Vì sao năng suất, chất lượng mía giảm
Thu hoạch mía bằng phương pháp thủ công khiến năng suất, chất lượng giảm.
Lúng túng trong tạo, chọn giống
Đi tìm nguyên nhân khiến cây mía giảm năng suất và chất lượng, Viện trưởng Nghiên cứu mía đường Cao Anh Đương cho biết: Trước hết, do việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tại các địa phương chậm và không đồng bộ.
Là đơn vị nòng cốt về nghiên cứu và chọn, tạo giống mía, từ năm 1986 đến nay, Viện đã đề nghị công nhận được 46 giống mía mới, nhưng hiện vẫn còn 34 giống lưu hành trong sản xuất, chiếm 62% diện tích mía cả nước.
Năm năm gần đây, đã có 10 giống mía mới của Viện được công nhận, nhưng việc chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất chủ yếu lại do trung tâm khuyến nông và lực lượng nông vụ các nhà máy đường đảm nhận.
Hơn nữa, thời gian chọn tạo được một giống mía thường kéo dài từ 10 - 14 năm, cho nên sau mỗi chu kỳ sản xuất từ ba đến năm năm, tỷ lệ giống mía mới được bổ sung vào cơ cấu giống rất hạn chế.
Đặc biệt, các giống mía Việt Nam lai tạo trong nước chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện mới chỉ đạt gần 2% diện tích mía trong sản xuất.
Việc kiểm soát về giống và chất lượng hom giống cũng còn nhiều hạn chế. Hằng năm, nhu cầu hom mía giống cung cấp cho việc trồng mới của khoảng một phần ba diện tích mía cả nước (gần 100 nghìn ha), nhưng vì chưa có hệ thống nhân giống sạch bệnh ba cấp, cho nên hầu hết nông dân trồng mía ở các vùng đều phải tự để giống.
Cũng vì không có ruộng mía giống riêng, nên trong sản xuất, hom mía giống chủ yếu được lấy từ toàn thân cây mía nguyên liệu 6 - 12 tháng tuổi, hoặc từ một phần ba đến một nửa thân cây từ ruộng mía nguyên liệu đang thu hoạch (hom bay ngọn).
Do giống chưa được kiểm soát chất lượng, nên nguy cơ nhiễm sâu bệnh gây hại cao, nhất là các bệnh có nguy cơ lan truyền qua hom giống.
Đã có những vụ mía sâu bệnh gây hại trên diện rộng hàng nghìn ha, như bệnh chổi cỏ mía ở Nghệ An, bọ hung ở khu vực phía bắc, sâu đục thân ở Đông Nam Bộ… làm suy giảm năng suất, chất lượng mía qua các vụ thu hoạch từ 15 - 30%.
Canh tác, thu hoạch tùy tiện
Theo tính toán, trong điều kiện trồng mía chủ động nước tưới, năng suất có thể tăng từ 150 đến 200%. Thế nhưng, theo thống kê của Viện Nghiên cứu mía đường, 70% diện tích trồng mía trong cả nước không có tưới (trừ vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Hơn nữa do quy mô nông hộ sản xuất mía nguyên liệu ở nước ta quá nhỏ và manh mún, trung bình chỉ đạt 0,5 ha/hộ, nên khó áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về phân bón, tưới nước và cơ giới hóa.
Mặc dù các địa phương và doanh nghiệp sản xuất mía đường đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía để ổn định và phát triển vùng nguyên liệu, nhưng do giá mía những năm gần đây giảm (vụ mía 2014-2015, giá mua mía 10 CCS tại ruộng từ 750 - 900 nghìn đồng/tấn, giảm 100 - 150 nghìn đồng/tấn so với vụ trước)
Đã vậy, thời điểm thu hoạch thích hợp nhất cho mỗi giống mía ở từng vùng vẫn chưa được xác định cụ thể, thậm chí phụ thuộc vào thị trường, dẫn đến thu hoạch chậm, làm giảm chữ đường trong mía nguyên liệu.
Quá trình thu hoạch mía, người dân làm theo thói quen nghĩa là thường chặt cao, để lại 3-5% khối lượng thân cây trên ruộng, làm mất khoảng 5-7% chữ đường, bởi hàm lượng đường phần gốc thường cao hơn phần ngọn. Vô hình trung đã làm giảm đáng kể chất lượng mía nguyên liệu.
Để sản xuất mía đường hiệu quả
Bài học kinh nghiệm từ Nhà máy đường Nước Trong (Tây Ninh) cho thấy năng suất, chất lượng mía sẽ được cải thiện đáng kể nếu các yếu tố kỹ thuật được áp dụng đầy đủ.
Mặc dù nhà máy hiện vẫn duy trì gần 60% diện tích mía nguyên liệu trồng giống VN84-4137, một giống khá cũ, nhưng nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác và phòng trừ sâu bệnh đã làm tăng năng suất bình quân từ dưới 50 tấn/ha .
Chữ đường 8CCS trong niên vụ 2009-2010, lên hơn 86 tấn/ha, và chữ đường 10CCS ở niên vụ 2014-2015, đồng thời kéo dài thời gian chế biến mía nguyên liệu từ bốn tháng trong niên vụ trước, lên gần chín tháng vào niên vụ vừa qua.
Được biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường, Bộ NN và PTNT đang thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đặt ra mục tiêu cụ thể trong quy hoạch là vùng nguyên liệu phải đáp ứng công suất nhà máy; bảo đảm liền vùng, liền khoảnh, thuận lợi cho việc thực hiện các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và áp dụng cơ giới hóa.
Kiên quyết giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những đất lúa kém hiệu quả để tăng diện tích mía có tưới, chủ động nước tưới.
Đồng bộ với quy hoạch vùng nguyên liệu là triển khai thực hiện dự án “Phát triển giống mía mới giai đoạn 2016-2020”.
Theo đó, cùng với nâng cao năng lực nghiên cứu lai tạo, chọn dòng giống mía lai thương hiệu Việt, các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp chủ động phối hợp các doanh nghiệp sản xuất mía đường, đề xuất việc nhập khẩu các giống tốt, chất lượng cao của nước ngoài để khảo nghiệm, chọn tạo những bộ giống mới, bổ sung vào cơ cấu giống ở các vùng nguyên liệu đã quy hoạch của nhà máy.
Đồng thời, phối hợp Trung tâm khuyến nông quốc gia và các địa phương, một số doanh nghiệp sản xuất mía đường lớn tiến hành điều tra, thu thập số liệu, hướng dẫn chuyển giao các quy trình “Thâm canh mía theo hướng công nghệ cao” cho người trồng mía.
Vận động nông dân ở một số vùng mía trọng điểm “dồn điền, đổi thửa”, cho thuê đất để hình thành các vùng sản xuất mía quy mô lớn, tập trung, được tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành mía đường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ