Tin nông nghiệp Vua gà ở vùng cát Bình Nam

Vua gà ở vùng cát Bình Nam

Tác giả Báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngày đăng 26/11/2015

Vua gà ở vùng cát Bình Nam

Bứt phá từ đệm lót sinh học

Mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, nhưng ông Đức luôn đầy nghị lực trong cuộc sống.

Từ năm 2001 - 2007, ông Đức làm ăn thành công với nghề gạch thủ công.

Sau đó, chính quyền có chủ trương chuyển sang gạch tuynel nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường từ gạch nung.

Do không đủ vốn nên ông Đức bỏ hẳn nghề gạch, biến lò gạch thành trang trại nuôi gà vào năm 2009.

Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông nuôi 500 con để tích lũy kinh nghiệm, sau đó lên 1.000 con.

“Cũng may là nhờ “đất mới” nên hầu như không có dịch bệnh.

Từ năm 2010 - 2012 là thời điểm tôi làm ăn đạt nhất, mỗi năm xuất bán khoảng 18 ngàn con gà, thu được trên cả tỉ đồng mỗi năm, gồm cả vốn lẫn lãi.

Thời điểm đó, 1.000 con gà có mức lãi ổn định từ 30 - 40 triệu đồng” - ông Đức cho biết.

Mới đây, sau khi được chính quyền huyện Thăng Bình đưa đi học tập chăn nuôi bằng đệm lót sinh học ở miền Bắc.

Về, ông Đức mạnh dạn mở rộng quy mô và áp dụng cách làm này.

Ông được huyện Thăng Bình cho thuê ưu đãi 50 năm diện tích 15.700m2 đất để mở rộng trang trại từ 8 lên 18 trại nuôi gà, quy mô mỗi trại là 1.000 con.

Đồng thời, ông được huyện hỗ trợ nuôi thử nghiệm 20 con heo nái sinh sản bằng đệm lót sinh học, hiện có 16 con đang mai thai 3 tháng.

Về nuôi bằng đệm lót sinh học, ông Đức cho biết tiết kiệm được khá nhiều thời gian, chi phí, hạn chế ô nhiễm và dịch bệnh.

Nếu nuôi thường, gà từ lúc nhỏ đến xuất chuồng phải thay trấu 3-4 lần, nếu không sẽ hôi thối, trấu thay xong bỏ, vừa ô nhiễm, vừa lãng phí, mất công dọn dẹp.

Còn dùng đệm lót sinh học, gà từ lúc thả nuôi đến khoảng 1 tháng, dùng men vi sinh Balasa trộn với trấu 2 đêm rồi trải đều trên mặt chuồng.

Men này sẽ diệt khuẩn, khử mùi hôi, đồng thời biến phần lớn hỗn hợp trấu - phân gà thành thức ăn.

Sau khi bán gà, có thể lấy phân để làm phân bón chứ không bỏ phí như trước.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Một điều làm nhiều người quý ông Đức là sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bất cứ ai, từ bất kỳ nơi đâu đến.

Ai đến trang trại ông học hỏi kinh nghiệm, sau khi được ông truyền đạt lại bằng tất cả tâm huyết, không giấu nghề, ông Đức còn tặng mỗi người một cuốn cẩm nang “Kinh nghiệm nuôi gà” mà ông đúc kết từ bản thân mình.

Nhất là sau khi ông áp dụng nuôi đệm lót sinh học, mỗi tháng có nhiều đoàn, cá nhân từ các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Đại Lộc, Điện Bàn, thành phố Hội An, Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng về học tập kinh nghiệm.

Ông Đức quan niệm, mình may mắn được chính quyền huyện Thăng Bình đưa đi học tập ngoài Bắc.

Thấy mô hình hay, rất hiệu quả, nên cần phải chia sẻ cho càng nhiều người càng tốt.

Chiếc điện thoại của ông từ đó trở thành “đường dây nóng” chuyên gỡ rối cho những người thiếu kinh nghiệm nuôi gà.

Như trong sáng hôm làm việc với chúng tôi, ông Đức nhận điện thoại từ người đàn ông tên Như ở huyện Đại Lộc.

Người này mới nuôi, nhưng nóng vội nuôi đến 2.000 con.

Ông Đức khuyên mới nuôi, nên nuôi ít để tích lũy kinh nghiệm.

Đồng thời hướng dẫn ông Như cách khắc phục.

Tại xã Bình Nam, ông Đức cũng tận tình chỉ dẫn nhiều người nuôi gà, trong đó có nhiều cán bộ, công chức.

Anh Lê Thống Nhất - Bí thư Xã đoàn Bình Nam cho biết anh nuôi gà từ năm 2010, nhưng nhỏ lẻ do thiếu kỹ thuật.

“Sau khi biết chú Đức, được chú Đức hướng dẫn kỹ thuật nuôi mình đẫ mở rộng quy mô từ 500 - 1000 con.

Từ lúc bắt gà con về nuôi cho đến khi xuất chuồng, hễ gặp trục trặc gì là xuống hay gọi điện nhờ chú Đức chỉ dẫn.

Nhờ vậy mà mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tránh được nhiều rủi ro” - anh Nhất cho hay.

Làm ăn giỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, ông Đức còn là người làm từ thiện và tham gia nhiệt tình các hoạt động của địa phương.

Năm 2005, khi còn là chủ lò gạch, ông Đức đã bỏ tiền đắp đường rộng 2m, dài 2km từ nhà ruộng cho bà con tổ 5.

Quỹ “Lục lạc vàng” của xã Bình Nam ông Đức là người đóng góp nhiều nhất.

Ông Phạm Công Quốc - Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Bình Nam cho biết các hoạt động của xã mà thiếu kinh phí, ông Đức đều sẵn sàng hỗ trợ.

“Chúng tôi rất mừng vì địa phương có người làm kinh tế giỏi, đạo đức tốt như ông Đức.

Ông ấy là tấm gương cho nhiều người cố gắng làm ăn và nhân cách sống” - ông Quốc nói thêm.

Tháng 7 vừa rồi, ông Đức vinh dự được tham dự Hội nghị Trung ương Hội Nông dân lần thứ 6.

Ông được Trung ương Hội Nông dân tặng giấy khen cùng phần thưởng 2 triệu đồng vì làm kinh tế giỏi, giúp để nhiều người khác vươn lên trong kinh tế.


Lão nông thu nhập 30 tỷ đồng từ chanh, bưởi không hạt Lão nông thu nhập 30 tỷ đồng từ… Xóa bỏ nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường Xóa bỏ nhiều điểm nóng về ô nhiễm…