Về thăm vương quốc sầu riêng
Từ cây trồng “bén duyên”...
Sầu riêng đã có mặt trên đất Nam bộ nói chung và Cai Lậy nói riêng từ rất lâu đời. Theo nhiều lão nông ở xã Ngũ Hiệp, những cây sầu riêng có mặt đầu tiên tại xã Ngũ Hiệp từ những năm 1970 là những cây sầu riêng khổ qua được hộ gia đình ông Hai Tôn đưa từ xã Tam Bình sang trồng thử nghiệm trên đất cù lao Ngũ Hiệp.
Để tìm hiểu thực hư về nguồn gốc xuất xứ của cây sầu riêng trên vùng đất cù lao này, chúng tôi đã theo chân cán bộ nông nghiệp của xã Ngũ Hiệp tìm về ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp để gặp ông Hai Tôn (tên thật là Nguyễn Hòa Tôn) - người đầu tiên đưa cây sầu riêng “bén duyên” trên đất cù lao Ngũ Hiệp và sau này trở thành nông dân có thương hiệu là “vua” sầu riêng - thì không gặp được ông, chỉ gặp ông Nguyễn Hòa Thuần (người em thứ tư của ông Hai Tôn).
Mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng ông Nguyễn Hòa Thuần vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và hăng say lao động. Ông Thuần kể, khoảng năm 1970, khi gia đình từ xã Tam Bình sang cù lao Ngũ Hiệp lập nghiệp, có mang theo giống sầu riêng khổ qua sang trồng. Nguyên gốc của giống sầu riêng này là của ông Chánh bái Mẫn ở làng Tam Bình trồng vào khoảng năm 1930 và được nhân giống bằng cách ương hạt trồng ở vườn nhà cha ông ở làng Tam Bình (nay thuộc ấp Bình Đức, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy).
Khi sang cù lao Ngũ Hiệp lập vườn, gia đình ông chỉ mang theo mươi gốc sầu riêng này để trồng xen với chanh. Trên vùng đất cù lao phù sa màu mỡ, sầu riêng phát triển xanh tốt và cho trái sai. Vào mùa, sầu riêng chín rụng trái đầy, gia đình ông Thuần lượm trái bán với giá 30 - 40 đồng/kg (tiền của thời bấy giờ).
Sau năm 1975, đất cù lao cũng bị cuốn hút theo phong trào tập đoàn sản xuất nông nghiệp, trái sầu riêng ít người nhắc đến. Bởi lẽ, thời bao cấp ai cũng nghĩ, gạo còn không đủ ăn, trồng sầu riêng bán cho ai. Còn gia đình ông Thuần thì lặng lẽ chăm sóc những gốc sầu riêng với tâm trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Rồi thiên nhiên tình cờ mang lại cho ông Thuần một bài học kinh nghiệm đắt giá. Vào năm 1978, nước triều dâng làm bể bờ bao. Sầu riêng bị “sốc” nên ra hoa đậu trái rất nhiều. Sau vụ bể bờ bao này ông Thuần mới phát hiện ra kỹ thuật bơm tưới nước, xiết nước rồi đậy nhựa cho cây sầu riêng ra hoa trái vụ, với năng suất cao.
10 năm qua, cùng với phong trào cải tạo vườn của nông dân trong xã, vườn sầu riêng khổ qua của ông Thuần đã dần chuyển sang chuyên canh 2 giống chất lượng cao là Mongthong và RI 6. Kinh nghiệm tích lũy hơn 40 năm gắn bó với cây sầu riêng được ông Thuần truyền lại cho các con để tiếp tục phát triển diện tích vườn cây, từ 0,4 ha sầu riêng ban đầu, nay ông Thuần đã có 1 ha vườn chuyên canh sầu riêng.
Thấy ông Thuần trồng sầu riêng có hiệu quả nên nhiều người làm theo. Thực tế, ở Ngũ Hiệp đã có rất nhiều nông dân tích cực chuyển đổi sản xuất sang chuyên canh sầu riêng và đều thành công. Từ đó, diện tích vườn sầu riêng ở Ngũ Hiệp phát triển liên tục, đời sống của người dân trên vùng đất cù lao này cũng thay đổi từng ngày. Cây sầu riêng đã mở ra một trang mới cho miệt vườn Ngũ Hiệp.
Tạo nên “vương quốc” sầu riêng
Nhắc đến “vương quốc” sầu riêng thì ai cũng nghĩ ngay đến Ngũ Hiệp - một xã cù lao có 1.331 ha vườn chuyên canh sầu riêng, chiếm trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã. Hiện cù lao Ngũ Hiệp đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng mới, trong tâm trạng phấn khởi, bởi giá bán khá cao. Sầu riêng các loại hiện có giá bán tại vườn dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại. Đây là mức giá bảo đảm cho nhà vườn có lãi cao.
Ông Dương Văn Đây, 1 triệu phú sầu riêng trên đất cù lao Ngũ Hiệp, gần 20 năm gắn bó với những bước thăng trầm của loại cây trồng này, hiện đang cầm chắc thu nhập không dưới 400 triệu đồng từ 2 ha vườn chuyên canh sầu riêng.
Không chỉ có ông Đây mà ở đất cù lao Ngũ Hiệp còn có nhiều “triệu phú”, “tỷ phú” có sự nghiệp vững bền từ cây sầu riêng. Đó là các ông Nguyễn Văn Chàng (ở ấp Tây Sơn), Lê Văn Lộc (ở ấp Thủy Tây)... mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng từ cây sầu riêng.
Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp mừng ra mặt: “Sầu riêng là thế mạnh của xứ cù lao này, nhiều gia đình vươn lên khá giả, xây nhà kiên cố, nuôi con ăn học… đều nhờ sầu riêng”. Theo UBND xã Ngũ Hiệp, từ khi sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực đã thúc đẩy kinh tế của xã phát triển mạnh.
Theo ông Đỗ Quốc Khánh, điều đáng mừng là người dân Ngũ Hiệp ngày càng ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho sầu riêng ra trái vụ nghịch hiệu quả; mạnh dạn chuyển đổi giống mới để tăng năng suất và chất lượng, đưa thu nhập bình quân của vườn sầu riêng lên mức 100 - 150 triệu đồng/ha/năm trở lên. Ngày nay, trên đất cù lao Ngũ Hiệp, các giống sầu riêng chất lượng cao đã chiếm khoảng 95% diện tích vùng chuyên canh.
Từ chỗ là một cây trồng giữ vị trí khiêm tốn trong vườn nhà, cây sầu riêng ngày càng phát triển và tạo nên “vương quốc” sầu riêng Ngũ Hiệp. Hơn thế nữa, cây sầu riêng đã được tỉnh xác định là 1 trong 7 loại cây trồng chủ lực và sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, hướng đến thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Đó cũng là mong muốn của người dân ở “vương quốc” sầu riêng Ngũ Hiệp.
Hiện nay, phạm vi phân bố của cây sầu riêng tại Tiền Giang chủ yếu ở phía nam Quốc lộ 1, thuộc huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy, mà cái nôi là xã cù lao Ngũ Hiệp. Ngũ Hiệp cũng là chỉ dẫn địa lý cho cây sầu riêng Tiền Giang nói chung và Cai Lậy nói riêng với tên gọi “Sầu riêng Ngũ Hiệp”.
Từ đây, diện tích sầu riêng chẳng mấy chốc lan nhanh khắp các xã trong vùng của huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy như: Tam Bình, Hội Xuân, Long Trung, Long Tiên, Long Khánh, Cẩm Sơn... Khu vực này cũng trở thành vùng chuyên canh sầu riêng, với diện tích tập trung lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm cung ứng sầu riêng thương phẩm chủ yếu khu vực các tỉnh phía Nam và cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ