Việc cần làm trước khi đào ao nuôi cá Rô Phi?
Kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá rô phi không hề phức tạp, miễn làm nắm được quy trình và tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh học của cá rô phi. Bài viết cung cấp những việc cần chuẩn bị trước khi đào ao nuôi cá rô phi, cũng như các loài cá khác.
Bước 1: Phải hiểu về loài rô phi, đặc tính sinh trưởng, môi trường sống của cá
Trước khi đào ao nuôi cá rô phi phải nghiên cứu, tìm hiểu xem loài cá này có thích hợp để nuôi trong ao của bạn không, nguồn nước- môi trường sống của cá như thế nào là phù hợp, thời kỳ sinh trưởng, sinh sản cũng như thức ăn, các loại bệnh thường gặp…
Từ những kiến thức đó bạn mới có đủ tự tin để bắt đầu với việc đào ao thả cá và kinh doanh.
Bạn có thể tham gia các lớp học khuyến nông, các hội chăn nuôi thủy sản, viện chăn nuôi… hoặc đến các đầm ao thả cá khác đã thành công với mô hình này để học hỏi kinh nghiệm cũng như có thể tìm tòi thêm qua mạng internet, sách báo…
Bất kỳ loài cá nào trước khi nuôi thương phẩm cũng cần nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy thì việc nuôi cá mới bền vững, tránh tình trạng " được mùa mất giá"
Kỹ thuật nuôi cá cũng quan trọng không kém, khi quyết định nuôi con gì cũng cần nắm vững kiến thức về loài cũng như kỷ thuật chăm sóc.
Bước 2: Huy động vốn
Đào ao nuôi cá cần diện tích rộng nên số vốn ban đầu dành cho việc đào ao cũng không phải là nhỏ, bạn cần phải tính toán hợp lý. Đừng dựa vào nguồn vốn vay hoàn toàn và cũng không nên gom hết vốn liếng vào một vụ nuôi.
Vốn càng nhiều càng thuận lợi, vốn dùng để thuê địa điểm (nếu chưa có), đào ao, các công tác xử lý nước, khử trùng ao, mua nguyên vật liệu, máy móc cần thiết, mua con giống, thức ăn nuôi cá, phòng bệnh… và các chi phí phát sinh trong quá trình nuôi thả cá.
Bước 3:Chọn địa điểm đào ao
Để đào ao thả cá có kết quả tốt, bạn cần lưu ý chọn vị trí đào áo như sau:
– Vị trí ao nuôi cá nên chọn nơi gần sông, suối để dễ lấy nước và tháo cạn. Nếu chọn được nơi có nguồn nước cung cấp cho ao quanh năm là tốt nhất. Ao nuôi cá có thể sử dụng nước từ sông, suối, hồ chứa, nước mưa, nước giếng.
– Đất đào ao nuôi cá nên chọn nơi có đất sét pha cát, đất thịt, đất sét pha thịt vì các loại đất này giữ nước tốt, thấm nước vừa phải và bờ ao có kết cấu bền vững. Ngoài ra, đào ao nơi địa hình hơi dốc sẽ dễ tháo cạn để thay nước. Nếu đất nơi đào ao bằng phẳng, đáy ao thiết kế có độ dốc 0,2 – 0,5%.
– Nên chọn địa điểm xây dựng ao nuôi ở khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, pH đất 6,5-8,5.
– Kích thước ao nuôi cá thịt thuận lợi nhất là rộng 500 – 1.500m2 và sâu từ 1,5 – 2m. Bờ ao là nơi giữ nước, ngăn chặn cá thất thoát, vì thế phải làm thật chắc chắn và cao hơn mực nước trong ao khoảng 0,5m.
– Khi thiết kế ao nuôi cá phải có hệ thống cấp và tiêu nước. Ống cấp, tiêu nước có thể dùng ống nhựa, bê tông hoặc kim loại.
Kỹ thuật ao nuôi
Trước khi thả con giống bạn phải thực hiện các bước chuẩn bị ao nuôi như sau:
– Tháo cạn nước, dọn cây cỏ xung quanh bờ ao, tu sửa và đắp bờ ao chắc chắn, vét bùn ao chỉ chừa một lớp dày từ 10-15 cm.
– Dùng vôi bột (7-10 kg/ 100 m2) rải khắp ao để diệt địch hại cá, giảm độ phèn. Nếu ao phèn nhiều, tăng lượng vôi lên gấp đôi. Sau đó phơi nắng 2 – 3 ngày; rồi lọc nước vào để có mức nước sâu 1,2 – 1,5m, bón lót phân chuồng ủ mục 80 – 100m2 hoặc phân đạm, phân lân để 5 – 6 ngày tạo lượng sinh vật phù du trong ao phát triển làm thức ăn cho cá, sau đó thả cá vào ao nuôi.
Bước 4: Chọn giống và thả cá giống
Chọn cá giống:
Cá giống tốt là cá có ngoại hình đẹp, không bị khuyết tật, xây xát. Con cá giống tốt phải bơi nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước, không ngoi lên.
Con giống được chọn nên có kích cỡ từ 10-12g, 100 con cá giống tổng khối lượng là khoảng 1kg.
Nếu thả cá giống vào ao nuôi thâm canh, phải thả giống to, ít nhất cũng đạt cỡ 4 – 6cm. Nếu thả đơn thuần là cá rô phi, mật độ 15 – 20 con/m2 cho ăn thức ăn công nghiệp có thể đạt năng suất 10 – 15 tấn/ha. Thời vụ thả giống vào cuối tháng 3 đấu tháng 4.
Nếu thả ở diện tích xen 2 vụ lúa, mật độ 0,5 – 1 con/m2 có thể kết hợp với nuôi tôm càng xanh hoặc một số giống cá khác, cỡ giống thả 8 – 10cm.
Bạn có thể mua cá giống tại các trang trại nuôi thả cá hoặc các viện chăn nuôi, các trung tâm giống, trung tâm khuyến nông…
Thả giống:
Khi mang cá giống về, nên sát khuẩn cho cá bằng cách tắm qua nước muối nồng độ 3%.
Nên thả giống vào thời điểm trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối).
Khi vận chuyển cá bằng bao nilon có bơm ôxi, trước khi thả cá ta phải để bao chứa cá xuống ao từ 10-15 phút, cho nước vào từ từ, sau đó mới thả cá ra ao. Tránh thả ngay vào ao sẽ làm cá bị sốc.
Thao tác thả cần nhẹ nhàng, dứt khoát, tránh làm cá bị xây sát hoặc mắc cạn trong túi.
Bước 5: Chăm sóc cá, phòng và trị bệnh
Cá rô phi là loài cá dễ nuôi, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, tuy nhiên trong quá trình nuôi vẫn có thể mắc một số bệnh như bệnh trùng bánh xe, bệnh đường ruột, nấm thủy mi…
Cho cá ăn thức ăn tinh bột như bột ngô, khoai sắn, gạo, cám… và thức ăn xanh như rau muống, bèo trứng cá, bèo tấm, bèo hoa dâu, rau thái nhỏ… các loại động vật như tôm, cá nhỏ, giun, ốc đã xay nhỏ và các phần loại thải của chế biến thực phẩm (bã bia, bã rượu, lòng trâu bò…). Ngoài thức ăn tận dụng trên, để nuôi thâm canh đạt năng suất cao, rút ngắn thời gian nuôi tạo ra hàng hóa xuất khẩu cần phải sử dụng thêm thức ăn công nghiệp.
Khẩu phần ăn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển, những ngày thời tiết thay đổi cá bị nổi đầu thì ngừng không cho ăn.
Bạn cần phải cải thiện môi trường ao nuôi, dùng thuốc để phòng bệnh cho cá.
Sau 5, 6 tháng nuôi bạn có thể thu hoạch cá bán ra thị trường. Sau đó cần chú ý thả bù số lượng cá đã đánh mỗi đợt để đảm bảo mật độ, nên thả cá có kích cỡ lớn để hạn chế sự chênh lệch về đàn cá trong ao.
Bước 6: Cách thu hoach:
* Thu hoạch một lần: Hạ mức nước ao đến còn 40-50 cm, kéo lưới nhiều lần sau đó tát cạn, bắt cá còn sót lại. Cá lớn tiêu thụ, cá nhỏ để lại nuôi vụ sau.
* Thu hoạch nhiều lần: Sau khi nuôi cá 6-7 tháng, hàng tháng ta kéo lưới bắt cá lớn thu hoạch, thả thêm cá nhỏ tiếp tục nuôi sau đó 2-3 năm thu hoạch toàn bộ.
Các bước cần làm sau mỗi vụ thu hoạch:
– Xả cạn hoặc bơm toàn bộ nước trong ao ra ngoài.
– Dùng máy hút bùn hoặc dụng cụ nạo vét để chuyển bùn đáy ao ra khu vực xử lý (làm phân bón cho cây trồng…).
– Bùn đáy ao chứ nhiều cặn, tạp, khí độc… vì vậy bà con lưu ý không dùng bùn này đắp bờ ao vì mùa mưa sẽ rửa trôi xuống ao trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ