Mô hình kinh tế Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm

Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm

Ngày đăng 23/09/2015

Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm

Gạo là một trong số những mặt điển hình của Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, những biến động gần đây tại thị trường này đã khiến sản lượng và giá trị xuất khẩu của mặt hàng gạo sụt giảm mạnh.

Một số nguyên nhân được chỉ ra là do Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới, tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của một số thị trường như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar...

Trong đó, Thái Lan trước đây chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, gần như không quan tâm thị trường gạo thấp cấp nhưng 2 năm trở lại đây đã bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị trường gạo thấp cấp, cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn thị trường và ngành hàng (Ipsard), Việt Nam là nước có thặng dư về nông, lâm, thủy sản nhưng từ cuối năm 2014 đến nay sụt giảm nhiều đặc biệt từ tháng 2/2015 xuất khẩu nông sản tăng nhưng không bù được và đến tháng 7-8/2015 nông sản tiếp tục sụt giảm.

Ông Kiên dẫn số liệu, đối với mặt hàng gạo, trong 7 tháng đầu năm Trung Quốc vẫn chiếm đến 35% tổng giá trị xuất khẩu gạo, 36% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, 13% tổng giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, 12% với điều và 7% đối với thủy sản.

Tuy nhiên, biến động của kinh tế Trung Quốc như phá giá đồng Nhân dân tệ đã tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới thương mại nông sản của Việt Nam.

"Năm 2012-2013, Việt Nam chiếm trên 65% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc nhưng đến năm 2014 giảm xuống còn 53%, và tính hết 4 tháng đầu năm 2015 con số này chỉ còn là 47%”, ông Kiên nói.

Đáng lưu ý, theo ông Kiên đối thủ thế chân Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc chính là Thái Lan, Campuchia và Pakistan.

Hết thời cạnh tranh giá rẻ

Thị trường Trung Quốc thường được đánh giá là thị trường dễ tính, có nhu cầu lớn nhập khẩu lúa gạo trong khi gạo Việt có thế mạnh như giá rẻ, vận chuyển dễ dàng sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây, ưu thế giá kể trên đã không giúp mặt hàng này cạnh tranh tốt tại thị trường Trung Quốc khi giá gạo 25% và 5% tấm của Việt Nam gần đây đã xấp xỉ so với giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ ở vùng thấp.

Trung Quốc chiếm 35% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2015.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp, GS. Võ Tòng Xuân cho biết, gạo Việt chịu thua gạo Thái Lan vì mặc dù Việt Nam có gạo hạt dài, thơm nhưng không được bằng Thái Lan và quan trọng chưa có doanh nghiệp gạo của Việt Nam “nuôi nấng” vùng nguyên liệu như Thái Lan để có loại lúa tốt nhất để chế biến và cạnh tranh với Thái Lan.

Ông Xuân cho rằng, giải pháp cho gạo Việt là các công ty xuất khẩu cần có thông tin đi trước, tìm kiếm các thị trường, chào hàng để lấy đơn hàng. Trong sản xuất cần có vùng nguyên liệu và áp dụng quy trình GAP để nông dân sản xuất đúng quy trình.

Ông Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, Việt Nam cần kết nối nhanh chóng để có các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm nay.

"Trong dài hạn cần hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tại các nước như Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ", ông Kiên nói.


Làm giàu từ nuôi cá song chuột Làm giàu từ nuôi cá song chuột Phát hiện nhiều lô hàng thủy sản nhập khẩu nhiễm bệnh Phát hiện nhiều lô hàng thủy sản nhập…