình thành từ dự án “Nâng cao vị trí và tiếng nói người DTTS tại huyện Đăk G’Long”, do Tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam, Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện. Các tổ hợp tác trải đều tại 6 xã của huyện, gồm xã Đăk Som, Đăk R’Măng, Đăk P’Lao, Quảng Hòa, Quảng Khê và Quảng Sơn.

Thành viên các nhóm thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ví dụ nhóm Thành công là người dân tộc Mông, nhóm Quyết tâm vượt khó là người dân tộc Mạ, nhóm Bình Phú gồm các dân tộc Thái, Kinh… Họ đến từ nhiều vùng miền từ phía Bắc, miền Trung và một số hộ là DTTS tại địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Tâm – Trung tâm CECEM, ban đầu để hình thành được các tổ nhóm cùng hợp tác, phát triển lâu dài là việc rất khó, do hiểu biết của bà con DTTS về tổ nhóm chưa nhiều, các cộng đồng DTTS thường ít giao lưu với nhau. Với mong muốn bà con nhìn ra được giá trị của mô hình tổ nhóm, là nơi để thực hành sức mạnh đoàn kết, hợp tác trong sản xuất, đàm phán…, cán bộ dự án đã để bà con tự nguyện tham gia nhóm.

“Để các tổ nhóm tồn tại và lớn mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên của cơ quan chức năng về mặt tổ chức, mỗi thành viên trong tổ phải ý thức được tính chủ động, đoàn kết cùng vươn lên. Có như vậy, các nhóm mới thật sự ổn định và phát triển theo hình thức kinh tế tập thể”.

Ông Đặng Cảm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk G’Long

Các thành viên trong nhóm gồm cả vợ và chồng cam kết tham gia, mỗi tháng sẽ họp nhau 1 – 2 lần, cùng chia sẻ về những mô hình nông nghiệp cả nhóm đang theo đuổi như trồng cà phê bền vững, chăn nuôi dê, gà hay trồng sắn (khoai mì)… Các thành viên cũng thỏa thuận tôn trọng những khác biệt trong văn hóa của từng cộng đồng DTTS, đoàn kết và gắn bó với nhau.

Các nhóm chủ động, gắn bó

Khác với nhiều dự án thường cho đồng bào “con cá”, để có thể độc lập, phát triển được sau khi dự án kết thúc, các thành viên trong tổ, nhóm ở huyện Đăk G’Long đã được khuyến khích tự chọn và thử nghiệm những mô hình nông nghiệp thích hợp.

Được thành lập từ tháng 8.2014 với nền tảng kinh tế không đồng đều giữa các xã viên, anh Nguyễn Trọng Thượng - Tổ trưởng THT Tân Tiến (xã Đăk P’Lao, huyện Đăk G’Long) cũng như nhiều bà con trong tổ rất khó khăn trong việc tìm hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế. Sau nhiều lần họp bàn, các thành viên trong THT Tân Tiến quyết định đổi công cho nhau đi làm rẫy nhưng không lấy tiền công. Theo đó, tiền công này dùng để xây dựng 2 mô hình nuôi dê thử nghiệm. Ban đầu, tổ lấy tiền quỹ mua 6 con dê con, chọn ra 2 hộ nuôi. Mỗi tháng tổ họp lại để xem xét quá trình sinh trưởng của dê, cùng rút ra kinh nghiệm chung. Đến nay, cả tổ đã có 21 con dê giống. Quy trình nuôi dê cũng đã được phổ biến đều cho cả nhóm. Sắp tới, nhóm sẽ triển khai nuôi dê rộng rãi.

Ông Đặng Cảm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk G’Long chia sẻ, hình thức sinh hoạt theo tổ nhóm đã tạo điều kiện cho người dân phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào các DTTS, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã trực tiếp tham gia hiệu quả vào các tổ nhóm trong khuôn khổ của dự án Oxfam.


Các giải pháp chuyển đổi cây trồng chống hạn Các giải pháp chuyển đổi cây trồng chống… TP.HCM căng thẳng nguồn nước làm vụ hè thu TP.HCM căng thẳng nguồn nước làm vụ hè…