Vì Sao Thuế Kinh Doanh Thanh Long Vẫn Thất Thu?
Cơ sở kinh doanh lách luật
Thanh long Bình Thuận ngoài tiêu thụ nội địa thì hàng năm các doanh nghiệp đã xuất khẩu đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Ước tính mỗi năm sản lượng thanh long thu hoạch hơn 500.000 tấn.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 152 tổ chức, cá nhân kinh doanh trái thanh long gồm 106 hộ kinh doanh và 46 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói. Trong đó có 14 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long. Hoạt động thu mua thanh long tại nơi sản xuất chủ yếu do thương lái đảm nhiệm, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chỉ trực tiếp thu mua tại những nhà vườn có số lượng lớn từ 3 - 5 tấn.
Mỗi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long đều có mạng lưới thương lái khoảng vài chục người trực tiếp thu mua tại vườn sản xuất của nông dân về cung cấp hàng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Do yêu cầu thị trường khác nhau về tiêu chuẩn, mẫu mã…nên các thương lái thường phân loại hàng để giao cho các doanh nghiệp. Việc thu mua thanh long diễn ra khá sôi động nhất là mùa trái vụ hoặc thời điểm xuất khẩu đang “ăn hàng”.
Tuy nhiên, tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh sản phẩm thanh long vẫn thường xuyên xảy ra mà ngành thuế chưa quản lý được. Điều đó thể hiện là phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh thanh long không lập chứng từ mua vào và không xuất hóa đơn khi bán hàng, giấu doanh thu, trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với những cơ sở kinh doanh thanh long, ngành thuế xác định doanh thu để tính khoản thuế hàng tháng và lập bộ thu thuế ổn định trong năm (doanh thu ấn định này làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp). Vấn đề thất thu thuế hay lạm thu thuế là do yếu tố “doanh thu ấn định” này có sát hay không.
Trường hợp có biến động tăng, giảm doanh thu tính thuế từ 20% trở lên thì sẽ được khảo sát xác định lại mức khoán thuế. Song, các cơ sở kinh doanh thanh long đều cho rằng mức thuế khoán quá cao, do vậy họ lần lượt chuyển loại hình kinh doanh lên doanh nghiệp để nộp thuế theo phương thức kê khai. Các cá nhân hoạt động kinh doanh buôn chuyến trái thanh long theo quy định phải kê khai và nộp thuế theo từng chuyến hàng, nhưng trên thực tế đối tượng này ít chấp hành nộp thuế.
Các điểm hoạt động thu gom thanh long từ nhà vườn đến bán cho các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh thanh long cố định, lẽ ra họ phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế, nhưng các điểm gom thanh long thường không đăng ký và không nộp thuế. Thực trạng nói trên diễn ra nhiều năm nay, nguồn thuế thanh long bị thất thu lớn nhưng chưa có biện pháp để chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh thanh long.
Nguyên nhân và giải pháp
Việc kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động thu mua, vận chuyển hàng đi tiêu thụ của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng ẩn lậu thuế, trốn thuế. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động “kinh doanh thanh long” cũng gây những vướng mắc trong việc thu thuế.
Chẳng hạn như: Căn cứ pháp lý duy nhất để kê khai tính thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra là hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa… nhưng thực tế ngành thuế không kiểm soát được. Luật thuế cho phép người mua thanh long được sử dụng bảng kê mua hàng mà không cần hóa đơn. Điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể kê khai khống số lượng, giá cả hàng mua vào, bán ra; khi xuất khẩu chính ngạch thanh long doanh nghiệp phải xuất hóa đơn GTGT để được hoàn thuế GTGT.
Song, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với thương nhân nước ngoài về giá ghi trên hóa đơn thấp hơn giá thực tế thanh toán; doanh nghiệp chuyển hàng ra biên giới phía Bắc để trực tiếp xuất khẩu theo hình thức biên mậu, doanh nghiệp chỉ cần đến hải quan cửa khẩu kê khai hàng hóa (không cần hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa) là được cấp tờ khai hải quan để chuyển hàng hóa qua cửa khẩu. Do vậy, doanh nghiệp không cần xuất hóa đơn khi vận chuyển thanh long từ nơi sản xuất đến biên giới để xuất bán…
Từ những vấn đề thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh thanh long nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành thuế tăng cường các biện pháp và phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, khảo sát nắm rõ tình hình hoạt động, quy mô kinh doanh, mức doanh thu, mức thuế của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long.
Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp ẩn lậu thuế, trốn thuế vi phạm pháp luật về thuế nhằm thiết lập trật tự ổn định trong lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, chống thất thu thuế, tăng lượng hàng giao dịch xuất khẩu chính ngạch, giảm bớt tình trạng tranh bán, tranh mua như hiện nay. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế quản lý chặt chẽ trong kinh doanh, vận chuyển thanh long từ nơi sản xuất đến cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Khi người bán hàng và người mua hàng không cần hóa đơn thì dẫn đến doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long không xuất hóa đơn, trong lúc đó không ai kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển thanh long, từ đó doanh nghiệp giấu doanh thu, trốn thuế khá phổ biến.
Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/vi-sao-thue-kinh-doanh-thanh-long-van-that-thu.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ