Mô hình kinh tế VietGAP Thủy Sản Tăng Lợi, Giảm Hại

VietGAP Thủy Sản Tăng Lợi, Giảm Hại

Ngày đăng 13/12/2013

VietGAP Thủy Sản Tăng Lợi, Giảm Hại

VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…

“Giống rẻ, sản phẩm đắt là đủ”

Đó là câu trả lời của hầu hết những người nuôi trồng hoặc kinh doanh các mặt hàng thủy sản. Lý do, lượng giống thả nuôi rất lớn nên nếu mua giá rẻ thì nông dân đã tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ. Điều này đồng nghĩa với con số lợi nhuận sẽ tăng. Với nông dân, họ chỉ cần có thế.

Còn chuyện kiểm tra chất lượng con giống, ghi nhật ký nuôi trồng hay xa hơn nữa là gìn giữ môi trường thì rất hiếm người nghĩ đến. Vì nói như ông Huỳnh Bảy, hộ nuôi tôm ở xã Đức Phong (Mộ Đức - Quảng Ngãi) thì: “Có nghĩ đến cũng chẳng để làm gì”. Lý do, nông dân không đủ trình độ để kiểm tra sức khỏe con giống nên cứ đến chỗ quen, giá rẻ là tin tưởng đặt hàng.

Còn chuyện ghi nhật ký thông tin xuất xứ, nguồn gốc giống lẫn các loại thức ăn, chế phẩm sử dụng nuôi tôm thì ông Bảy bảo là… tốn công vô ích! Vì “suốt quá trình nuôi rồi xuất bán tôm, có ai hỏi mấy thứ đó đâu!”.

Điều đáng nói là hiện giờ, phần lớn người nuôi thủy sản đều phớt lờ sự có mặt của giấy kiểm dịch chất lượng con giống. Đây được xem là tấm bùa hộ mệnh giúp họ tiếp cận các chế độ hỗ trợ của Nhà nước nếu không may gặp rủi ro. Lý giải sự thờ ơ này, nhiều hộ bảo rằng nuôi thủy sản, nhất là con tôm thì phụ thuộc vào may rủi là chính.

Còn chuyện cái giấy kiểm dịch thì có cũng như không! Bởi sau mấy bận mua giống kèm giấy kiểm dịch “sạch bệnh, chất lượng đảm bảo” nhưng tôm vẫn chết khiến họ bị thiệt “kép”. Vì khi mua giống đã qua kiểm dịch thì giá sẽ cao hơn 50 - 60% so với những loại giống trôi nổi.

Thế nên, dù biết tôm bệnh, chết là do nhiều yếu tố, nhưng không ít chủ hồ quy tội cho giống, rồi nghi ngờ tính xác thực của giấy kiểm dịch. Để rồi từ đó, họ lao vào xài giống “chui” cho rẻ! Và hậu quả của việc làm này là trong năm 2013, toàn tỉnh có đến hơn 30ha tôm bị dịch bệnh nhưng không có trường hợp nào được hỗ trợ chi phí khắc phục thiệt hại. Lý do, con giống thả nuôi không có giấy... kiểm dịch!.

VietGAP: “Lợi nhưng khó thực hiện”

Đó là khẳng định của bà Đỗ Thị Thu Đông - phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT. Theo bà Đông, cái lợi của VietGAP chính là nông dân biết được tường tận quy trình sản xuất, tiêu thụ an toàn. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm với xã hội trong việc bảo vệ môi trường xung quanh vùng nuôi; trong chế biến áp dụng biện pháp xử lý nước thải, chế độ cho người lao động…

Bởi hiện nay, phần lớn hộ dân nuôi trồng thủy sản theo kinh nghiệm, việc sử dụng các loại chế phẩm, thức ăn… vì thế cũng trên tinh thần tự tìm hiểu; còn sử dụng lao động thì... phụ thuộc vào sự quen biết nên dường như vấn đề bảo đảm an toàn đã bị bỏ qua.

Cái lợi lớn nhất của VietGAP chính là đưa nghề nuôi trồng thủy sản vào khuôn khổ theo quy chuẩn chung. Từ đó, giá trị các sản phẩm sẽ được nâng cao, kéo theo con đường xuất ngoại cũng rộng mở hơn. Nông dân vì thế cũng sống khỏe hơn. Vì thế mà Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân mới cho rằng: “VietGAP chính là đầu kéo của con tàu thủy sản và là mỏ vàng để nông dân khai thác”.

Tuy nhiên, để thực hiện VietGAP thủy sản là điều vô cùng khó. Vì người nuôi e ngại chi phí nuôi trồng theo VietGAP tăng 20 - 25% so với kiểu truyền thống, trong khi giá bán sản phẩm thì vẫn ngang bằng. Rồi hạ tầng vùng nuôi yếu kém nên việc quy hoạch, thiết kế và bố trí lại địa điểm, khu vực nuôi và chế biến theo đúng quy chuẩn tốn không ít tiền của. Chưa kể tình trạng thiếu nhân lực lẫn đơn vị đủ trình độ, tiêu chuẩn để kiểm tra, cấp phép bởi VietGAP yêu cầu từ chuỗi con giống, thức ăn đến quy trình nuôi đều phải được soát xét và có giấy chứng nhận đạt chuẩn.

Khó khăn là thế, nhưng không có nghĩa là không áp dụng được VietGAP cho thủy sản. Nói như bà Nguyễn Thị Thu Đông thì khó cũng phải làm, vì VietGAP là yêu cầu tất yếu trong sự phát triển và hội nhập. Do đó trước mắt, phải làm cho nông dân và cả người tiêu dùng hiểu thế nào là sản phẩm VietGAP. Từ đó đẩy mạnh việc thử nghiệm, sản xuất và nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP để họ thấy, tin rồi tự nguyện tham gia.

Nhưng để áp dụng VietGAP được, ngoài việc nâng cấp hạ tầng vùng nuôi và kỹ thuật cho người dân, thì cốt lõi là giá bán sản phẩm. Vì nếu sản xuất theo quy trình chất lượng cao mà sản phẩm lại có giá thấp thì dẫu hạ tầng có hiện đại, người dân cũng sẽ quay lưng.


Giá Tôm Càng Xanh Sụt Giảm Mạnh Giá Tôm Càng Xanh Sụt Giảm Mạnh Mô Hình Nuôi Ếch Đem Lại Thu Nhập Cao Cho Nông Dân Mô Hình Nuôi Ếch Đem Lại Thu Nhập…