Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu gạo sẽ chiếm hơn 47% thế giới
Phát biểu tại hội thảo “Góp ý Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Dự thảo Thông tư quản lý cây ngắn ngày” diễn ra ngày 25-8, TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết: Lượng tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo đạt 500 triệu tấn vào 10 năm tới, tăng 10% so với hiện nay và đạt khoảng 535 triệu tấn vào năm 2030. Các loại gạo chất lượng cao sẽ được ưa chuộng hơn.
Theo ông Thắng, 10 năm tới, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường thế giới cũng tiếp tục tăng lên, với mức tăng bình quân 1,5%/năm.
Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nên cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo khá rộng mở. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, sự phát triển của khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến… cũng là cơ hội tốt để đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất lúa gạo.
Về xuất khẩu, dự kiến 10 năm tới Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm hơn 47% xuất khẩu gạo thế giới và đóng góp 87% tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu. Ngoài Thái Lan, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam sẽ gồm Ấn Độ, Pakistan, Mỹ. Myanmar cũng có triển vọng trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á nhưng khả năng cạnh tranh với Việt Nam chưa rõ ràng.
Tuy chiếm sản lượng lớn, song ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam hiện còn tồn tại không ít bất cập như: quy mô sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chất lượng hạt gạo chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu, giá cả thiếu cạnh tranh… Chính vì vậy nhiều năm nay giá xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan. Về mặt thị trường, việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ dãi những bấp bênh như Trung Quốc cũng là nguy cơ khiến xuất khẩu lúa gạo thiếu bền vững.
Để tận dụng tốt những cơ hội mở ra, tạo động lực đổi thay thực sự cho ngành lúa gạo, Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo được Cục Trồng trọt xây dựng, lấy ý kiến đang đi vào giai đoạn cuối. Dự kiến, 1-2 tháng tới, Cục sẽ trình Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án để trình lên Chính phủ.
Để án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 là đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích; giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống bình quân còn 80kg/ha.
TS. Trần Công Thắng cho biết: Để triển khai tái cơ cấu hiệu quả, giải pháp quan trọng đề ra trong tổ chức sản xuất là thu hút doanh nghiệp vào xây dựng vùng chuyên canh; hình thành liên kết lâu dài giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp nòng cốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ chuyển từ tổ chức chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp Nhà nước sang thu hút các đại diện của địa phương sản xuất lúa, đại diện nông dân và hợp tác xã trực tiếp trồng lúa, đại diện thương lái, đại diện doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hoạt động kinh doanh lúa gạo.
Theo TS. Trần Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia: Điều quan trọng nhất là phải tăng cường năng lực sản xuất lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, người nông dân vẫn làm lúa theo kiểu tập quán, có gì bán nấy chứ không tính toán rằng sản xuất lúa phải đạt chất lượng cao để đảm bảo xuất khẩu.
“Đặc biệt, trong cơ chế xuất khẩu gạo phải nới rộng tiêu chuẩn để đông đảo doanh nghiệp dễ dàng tham gia”, TS. Khởi nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ