Mô hình kinh tế Việc Tiêu Thụ Quýt Đường Đang Gặp Khó

Việc Tiêu Thụ Quýt Đường Đang Gặp Khó

Ngày đăng 05/11/2014

Việc Tiêu Thụ Quýt Đường Đang Gặp Khó

Gần 2 tháng qua, giá quýt đường giảm khiến không ít nhà vườn của huyện Lai Vung lo ngại. Bởi trồng 1 công quýt đường, nhà vườn phải đầu tư trên 100 triệu đồng, nếu quýt đường tiếp tục giảm giá chắc chắn nhà vườn bị lỗ hoặc không đáp ứng đủ chi phí tái sản xuất.

Liên tiếp trong 3 - 4 năm vừa qua, giá quýt đường luôn hấp dẫn, thấp nhất cũng 25 ngàn đồng/kg, có khi hơn 30 ngàn đồng/kg, vì vậy cây quýt đường cho hiệu quả cao hơn quýt hồng.

Thời gian từ khi trồng đến bắt đầu cho thu hoạch chỉ 18 tháng, nhanh hơn quýt hồng khoảng 10 tháng. Lợi thế khác của quýt đường là thu hoạch rải vụ quanh năm, nhà vườn không phải chịu áp lực thu hoạch tập trung một lần vào dịp Tết Nguyên đán như quýt hồng. Chính những lý do này mà nhiều nhà vườn ở Lai Vung đã đầu tư phát triển, mở rộng diện tích vườn quýt đường một cách ồ ạt.

Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng theo dự kiến của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, số diện tích quýt đường toàn huyện hiện nay lên khoảng 1.250ha, tăng gấp 4 lần so với năm 2000. Tập trung nhiều nhất là các xã Vĩnh Thới, Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và một số diện tích nhỏ lẻ ở các xã khác.

Bà con chuyển từ vườn quýt hồng kém hiệu quả, vườn mận, nhãn, cam, vườn tạp và ngay cả đất ruộng,... sang trồng quýt đường. Tuy chi phí đầu tư không thấp so với quýt hồng nhưng cây quýt đường dễ trồng, không kén thổ nhưỡng, chính vì vậy mà huyện Lai Vung đã có không ít nông dân đi thuê đất ở những nơi khác để trồng quýt đường.

Theo ông Lưu Văn Ràng, nhà vườn trồng quýt lâu năm ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới: Từ giá 27 - 28 ngàn đồng/kg, quýt đường rớt xuống còn 20 ngàn đồng/kg và hiện nay chỉ còn 16 - 17 ngàn đồng/kg. Do giá quýt tiếp tục giảm, thương lái không chịu cân quýt nên ông phải tiếp tục giảm thêm 2.000 đồng/kg, lái mới chịu cân.

Còn nhà vườn Phan Tấn Hữu, ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới cho biết: “Hiện tôi đang bán 18 ngàn đồng/kg, trong khi 1kg quýt phải đầu tư khoảng 12 ngàn đồng vốn”.

Trước tình hình này, nhà vườn huyện Lai Vung ai cũng tìm cho mình những giải pháp tối ưu để có thể giữ được diện tích quýt đường mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Về vấn đế này, ông Tống Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Lai Vung, Tổ Trưởng Tổ hợp tác trồng quýt đường xã Vĩnh Thới cho biết: “Nông dân cần tiết kiệm chi phí sản xuất; áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo an toàn, từ đó tạo thương hiệu và uy tín đối với khách hàng, cần nâng cao chuỗi giá trị trái cây, nâng cao chất lượng, hạn chế bán qua trung gian...”.

Các cấp lãnh đạo huyện Lai Vung và các ngành chức năng cũng đã tìm thị trường, xúc tiến kêu gọi nhà doanh nghiệp từ nhiều nơi, liên kết, hợp tác tiêu thụ trái cây đặc sản quýt đường của huyện, đã có 2 doanh nghiệp ở Hà Nội vào đặt vấn đề tiêu thụ và một số siêu thị TP.HCM đang được giới thiệu sản phẩm.

Lãnh đạo huyện khuyến cáo nông dân cần cân nhắc trong việc trồng, phát triển diện tích quýt đường, nhất là không nên phá bỏ vườn quýt hồng kém hiệu quả để trồng lại quýt đường, cần có giải pháp khôi phục lại vườn quýt hồng bởi cây quýt đường hiện nay rất nhiều nơi đang phát triển ồ ạt, còn quýt hồng chỉ trồng được ở huyện Lai Vung.


Phát Triển Cây Đậu Tương Ở Xín Mần “Một Cách Làm, 2 Lợi Ích” Phát Triển Cây Đậu Tương Ở Xín Mần… Mở Rộng Vùng Quy Hoạch Nuôi Cá Lồng Bè Mở Rộng Vùng Quy Hoạch Nuôi Cá Lồng…