Mô hình kinh tế Vì sao xuất hiện chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Vì sao xuất hiện chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Ngày đăng 26/11/2015

Vì sao xuất hiện chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Chúng tôi đã đến khảo sát một loạt đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở dọc QL6 Hà Nội - Hòa Bình và thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Bà Nguyễn Thị Minh, ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) thấy chúng tôi có nhu cầu mở đại lý cho các nhà máy thức ăn gia súc và gia cầm, không ngại chia sẻ:

“Hiện nay tôi đang bán cám (thức ăn chăn nuôi) cho 4 - 5 công ty, gồm cả trong nước lẫn nước ngoài, vậy mà mỗi tuần vẫn có 2 - 3 nhân viên thị trường từ các công ty khác đến chào hàng.

Họ thường đề nghị tôi “hất cẳng” hàng của công ty A, công ty B để làm đại lý cho cám của họ”.

Theo bà Minh, những công ty này thường trả hoa hồng rất cao, 9% - 12% để cạnh tranh với những công ty lớn, nhưng cám của họ thường rất tệ và chỉ sau vài ba ngày là các chủ trại, khách hàng chăn nuôi kêu ca.

Hiện có quá nhiều công ty, thương hiệu thức ăn chăn nuôi đang có mặt trên thị trường nên để chiếm lĩnh được thị phần lớn, các công ty buộc phải nghĩ cách làm sao giữ chân người mua quay lại với mình bằng cách tung ra những loại cám giúp heo siêu nạc, cân nặng, gà vịt mau lớn, da vàng…

Bà Minh cũng cam đoan rằng, các đại lý chỉ biết kinh doanh chứ không trộn chất cấm vào thức ăn để bán, chỉ nhận nguyên bao từ các nhà máy đem về.

Còn ông Phùng Văn Khoa, chủ một đại lý cám gia súc ở thị trấn Phùng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, tâm lý của những người nuôi heo khi đến đại lý đều muốn tìm mua loại cám giúp heo mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi và cho ăn thì mới có lãi.

Vì vậy, hàng của công ty nào “chiều” được khách hàng thì mới đứng được trên thị trường nên xảy ra tình trạng lạm dụng chất cấm.

“Do các công ty trả hoa hồng trên doanh số bán ra nên đại lý nào cũng mong bán được càng nhiều càng tốt” - ông Khoa tiết lộ.

Không chỉ có tiền hoa hồng, mỗi quý và cuối năm, doanh nghiệp còn trả thêm 1% - 2% tiền thưởng nếu doanh số cao.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, sau khi cơ quan chức năng tổ chức “đánh” mạnh chất cấm, số lượng doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trên cả nước đã giảm từ 239 doanh nghiệp xuống còn 199 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vẫn giữ ổn định ở con số 58 doanh nghiệp.

Số lượng giảm đi là những doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ lẻ, lâu nay làm ăn theo kiểu chụp giật, hàng chất lượng thấp và muốn có doanh số cao thì buộc phải dùng chất cấm.

Ông Lịch cho rằng, để siết chặt quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, bên cạnh tăng cường kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp thì phải giảm bớt mạng lưới trung gian, đa cấp là hàng ngàn đại lý thức ăn chăn nuôi trên khắp cả nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay người chăn nuôi.

Bằng cách này sẽ giảm được giá thành xuống 10% đồng thời dễ dàng kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang triển khai hình thức bán trực tiếp đến tay nông dân, nhưng phần lớn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn (đặc biệt là doanh nghiệp FDI) chỉ cần coi trọng doanh số, nên sẵn sàng trả hoa hồng khủng cho đại lý và dùng mọi mánh khóe để bán được nhiều hàng.

“Tôi đã từng thấy có những trường hợp doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thưởng cho đại lý hai chiếc xe máy tay ga, thậm chí là 5 cây vàng, một chuyến du lịch nước ngoài vào cuối năm vì bán được số lượng lớn” - ông Lịch nói.

Trong khi đó, hiện nay cả nước đang có bao nhiêu đại lý thức ăn chăn nuôi thì Cục Chăn nuôi lại không nắm được, không tổ chức điều tra, Bộ Công thương cũng không có báo cáo.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, chính sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dẫn tới tình trạng giá thức ăn chăn nuôi bị đội lên do phải “bao nuôi” mạng lưới đại lý, đồng thời lại không kiểm soát được chất lượng và chất cấm.


Liên kết nuôi gà công nghiệp Liên kết nuôi gà công nghiệp Gà ta Gò Công không đủ cung ứng nhu cầu thị trường Gà ta Gò Công không đủ cung ứng…