Tin thủy sản Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở Long Sơn hòa giải lần thứ nhất bất thành

Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở Long Sơn hòa giải lần thứ nhất bất thành

Tác giả CHÍ VĂN, ngày đăng 24/06/2016

Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở Long Sơn hòa giải lần thứ nhất bất thành

Tại buổi làm việc, các luật sư đại diện 33 hộ ngư dân khẳng định, sự cố môi trường xảy ra tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu khiến cá chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân là có thật. Nguyên nhân cá chết cũng đã được kết luận trong các báo cáo của Viện Tài nguyên – Môi trường thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường BR-VT và Đoàn Thanh tra liên ngành của UBND tỉnh là do nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt. Trên cơ sở xác định nguyên nhân nêu trên, đoàn Thanh tra liên ngành yêu cầu các DN xả thải phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân.

Trả lời tại buổi hoà giải, các DN thừa nhận, việc cá chết là có thật nhưng nguyên nhân cá chết không phải do các DN xả thải gây ra, mà là do các hộ dân nuôi cá quá dày đặc, khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Mặt khác, nguồn nước bị ô nhiễm còn do nước sinh hoạt của người dân tại các lồng bè thải ra. Ngoài nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước, việc cá chết hàng loạt không loại trừ khả năng do thời tiết thay đổi. Ông Nguyễn Thành Lộc, đại diện DN tư nhân chế biến bột cá Phúc Lộc cho rằng, theo kinh nghiệm của ông, trời nắng cá nuôi lồng bè không chết, nhưng khi trời mưa lớn thì cá thường chết hàng loạt.

Bức xúc trước những ý kiến, trả lời của các DN, ông Phạm Văn Thông, một hộ nuôi trồng thuỷ sản trên sông Chà Và, cho biết: “Tôi nuôi cá lồng bè từ năm 1997 tới nay. Tôi cho rằng, cá chết là do các DN xả nước thải chưa qua xử lý vào một hồ chứa nước, chờ khi mưa xuống thì xả ra ngoài môi trường khiến cho cá chết hàng loạt”.

Kết luận tại buổi hoà giải, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh án TAND TP.Vũng Tàu cho biết: “Mục đích của buổi hoà giải lần này là để bên nguyên đơn và bị đơn đối thoại nhằm thống nhất các nội dung khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại, các ý kiến của các bên xung quanh vụ án này. Trong quá trình làm việc, nếu DN nào đồng ý bồi thường, chúng tôi sẽ cho hoà giải và giải quyết bồi thường; DN nào chưa thống nhất thì sẽ đưa vụ án ra xét xử”.

Được biết, việc giải quyết vụ án “Đòi bồi thường thiệt hại về tài sản sau sự cố về môi trường xảy ra ngày 4-9-2015 khiến cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại xã Long Sơn” giữa 14 DN chế biến thuỷ hải sản và 33 hộ nuôi trồng thuỷ hải sản đã được TAND TP.Vũng Tàu thụ lý và giao nhiệm vụ cho 5 thẩm phán đảm nhiệm nhiệm vụ xem xét, giải quyết. Dự kiến, ngày 30-6 tới, Toà sẽ tiến hành hoà giải lần hai giữa các bên.


Tốn 2 năm và 500 triệu đồng, vẫn không vay được vốn 67 Tốn 2 năm và 500 triệu đồng, vẫn… Nỗi buồn của những vua trang trại Nỗi buồn của những vua trang trại