Tin nông nghiệp Vì sao Nhật Bản thành công trong việc nâng tầm giá trị nông sản?

Vì sao Nhật Bản thành công trong việc nâng tầm giá trị nông sản?

Tác giả Bùi Hùng (VOV-Tokyo), ngày đăng 01/03/2022

Vì sao Nhật Bản thành công trong việc nâng tầm giá trị nông sản?

Theo Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản, năm 2020 và 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm hải sản của Nhật Bản vẫn tăng. Riêng năm 2020 đạt 922,3 tỷ yên cao nhất trong vòng 8 năm qua, tăng hơn 2 lần so với năm 2012.

Người dân Nhật Bản thu hoạch rau xà lách sáng sớm.

Trong nhiều năm nay, người tiêu dùng Việt Nam dường như “phát cuồng” với sản phẩm hoa quả Nhật Bản bởi hương vị ngọt giòn của táo, ngọt sắc và tan chảy của nho… và cả sự tin tưởng đặc biệt cho sản phẩm xuất xứ từ đây. Và nhiều người tiêu dùng các nước trên thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc… vẫn muốn đi tìm cái gì đã làm nên chất “ma mị” trong từng quả táo, quả nho, quả dâu… như vậy.

Kim ngạch tăng và đạt kỷ lục ngay trong đại dịch Covid-19

Theo Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản, năm 2020 và 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm hải sản của Nhật Bản vẫn tăng. Riêng năm 2020 đạt 922,3 tỷ yên cao nhất trong vòng 8 năm qua, tăng hơn 2 lần so với năm 2012. Riêng nông sản đạt 656,5 tỷ yên chiếm 70%.

Các nước xuất khẩu chủ yếu là Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ. Việt Nam đứng thứ 5 và là quốc gia có lượng nhập khẩu nông sản tăng nhiều nhất khoảng 18,3% so với năm 2019.

Thị trường HongKong (Trung Quốc) vẫn được coi là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Nhật khi trứng gà được ưa chuộng tại đây bởi tươi và an toàn, uy tín hơn hẳn so với trứng gà của Trung Quốc. Ngoài ra, HongKong cũng nhập nhiều táo, đào, nho, dâu, gạo, thịt bò của Nhật. Trung Quốc nhập nhiều táo, lê của Nhật Bản.

Tại thị trường Mỹ, sản phẩm nông sản như trà, thịt bò cũng được người tiêu dùng chú ý nhưng sản lượng không nhiều. Tuy nhiên, hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Mỹ những năm gần đây tăng nhanh, nên nhu cầu nhập hàng nông sản, đồ ăn cũng tăng theo đó.

Nhật Bản đang hy vọng những năm tới, nhu cầu của người tiêu dùng Đài Loan đối với mặt hàng hoa quả như nho, đào, lê nhập khẩu của Nhật Bản sẽ tăng cao.

Với việc đột phá kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2021 vượt 1000 tỷ Yên (tương đương 8,7 tỷ USD), Nhật Bản cũng đã đưa ra chiến lược phát triển mới nhằm tăng sản lượng xuất khẩu nông sản trong đó bao gồm việc thiết lập tổ chức chuyên môn nhằm hỗ trợ xuất khẩu nông sản vào các thành phố lớn của 8 nước và vùng lãnh thổ bao gồm Trung Quốc, Mỹ, tăng cường cung cấp thông tin liên quan đến qui phạm pháp luật của các nước cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước… Dự kiến trong năm 2022, Dự thảo cải cách Luật xúc tiến xuất khẩu sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua.

Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản cho biết doanh số bán thịt bò và rượu sake trên mạng tăng mạnh ở Mỹ và châu Á đã khiến khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng trong năm 2021. Ngoài ra, xuất khẩu cho các ngành nhà hàng ở Mỹ và Trung Quốc tăng do ngày càng có nhiều người bắt đầu dùng bữa ở ngoài.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tăng gấp đôi mục tiêu xuất khẩu vào năm 2025. Và lý do để Nhật Bản tự tin với việc đạt mục tiêu này không mấy khó khăn là gì?

Tạo giá trị hoàn hảo cho nông sản

Nền nông nghiệp Nhật Bản vào những năm đầu thế kỷ 20 giống như nhiều nước châu Á có nền nông nghiệp lúa nước, công nghệ canh tác còn tương đối lạc hậu. Do đó, có nhiều loại cây trồng được mang về từ nước ngoài. Điều đáng nói là những giống cây trồng đó qua nhiều giai đoạn đều được áp dụng công nghệ Nhật Bản, dần dần biến đổi trở thành những sản phẩm có chất lượng cao, không những đáp ứng thị trường trong nước mà còn được thị trường nước ngoài ở phân khúc thượng lưu ưa chuộng.

Ví dụ như táo Fuji của Nhật Bản nổi tiếng về độ giòn, ngọt, có phần mật (gọi là táo mật) cũng phải qua quá trình nâng cấp công nghệ. Giống táo Fuji đầu tiên là một giống táo tốt được chọn lọc vào năm 1939 tại cánh đồng của Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản. Từ quá trình cải tạo đất, cách gieo trồng, chăm sóc đến tự động hóa, các khâu sản xuất, coi trọng chất lượng hơn số lượng đã tạo nên trái táo thơm ngon đặc biệt. Giới nhà giàu Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… không ai không biết tới táo Nhật Bản.

Cánh đồng nông nghiệp tại làng Kawakami, tỉnh Nagano

Ngoài ra, để đảm bảo thương hiệu, Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản đã công bố danh mục các giống cây trồng cấm đưa ra nước ngoài. Đây là biện pháp thực hiện nhằm vừa ngăn chặn việc các giống cây đặc biệt bị đưa ra nước ngoài, vừa thúc đẩy việc bảo vệ các thương hiệu nội địa hướng tới mục tiêu 5 nghìn tỷ yên từ giá trị xuất khẩu nông sản của Chính phủ Nhật.

Danh sách cấm bao gồm tổng cộng 1.975 giống cây trồng trong đó có gồm Nho Shine Muscat (Việt Nam hay gọi là nho sữa), dâu “Amaou”, gạo “Yumepirika”. Theo đó, không có quốc gia nào được chỉ định về việc nhập các giống trong danh mục và không được mang ra khỏi biên giới bằng mọi hình thức. Chính sách “Nội bất xuất ngoại bất nhập” đối với giống cây đặc biệt có xu hướng được tăng cường thực hiện trong thời gian tới.

Do là quốc gia có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên diện tích nông nghiệp của Nhật Bản chỉ chiếm 14% diện tích lãnh thổ. Nên tuy Nhật Bản loại nông sản nào cũng có thể trồng, nhưng số lượng ít, và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, loại nông sản nào cũng phải nhập khẩu. Ngược lại, chất lượng hàng nông sản của Nhật Bản thì vô cùng cao khi có giá đắt nhất tại tất cả các siêu thị, còn các loại nông sản như thịt bò, cá, rau quả… nhập từ Mỹ, Australia… thì lại rẻ và dành cho phân khúc người tiêu dùng bình dân. Mặc dù thế, trên kệ hàng, nông sản Nhật Bản bao giờ cũng hết trước.

Tự động hóa đang được áp dụng hoàn toàn tại Nhật Bản. Và bí quyết của nền nông nghiệp Nhật Bản là để tạo ra chất lượng tốt nhất là phải thực hiện "ba tinh chế", đó là định vị chính xác, thiết bị tinh chế và kiểm soát chất lượng tinh chế. Điều này đã biến nền nông nghiệp Nhật Bản trở thành nền nông nghiệp cao cấp, với những sản phẩm hoàn hảo.

Triệt để xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương

Nhật Bản có 47 tỉnh thành, và mỗi khu vực đều có đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Mỗi địa phương đều tận dụng triệt để điều kiện thuận lợi để tạo ra những sản phẩm có một không hai, xây dựng thương hiệu mạnh cho thị trường nông sản. Nhắc tới thành phố Kobe, tỉnh Hyogo là nghĩ ngay tới thịt bò Kobe, gạo ngon là tỉnh Niigata, dâu là Tochigi, hay khoai tây Tokyo…

Làng Kawakami của tỉnh Nagano đã nổi danh là làng “thần kỳ” của Nhật Bản. Từ một làng nghèo khó đã vươn lên trở thành một làng tiêu biểu hàng đầu của Nhật Bản, với doanh thu hàng năm lên tới 24 tỷ Yên, trung bình doanh thu mỗi hộ nông dân của Làng là 43 triệu Yên/năm (hơn 400.000 USD). Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của làng là xà lách, rau cải trắng được phân phối cho thị trường toàn quốc với độ ngon ngọt đặc biệt.

Trả lời phỏng vấn PV VOV tại Nhật Bản, Trưởng Làng Kawakami từng cho biết nông dân của làng có người đi làm bằng trực thăng, cuối tuần có thể chơi golf tại các sân golf có trong làng hoặc khu vực lân cận. Điều này đủ thấy, nông nghiệp nếu phát triển đúng cách sẽ tạo ra thu nhập hơn cả một số ngành công nghiệp chủ yếu.

Không chỉ đơn thuần là trồng rau, làng Kawakami còn tận dụng triệt để tiềm năng để phát triển du lịch. Khách du lịch có thể thăm quan các ruộng rau từ sáng sớm, thưởng thức rau ngay tại ruộng và những món ăn chế biến từ sản phẩm địa phương. Giống như làng Kawakami, các địa phương khác cũng biến các khu trồng dâu, trồng nho, trồng táo… thành nơi du lịch. Các chuyến tour thăm và ăn táo Aomori, tha hồ hái dâu Tochigi…đã thành thương hiệu quen thuộc của người dân Nhật Bản cũng như người nước ngoài.

Rau có thể ăn tại ruộng.

Giá đắt ngoài mức tưởng tượng

Tại Nhật Bản, 9 sản phẩm nông sản Nhật Bản có kim ngạch bán ra nhiều nhất đó là gạo, sữa tươi, thịt bò, thịt lợn, trứng gà, thịt gia cầm, cà chua, sữa bò và dâu. Trong đó có những sản phẩm được bán đấu giá với mức giá rất cao.

Việc “thổi giá” cho một số sản phẩm nông sản đã trở thành nét văn hóa thương mại, cách quảng bá đặc biệt của Nhật Bản. Năm 2019, một cặp dưa lưới được trồng tại thành phố Yubari (thuộc tỉnh Hokkaido) đã được bán với giá kỷ lục 5 triệu Yên (tương đương 45.000 USD). Mức giá này tương đương giá một chiếc xe ô tô Toyota hạng sang tại thị trường Nhật Bản.

Dưa lưới Yubari có cùi mềm màu cam, ngọt và hàm lượng đường cao. Mức giá phổ biến của mỗi quả dưa giao động từ 4.000-10.000 Yên (tương đương 800.000 đồng - 2 triệu đồng Việt Nam).

Tại tỉnh Tochigi-khu vực đi đầu trong sản xuất dâu tây hơn nửa thế kỷ qua, ngoài việc cung cấp những quả dâu ngon cho người tiêu dùng còn trồng được những quả dâu có giá đắt. Theo Thống đốc tỉnh Tochigi, ông Fukuda Tomikazu thì có những quả dâu được đấu giá lên tới 50.000 Yen (tương đương hơn 10 triệu đồng).

Tỉnh Tochigi nổi tiếng với loại dâu Tochiotome. Loại dâu này chiếm 90% sản lượng dâu của toàn tỉnh, chinh phực người tiêu dùng bởi độ to và ngọt, có màu đỏ đậm. Nó được mệnh danh là “cô gái Tochigi” bởi sự tan chảy khi thưởng thức dâu. Ngoài ra, giống dâu Skyberry khiến trái tim của những người yêu dâu đổ gục bởi độ thơm. Loài dâu này được ví như những nốt nhạc có vị chua ngọt.

Có thể đánh giá rằng, hiếm có quốc gia nào trên thế giới lại tạo ra những sản phẩm nông sản hoàn hảo như ở Nhật Bản. Một yếu tố quan trọng để đạt được như vậy là Nhật Bản đã tận dụng triệt để trí tuệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và coi chất lượng sản phẩm là mục đích.


Tập trung bón thúc cho lúa sau rét Tập trung bón thúc cho lúa sau rét Phòng, chống chuột hại cây trồng Phòng, chống chuột hại cây trồng