Việt Nam Đặt Mục Tiêu Xuất Khẩu Cá Ngừ Đạt 560 Triệu USD
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương hiện đứng thứ 3 sau tôm và cá ba sa. Nhưng nếu cải tiến khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đúng tiêu chuẩn, giá trị xuất khẩu của loài cá này có thể tăng gấp 10 lần.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 3/4, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, năm 2014, Tổng cục thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu Cá ngừ đại dương đến 100 nước, trong đó tập trung vào các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản... đạt 560 triệu USD (tăng hơn năm ngoái khoảng 34 triệu USD).
"Chúng tôi đang đàm phán với Công ty Yanmar (Nhật Bản) triển khai đề án thí điểm đóng mới tàu câu cá ngừ vỏ vật liệu composite với công nghệ, trang thiết bị hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương", ông Đáp cho biết.
Theo Tổng cục Thủy sản, nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994. Được tập trung khai thác chủ yếu gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn với trữ lượng lên tới 600.000 tấn. Hiện tại có khoảng 3.500 chiếc tàu với hơn 35.000 ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khai thác cá ngừ đại dương xa bờ. Năm 2013, sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to đạt gần 16.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 526 triệu USD.
Mặc dù sản phẩm cá ngừ hiện đã trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam sau tôm và cá ba sa, tuy nhiên nghề đánh bắt loài cá này còn nhỏ lẻ, dịch vụ hậu cần chưa phát triển. Khâu tổ chức khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương còn manh mún, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa chú trọng.
Ông Phan Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản phân tích, đây là nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm cá ngừ hiện nay bị giảm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chỉ 6% cá ngừ câu tay và 30-40% cá ngừ vây vàng đạt tiêu chuẩn làm sản phẩm sashimi xuất khẩu bằng đường hàng không là quá thấp.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên lo ngại, hầu hết các tàu đánh bắt mỗi chuyến biển phải chạy đua với "mùa trăng". Họ phải tranh thủ bán sản phẩm trước khi mùa trăng đến nên xảy ra tình trạng nhiều tàu bán sản phẩm ồ ạt bị thương lái ép giá. Nếu các tổ đội đánh bắt có tàu thu mua và bảo quản tốt, giãn thời gian bán sản phẩm thì giữ được giá cả ổn định.
Trong ba tỉnh miền Trung, Bình Định hiện đang dẫn đầu về sản lượng cá ngừ đại dương với gần 9.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên đến nay nghề này còn phát triển manh mún, tồn tại nhiều bất cập. Từ năm 2012 đến nay, nghề câu cá ngừ đại dương ở địa phương này gặp khủng hoảng lớn về chất lượng, giá trị và tổn thất sau thu hoạch. Nguyên nhân chính do sự phát triển nóng của nghề câu tay kết hợp ánh sáng đã tác động lớn làm biến đổi chất lượng thịt cá trong quá trình khai thác.
Các nhà khoa học lý giải, nghề câu tay kết hợp với ánh sáng bằng đèn cao áp, cá ăn câu ở độ sâu lớn, khi thu câu nhanh làm thay đổi áp suất đột ngột, cá vùng vẫy, phản khán mạnh khiến thịt cá và mạch máu bị vỡ phát sinh axit lactic, hàm lượng histamin tăng làm thịt cá bị chua, chất lượng giảm nhanh.
Lo ngại trước thực trạng này, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, Tỉnh Bình Định đề nghị Hội Hữu nghị Nhật-Việt TP Osaka kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ tập huấn kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, nâng cao giá trị cho sản phẩm cá ngừ đại dương. "Chúng tôi cử cán bộ qua Nhật Bản học hỏi kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương về phổ biến cho bà con ngư dân; hỗ trợ thiết bị câu, áp dụng công nghệ bảo quản mới của Nhật Bản cho 5 tàu cá của ngư dân sản xuất thí điểm", ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.
Các chuyên gia kinh tế so sánh, theo giá thị trường hiện nay, mỗi kg cá ngừ chỉ khoảng 60.000 đồng nhưng nếu khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đạt chất lượng tốt thì giá trị xuất khẩu của loài cá này có thể tăng gấp 10 lần.
Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc Công ty Yanmar (Nhật Bản) khẳng định, chất lượng cá ngừ đại dương là cơ sở quyết định giá cả sản phẩm tại phiên chợ đấu giá thủy sản. Chất lượng tốt thì giá sẽ cao và quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản cũng như các nước khác.
"Đánh bắt cá ngừ trên biển cần chú trọng làm lạnh ngay sau khi đưa cá lên tàu, làm sao khi đưa về đến cảng cá vẫn bảo quản đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thì giá trị xuất khẩu mới cao được", ông Yukio Kikuchi nhấn mạnh.
Để nghề đánh bắt cá ngừ phát triển hiệu quả, bền vững, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản đề xuất, các địa phương cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của sản phẩm từ khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ