Vua Gà Tiến Vua
Không chỉ bị hớp hồn bởi những con vật đẹp như tranh vẽ, chúng tôi còn bị cuốn hút vào các câu chuyện xung quanh 3 loại gà Hồ, Đông Tảo và 9 cựa
Căn nhà cấp 4 của gia đình rộng chưa đầy 40 m2 nhưng diện tích đất còn lại lên đến 3.500 m2 ở ấp An Lợi, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đều được ông Nguyễn Tấn Đẹp (tức Bảy Đẹp) dành cho gà.
Ngay cả căn bếp cũng được ông trưng dụng thành khu vực để gà ấp trứng. Như tên gọi của chủ nhân, trang trại này khiến người am hiểu về gà cũng như kẻ ngoại đạo như chúng tôi khi đến đây đều phải thốt lên “Đẹp quá!”.
Ba loại gà hiếm
Nghe danh ông Bảy Đẹp là “vua” nuôi gà tiến vua từ lâu nhưng mới đây, chúng tôi mới có dịp ghé thăm trang trại của ông. Không chỉ bị hớp hồn bởi những chú gà đẹp như tranh vẽ, chúng tôi còn bị cuốn hút bởi các câu chuyện của chủ nhân xoay quanh ba loại gà “độc”: Hồ, Đông Tảo và gà 9 cựa.
“Vua” gà tiến vua Nguyễn Tấn Đẹp bên một chú gà Hồ
“Cả 3 loại gà này đều rất hiếm vì chúng vốn là gà tiến vua xưa kia. Trong đó, niềm tự hào của tôi là gà Hồ. Tôi dám chắc ở phía Nam, chỉ mình tôi có loại gà Hồ thuần chủng này mà thôi” - ông Bảy Đẹp khẳng định.
Theo ông Bảy Đẹp, quan niệm dân gian cho rằng gà mang đủ năm đức tính của người quân tử: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Gà Hồ lại là giống quý của Việt Nam, vốn chỉ có ở vùng Bắc Ninh. Hình ảnh gà Hồ vươn mình đón ánh mặt trời trở thành linh vật biểu tượng của Đại hội Thể thao châu Á trong nhà tổ chức tại Việt Nam năm 2009. “Giá trị của gà Hồ còn nằm ở chỗ loại gà này xuất hiện trên tranh Đông Hồ nổi tiếng không thua gì những bức tranh Đông Hồ khác” - ông nhận xét.
Ông Bảy Đẹp cho biết gà Hồ trống chỉ có 2 màu lông chính là lĩnh (đen) và mận chín (đỏ đậm). Gà trống có đầu gộc rất to, mào màu đỏ hoặc hồng như hoa mẫu đơn, đuôi thường xòe như cái nơm. Mỗi khi gà Hồ cất tiếng gáy, chiếc đuôi lại xòe to. Chân gà Hồ cũng to và tròn, vảy khá đều. Gà Hồ trống nuôi làm giống có khi nặng đến 6-7 kg. Trong khi đó, gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh), nhãn chín và màu sẻ, trọng lượng tối đa 4-5 kg.
“Do nặng nề, chậm chạp nên việc ấp trứng, nuôi con của gà Hồ mái rất vụng. Trứng ấp không nở hết, số gà con trong từng đàn ít hơn nhiều so với các loại gà khác. Vì vậy mà gà Hồ luôn thuộc dạng quý hiếm” - ông giải thích.
Dù ông Bảy luôn thao thao bất tận về chuyện gà Hồ nhưng chúng tôi lại quan tâm đến gà 9 cựa hơn. Hồi đi học phổ thông, chúng tôi rất say mê những truyền thuyết, trong đó có chuyện vua Hùng đòi Sơn Tinh và Thủy Tinh dâng lễ vật “voi 9 ngà, gà 9 cựa…” nếu muốn cưới công chúa Mỵ Nương. Ở trang trại của ông Bảy Đẹp, gà 9 cựa được ông nhân giống thành công và đáp ứng nhu cầu cho thị trường cả nước. Có lẽ vì gà 9 cựa giờ không còn hiếm hoi nữa nên ông cũng không mấy hào hứng khi nhắc đến chúng.
“Thực tế, 9 cựa chỉ là cách gọi của dân gian dành cho loại gà này. Rất hiếm con có đủ 9 cựa, gà mái thường chỉ có 6-7 cựa, còn gà trống thì 6-8 cựa. Dù họa hoằn lắm mới kiếm được con đủ 9 cựa nhưng nói chung thì giống gà này đã trở nên phổ biến nên chúng không còn thực sự quý hiếm nữa. Gà 9 cựa thuần chủng hiện không còn. Hơn nữa, vóc dáng của gà 9 cựa cũng không thật sự đặc sắc so với gà Hồ hay gà Đông Tảo” - ông Bảy Đẹp lý giải.
Trong khi đó, gà Đông Tảo một thời chỉ dành để cúng tế, hội hè hoặc xa hơn là tiến vua nhưng giờ đã trở thành món ăn ưa chuộng của những thực khách khá giả. “Gà Đông Tảo nổi bật với cặp chân to, thô, xấu xí nhưng thịt chắc, giòn và thơm ngon..., rất hút khách mỗi khi Tết đến. Giá gà Đông Tảo có lúc lên đến 2 triệu đồng/kg, cá biệt có con hơn 10 triệu đồng” - ông Bảy Đẹp cho biết.
Như tuyển… diễn viên, người mẫu!
Hiện nay, trang trại ở Tây Ninh của ông Bảy Đẹp là một trong những nơi cung cấp các giống gà tiến vua lớn nhất nước. Theo ông, quy mô của trang trại không chỉ tính bằng số lượng mà còn là chất lượng gà thuần chủng.
“Gà tiến vua được nhiều người săn lùng và trở thành mốt chơi rất được ưa thích. Trung bình một con gà Hồ hay Đông Tảo trống có giá đến 5-7 triệu đồng, gà mái khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được con gà họ sở hữu có phải là gà đẹp hay không dù số tiền bỏ ra mua không hề rẻ” - ông Bảy Đẹp nói.
Theo “vua” gà tiến vua, ngoài chuyện quý hiếm, giá trị hàng đầu của các giống gà này là phải đẹp. Tuy nhiên, cái khó là chuyện gà đẹp - xấu không phải chỉ xác định với vẻ bề ngoài của nó. “Cảm nhận cái đẹp là khả năng thẩm mỹ của mỗi người nhưng với gà, ta phải biết những chuẩn mực nhất định. Để biết được những chuẩn mực đó, tôi từng phải lặn lội đi học hỏi, tìm tòi” - ông tiết lộ.
Đam mê rồi quyết tâm trở thành người gây giống gà Hồ ở miền Nam, ông Bảy Đẹp dành cả tháng trời đến làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để quan sát và học hỏi. Ông tìm hiểu về gà Hồ từ những người cao tuổi hoặc đầy kinh nghiệm. Từ ông chủ tịch Hội Gà Hồ Bắc Ninh đến bà hàng nước ở làng Lạc Thổ, ông đều tiếp xúc để hỏi han. Những thông tin thu thập được như mớ bòng bong quyện vào đầu của một người đầy tình yêu và khao khát duy trì những loại gà tiến vua quý hiếm.
“Sau quãng thời gian tìm hiểu, tôi mang về Tây Ninh một cặp gà Hồ và háo hức tin rằng mình sẽ làm nên chuyện. Thế nhưng, sau thời gian nuôi dưỡng công phu, tôi phát hiện… gà trống không đạp được mái, gà mái thì không biết ấp trứng! Thế là công cốc, tôi lại lên đường ra Bắc” - ông nhớ lại.
Lần thứ hai săn lùng gà quý nhớ đời của ông Bảy Đẹp là chuyến đi tìm gà Đông Tảo. “Vớ được 1 con, tôi cứ đinh ninh là gà đẹp nhưng không dè nó bị bệnh… Đi một ngày đàng học một sàng khôn, bị lừa hoài nên khôn ra, giờ chắc không ai lừa được tôi về gà nữa” - ông hào hứng.
Ông Bảy Đẹp ví von chuyện đi tìm gà đẹp cũng giống hệt khi tuyển diễn viên, người mẫu. “Gà đẹp là những con lực lưỡng, ngực ưỡn kiêu hãnh, tướng tá bệ vệ với đôi chân dài… Tóm lại, gà đẹp thì dáng vẻ phải như chim công nhưng dũng mãnh như cọp beo” - ông nhìn nhận.
Ông Bảy Đẹp cho biết gà tiến vua đều bắt nguồn từ miền Bắc nhưng có đến 70%-80% là lai tạo vì nhiều người nhân giống chỉ tính đến chuyện bán gà thịt. Vì thế, trang trại của ông càng “đẹp” hơn, giá trị hơn khi ông chú trọng đến việc tìm gà thuần chủng về nhân giống. Để có được điều này, ông phải dành nhiều thời gian để đi tìm, về nhân giống rồi chọn lọc.
“Kinh doanh gà tiến vua không kiếm lời được bao nhiêu. Gà tiến vua ăn nhiều, dễ nuôi nhưng khả năng sinh sản lại rất kém. Thường thì gà mái không biết ấp trứng trong khi gà trống lại không biết “chuyện ấy”. Sự giới hạn về số lượng gầy đàn khiến cho các loại gà hiếm này càng thêm giá trị” - ông Bảy Đẹp cho biết.
Nuôi cả chim trĩ
Trang trại của ông Bảy Đẹp còn nuôi một loài chim quý là trĩ. “Trước đây, phong trào lùng ăn thịt chim trĩ rộ lên. Chim trĩ trở thành món ăn dành cho giới thượng lưu vì hiếm và đắt. Người ta truyền tai nhau rằng ăn thịt chim trĩ đồng nghĩa với điềm may nhưng đó chỉ là chuyện tào lao. Bây giờ thì đã khác, trĩ được nhân giống nuôi nhiều và trở nên phổ biến, giá còn khoảng 270.000 đồng/kg, chỉ gấp 2-3 lần gà thả vườn nên ai cũng có thể dùng được” - ông khẳng định.
Ông Bảy Đẹp nuôi cả 2 loại trĩ đỏ và trĩ xanh. Trong đó, trĩ đỏ được nuôi rất nhiều nên không còn là “hàng hiếm” nữa, giá cả cũng ngày càng giảm. Tuy nhiên, loại trĩ xanh thuần chủng thì lại khác, chúng được dân chơi sành sỏi săn lùng về nuôi để làm cảnh chứ không ăn thịt. “Trĩ xanh có nguồn gốc tận châu Âu. Để tìm nguồn giống đẹp, tôi phải sang Thái Lan để mua đem về” - ông cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ