Tin nông nghiệp Vụ đông-xuân: Xuất hiện yếu tố bất lợi

Vụ đông-xuân: Xuất hiện yếu tố bất lợi

Tác giả Tr.T, ngày đăng 09/02/2017

Vụ đông-xuân: Xuất hiện yếu tố bất lợi

Vụ đông-xuân năm nay, tỉnh ta đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, từ ngập úng cho đến sâu bệnh phá hoại. Các địa phương đang tích cực, chủ động “chạy đua” với thời gian, thời tiết để theo kịp thời vụ.

Trong ảnh: Nông dân xã Gia Ninh (Quảng Ninh) làm hàng rào ni lon phòng ngừa chuột phá hoại.

Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp về các địa phương trong tỉnh. Qua làm việc với lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh để nắm bắt tình hình sản xuất, đời sống trên địa bàn được biết, tại 2 địa phương này có gần 1.000 ha lúa đông - xuân bị ngập úng. Trong số diện tích lúa đông - xuân của huyện Quảng Ninh cần gieo cấy là 5.160ha lúa, hiện nay, còn khoảng 750ha ở vùng thấp trũng chưa xuống giống được.

Theo ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, bà con nông dân phấn đấu đến ngày 10-2 sẽ hoàn thành việc gieo cấy lúa. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết, mưa lớn kéo dài, gây ngập úng gần 2.000ha lúa đông-xuân đã gieo cấy trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Ninh, Gia Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh... Trong đó, có khoảng 500-600ha lúa bị ngập úng dài ngày sẽ phải gieo lại.

Tại huyện Lệ Thủy, đến ngày 6-2, đã gieo được gần 9.700 ha/10.200 ha lúa. Các loại cây trồng khác đã trồng đúng khung lịch thời vụ, như: cây khoai lang 350 ha/500 ha, sắn 550 ha/850 ha, ngô 170 ha/200 ha, lạc 170 ha/320 ha, rau các loại 650 ha/910 ha...

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường trong những ngày giáp Tết, trên địa bàn huyện đã có mưa vừa đến mưa to, gây ngập úng trên 2.000 ha lúa và làm gần 550 ha bị hư hỏng phải gieo lại. UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX huy động mọi lực lượng, máy móc, vật tư để tiến hành tiêu úng; đồng thời, chỉ đạo rà soát, thống kê diện tích lúa hư hỏng để có kế hoạch cung ứng giống kịp thời cho bà con gieo lại. Trong Tết, bà con đã gieo lại được gần 80 ha, những ngày sau Tết tiếp tục gieo lại thêm 120ha nữa.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thuỷ cho biết, tranh thủ những ngày nắng ấm này, bà con ra đồng gieo dặm lại số diện tích bị ngập úng. Hiện tại, còn khoảng 500 ha đất lúa nằm ở khu vực Nam Nạng, Bắc Nạng, Lùm Tréo... nước ngập khá sâu nên chưa thể triển khai gieo cấy. Nếu thời tiết trong vài ngày tới vẫn nắng ấm, gió đông bắc yếu, nước ở các cánh đồng này rút, bà con sẽ tiến hành gieo cấy đồng loạt, chỉ trong 2 đến 3 ngày là xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân.

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ, để khắc phục tình trạng ngập úng đang xảy ra tại một số xã, huyện có đề nghị Sở Nông nghiệp-PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình huy động tối đa máy bơm để chống ngập úng; yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Bình cung cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm tiêu úng. Đồng chí cho biết, trước mắt huyện Quảng Ninh trích ngân sách để hỗ trợ dầu cho các HTX, các địa phương trên địa bàn thực hiện bơm nước tiêu úng. Đồng thời, cử cán bộ trực 24/24h trong những ngày này và thường xuyên theo dõi tình hình tiêu úng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trao đổi với ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT về vấn đề này, được biết, trước và trong Tết, Sở đã cử cán bộ về 2 địa phương Lệ Thủy, Quảng Ninh nắm bắt tình hình hàng ngày để có biện pháp chỉ đạo sản xuất.

Để giúp bà con 2 huyện kịp thời gieo cấy lại lúa ngập úng, Sở đã chỉ đạo đơn vị cung ứng xuất các loại giống ngắn ngày dự phòng, chỉ đạo tổ chức gieo cấy lại đối với những diện tích bị ngập nặng. Tinh thần chỉ đạo của Sở là tuyệt đối không để trống bất cứ diện tích đất lúa nào ở vụ đông-xuân này. Về phía tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống cho các địa phương bị thiệt hại do ngập úng phải gieo cấy lại.

Qua nắm bắt tình hình sản xuất vụ đông - xuân, chúng tôi thấy còn có một yếu tố bất lợi ở đầu vụ này là, sâu bệnh xuất hiện khá sớm và đang có chiều hướng lan nhanh trên diện rộng. Nguyên nhân chính là do thời tiết sau Tết nắng ấm, nhiệt độ từ 22-25 độ C, rất thuận lợi cho các loài sâu bệnh nảy nở. Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm, đến ngày 5-2, sâu bệnh hại cây trồng đã xuất hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Một số diện tích lúa ở các địa phương trong tỉnh đang bị ngập úng.

Trong đó, rệp muội 213 ha, chủ yếu ở huyện Bố Trạch 80ha (xã Sơn Trạch, Vạn Trạch, Liên Trạch...); Quảng Ninh 50ha (Tân Ninh, Vĩnh Ninh, Hàm Ninh...); Lệ Thủy 65ha (Hoa Thủy, Thái Thủy, Tân Thủy...), mật độ phổ biến từ 500-700 con/m2,  nơi cao từ 1.000- 1.500 con/m2.

Đặc biệt, ốc bươu vàng vẫn không giảm, mặc dù trước đó các địa phương ra sức diệt trừ. Đến thời điểm này số diện tích lúa bị ốc bươu vàng gây hại trên diện tích khoảng 220ha, tăng so với tuần trước 66ha, tập trung chủ yếu ở TP. Đồng Hới 120ha (Đức Ninh, Lộc Ninh...); huyện Quảng Ninh 90ha (Tân Ninh, Hàm Ninh...); Lệ Thủy 20ha... Chuột hại lúa cũng có dấu hiệu tăng cao, số diện tích bị hại lên đến 129ha, tăng 40ha so với tuần trước. Địa bàn có diện tích lúa bị chuột phá hại lớn là huyện Quảng Ninh 55ha (chủ yếu ở xã Tân Ninh, An Ninh, Hàm Ninh), TP.Đồng Hới 50ha, Lệ Thủy 20ha..., tỷ lệ phổ biến 2-3% diện tích, nơi cao 3-5%.

Dự báo tuần tới thời tiết tiếp tục nắng ấm, có mưa rải rác rất thuận lợi để sâu bệnh phát triển. Chi cục đề nghị các địa phương tích cực triển khai biện pháp phòng trừ, nhất là đối với ốc bươu vàng, chuột, rệp muội và tiến hành chăm bón lúa đông-xuân.


Tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu: Hướng sản xuất hiệu quả Tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu: Hướng… Cảnh báo việc ồ ạt trồng nếp xuất khẩu sang Trung Quốc Cảnh báo việc ồ ạt trồng nếp xuất…