Với Nhiều Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả
Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kết hợp cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn ở huyện An Phú (An Giang) đã đạt nhiều kết quả phấn khởi, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất và chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới tại xã Phú Hữu và Khánh An là điển hình trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú. Rau màu, dưa lê, cà chua… trồng trong nhà lưới phát triển tốt, cho năng suất cao, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mà lợi nhuận mỗi năm hơn 100 triệu đồng/1.000m2 giúp nông dân phát triển sinh kế, cải thiện đời sống.
Cầm quả dưa lê vàng ươm, chín mọng, nông dân Lê Văn Trung (ấp Phú Thành, xã Phú Hữu) phấn khởi cho biết: Trồng dưa lê, cải xanh, cà chua… trong nhà lưới rất ít tốn công chăm sóc cũng như ít sử dụng thuốc, phân bón.
Hiệu quả mô hình này là ngăn chặn sự gây hại của côn trùng và ảnh hưởng do thời tiết nhưng nông sản đạt năng suất cao gấp gần 10 lần so với canh tác truyền thống. “Điển hình như vụ vừa rồi, tôi trồng ớt chỉ thiên xung quanh nhà lưới. Qua 2,5 tháng chăm sóc, với 1.000m2 cho lợi nhuận gần 50 triệu đồng” - ông Trung khoe.
Nông dân huyện đầu nguồn An Phú đang rất phấn khởi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Áp dụng biện pháp sinh học trong sản xuất lúa, nhiều nông dân đã không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy vào đồng ruộng. Hiệu quả của mô hình này mang lại là sản xuất nông sản sạch, giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn sản xuất bình thường từ 1,5 – 2 triệu đồng/vụ/héc-ta.
Có thể thấy, gần 2 năm triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở huyện An Phú đã mang lại những kết quả phấn khởi, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản. Cùng với đó, hạ tầng phục vụ sản xuất được củng cố, toàn huyện có trên 200km kênh mương, 34km đường cộ, 87 cống, 143 trạm bơm tưới- tiêu… đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Huyện xây dựng nhiều mô hình hiệu quả cao, như: Vườn ươm cây rau giống theo hướng công nghệ cao, đầu tư 2 nhà lưới sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao ở xã Phú Hữu (diện tích 1.056m2, tổng vốn gần 400 triệu đồng, do doanh nghiệp đầu tư) và ở xã Khánh An (kinh phí 120 triệu đồng, do Sở Khoa học-Công nghệ hỗ trợ)… đã cung ứng nông sản đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, xây dựng vùng nguyên liệu bắp ở Khánh An, Phú Hữu, Quốc Thái (38,6 héc-ta do Công ty Ecofarm đầu tư); phát triển mô hình nuôi cá sặc rằn cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cá khô, mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi bò thịt…
An Phú quy hoạch đến năm 2015 có 1.560 héc-ta và đến năm 2020 có 1.870 héc-ta sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Phú Nguyễn Xuân Hải cho biết: Địa phương đã và đang định hướng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu nhằm làm gia tăng giá trị hàng hóa nông sản. Đặc biệt, tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất gắn với nhu cầu thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm… đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ