Nhím Vì sao nhím không đẻ?

Vì sao nhím không đẻ?

Tác giả ks. Cận, ngày đăng 12/10/2018

Vì sao nhím không đẻ?

Tại sao tôi nuôi nhím 2 năm rồi mà chúng không đẻ?

Trả lời: Nhím là loài động vật gặm nhấm hoang dã được thuần hóa và hiện đang được nhiều địa phương đưa vào nhân nuôi vì chúng dễ nuôi, dễ sinh sản, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế lại rất cao. Thư bạn không nói rõ tình trạng các con nhím của gia đình, nhưng nếu đã nuôi 2 năm mà nhím không đẻ có thể là do các nguyên nhân sau đây: chọn giống không tốt (có thể cả 2 con cùng là đực hoặc đều là cái), khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, đặc biệt là ghép đôi cho giao phối chưa đúng kỹ thuật. Tham khảo tài liệu của Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư quốc gia và kinh nghiệm của nhiều hộ gia đình chăn nuôi nhím giỏi ở một số địa phương Cận tôi xin trao đổi với bạn một số vấn đề sau:

Chọn giống: Theo các nhà khoa học, nhím có 3 nhóm: Nhóm Việt Nam, nhóm Nam Phi và nhóm Bắc Mỹ. Trong nhóm Việt Nam, nhím bờm lớn nhất trong bộ gặm nhấm, nặng trung bình 15-20kg, thân, đuôi dài từ 80-90cm, hình dáng nặng nề, mình tròn, đầu to, mõm ngắn và sắc, mắt nhỏ. Nếu nuôi tốt, 1 tháng có thể tăng trọng 1kg/con. Cần phân biệt giữa nhím và don vì 2 con này có hình dạng tương tự nhau, nhưng nhím to hơn, nặng hơn, lông cứng hơn, đuôi ngắn hơn đuôi don; khi hoảng sợ nhím sẽ xù lông và kêu.

Nhím dễ sinh sản. Con đực trưởng thành sau 12 tháng, con cái 16-17 tháng tuổi. Mỗi năm 1 con nhím cái đẻ được 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Mùa sinh sản của nhím là vào tháng 3-4 và tháng 10-11. Nhím đực mỏ dài, đầu nhọn, thân hình thon dài, đuôi dài hơn con cái, dưới háng có 2 dịch hoàn nhô ra trước bụng, cách lỗ hậu môn khoảng 4-5cm. Nhím đực tính hung dữ hơn, hay dựng lông, đạp chân phành phạch, vừa cắn vừa đánh lông tấn công đối phương. Con cái mỏ ngắn, đầu hơi tròn, thân hình quả trám, đuôi ngắn và mập hơn con đực, dưới bụng lộ rõ 6 vú ở 2 bên, dưới háng có lỗ sinh dục cái, cách lỗ hậu môn khoảng 3cm. Nhím cái tính tình hiền lành hơn, chỉ hung dữ lúc đẻ.

Theo ông Lê Văn Thân, một người nuôi nhím giỏi ở xóm Phúc Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì nên mua nhím đã sinh sản có hệ số an toàn cao hơn, bởi vì khi mua nhím con rất khó phân biệt đực cái. Nhiều trường hợp người nuôi đã mua phải nhím rừng được thả lẫn với nhím nhà để bán cho khách nên khả năng sinh sản rất thấp vì chúng ta phải có quá trình thuần hóa chúng.

Có nhiều cách chọn giống tùy điều kiện kinh tế của người nuôi. Thông thường bà con thường bắt nhím 2 tháng tuổi hoặc nhím bắt đầu sinh sản. Cách chọn cũng khá đơn giản, chọn những con lông mượt, bóng, khỏe mạnh, không còi cọc. Cách phân biệt nhím rừng và nhím thuần là khi vào thăm chuồng bạn lấy một mẩu thức ăn như bí đỏ hay khoai lang thả vào chuồng, nếu nhím ra ăn chứng tỏ nhím đã nuôi thuần, mạnh dạn có thể bắt về làm giống. Thường mua nhím theo cặp: 1 đực, 1 cái, nhưng nếu nuôi nhiều có thể chọn 1 đực cho 2-3 cái nhưng phải chú ý thời gian động đực để cho ghép đôi đạt kết quả thụ thai tốt. Nên chọn con đực nhanh nhẹn, năng động, mạnh mẽ.

Phối giống và chăm sóc nhím sinh sản: Khi con đực và con cái đã đến thời kỳ sinh sản (nặng trên 5kg) thì tiến hành chọn cặp giao phối. Thời điểm động đực của con cái là rụng nhiều lông tơ, kém ăn; con đực có những biểu hiện bất thường như bồn chồn, chạy lung tung, hung hăng. Nhốt con đực và con cái vào lồng rồi cho vào chuồng con cái. Khoảng 1-2 ngày sau, chúng sẽ quen mùi hạch của nhau, khi không thấy những dấu hiệu bất thường thì mở lồng cho 2 con giao phối. Nếu không quen mùi của nhau chúng sẽ cắn nhau đến chết.

Sau 2 tháng sống chung, thấy con cái đã có thai (cân trọng lượng trước và sau khi cặp đôi thấy con cái tăng cân là chắc chắn đã có thai) đem tách riêng con đực, con cái sẽ sống riêng một mình để đẻ và nuôi con của nó. Thời gian nhím mang thai nên cho ăn nhiều chuối, rau, củ, quả, lạc… Khi nhím đẻ cần bổ sung thêm các loại thức ăn tinh giàu đạm, khoáng, sinh tố… Nhím cái rất thương con, chăm sóc và bảo vệ con rất chu đáo, nên người nuôi ít phải can thiệp nhiều. Nhím con mới đẻ trong vòng 1-2 tháng đầu, lông còn mềm và rất hiền, bạn có thể bắt lên xem để phân biệt đực cái, đánh dấu để chọn giống nhân đàn về sau.


Nuôi nhím: Cách chăm sóc và phòng trị bệnh Nuôi nhím: Cách chăm sóc và phòng trị…