Tin nông nghiệp Vua nấm đất Sài thành ngày ấy, bây giờ...

Vua nấm đất Sài thành ngày ấy, bây giờ...

Tác giả Quốc Hải, ngày đăng 24/12/2016

Vua nấm đất Sài thành ngày ấy, bây giờ...

Không còn vẻ nhanh nhẹn của một lão nông ưa hoạt động, “Vua nấm” Bảy Yết bây giờ nhìn khá ốm yếu sau cơn bạo bệnh tưởng như đã quật ngã ông - cơn bạo bệnh mà người đời vốn gọi là “sinh nghề tử nghiệp”, thế nhưng ông thực sự mãn nguyện khi ước mơ suốt cuộc đời ông đã thực hiện được ở tuổi xế chiều - trở thành thầy giáo.

Trong ảnh: Ông Bảy Yến trong trang trại nấm nhà mình. Ảnh: Q.H

Thời chật vật của “vua nấm”

Câu chuyện về “Vua nấm” Bảy Yết không lạ với người dân TP.HCM, càng không lạ với người dân trồng nấm cả nước bởi ông là người đầu tiên trồng thành công nấm bào ngư tại Việt Nam và cũng là người đầu tiên nỗ lực đưa loại nấm này lên bàn ăn của người Việt thông qua hệ thống siêu thị Co.op Mart. Thế nhưng, khi được chúng tôi gợi nhớ về thời “hoàng kim” - thời ông nổi tiếng khắp xa gần với biệt danh “Vua nấm”, lão nông Bảy Yết vội cắt lời, giọng nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần chua xót: “Chú đừng gọi tôi là vua nấm. Có vua nào mà bị “thần tử” của mình quật ngã đau như tôi không (rồi ông cười). Vậy mà chẳng bỏ được nó chú ạ, có lẽ sẽ theo tôi đến cuối đời. Thôi thì cứ xem là một duyên nợ vậy...”.

Với quy mô hiện tại, thu nhập của “vua nấm” Bảy Yết chỉ còn khoảng 1-1,5 tỷ đồng/năm. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận công lao “truyền nghề” của ông đối với người nông dân các tỉnh, thành phía Nam khi ông từng được tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân”, được Chính phủ tặng bằng khen và được tuyên dương “Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc”.

“Vua nấm” Bảy Yết có tên gọi đầy đủ là Phan Văn Yết (sinh năm 1952), ngụ ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Cách đây 30 năm, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã. Cả nhà 5 miệng ăn mà chỉ có vài công ruộng trồng lúa. “Bấy giờ ở trong vùng rộ lên phong trào trồng nấm rơm, nấm mèo (mộc nhĩ),  tôi liền bàn với vợ đi vay mượn, cộng với tiền tích cóp trong nhà được mấy chỉ vàng để chuyển sang nghề trồng nấm”-ông kể.

Vốn có kiến thức trồng nấm được học tại ĐH Tổng hợp Sài Gòn, cùng với niềm đam mê học hỏi, việc trồng nấm rơm, nấm mèo với Bảy Yết... dễ hơn ăn cháo. Thế nhưng, vì khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên vốn liếng dần dần “đội nón ra đi”... Đó là khoảng thời gian những năm 1984, 1985.

Đầu năm 1987, cuộc gặp gỡ với người bạn thời đại học cũ Lê Duy Thắng, lúc bấy giờ đang là giảng viên khoa Sinh học - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, đã khiến cuộc đời ông Bảy Yết bước sang trang mới. Sau khi biết hoàn cảnh và niềm đam mê nấm của ông, ông Thắng gửi cho ông 2 ống nghiệm chứa phôi nấm bào ngư nhờ trồng thử. Ông Thắng còn cho ông mượn 5 triệu đồng để dựng trại, xây lò sản xuất bịch phôi nấm. Thế là với kiến thức tích lũy được cùng sự chỉ dẫn của bạn, từ 2 ống nghiệm, Bảy Yết nhân ra được hơn 10.000 cây nấm bào ngư. Ngày ngày chăm bẵm cẩn thận, non 3 tháng sau, ông và gia đình bắt đầu hái nấm. Lứa nấm thử nghiệm đó, do chưa có kinh nghiệm nên hư hại quá nửa, vừa đủ thu hồi vốn. Từ đó, mỗi năm ông càng hoàn thiện kỹ thuật trồng nấm bào ngư. Đến năm 2000, ông lại mạnh dạn mua phôi nấm linh chi về trồng rồi tự nhân giống.

Thời hoàng kim và “cú giò lái” của... nấm

“Trong suốt hơn 30 năm trồng nấm, khó khăn lớn nhất của ông gặp phải là gì?” - tôi hỏi. Lão nông Bảy Yết trả lời chẳng một chút ngần ngừ: “Đầu ra”. Là người tiên phong trong trồng nấm bào ngư, cái khó nhất là đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Lúc đó, để nấm vào được Co.op Mart, ông phải đem sản phẩm đến Sở Y tế và Viện Pasteur kiểm định chất lượng 3 tháng/lần. Tuy vậy, Coop Mart cũng chỉ nhận ký gửi, sau 5 ngày bán không được phải lên lấy nấm về vì hết hạn sử dụng. Song cũng nhờ vào được Co.op Mart mà sản phẩm dần xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình, hàng quán.

Nhờ kiên trì, những công sức bỏ ra của lão nông Bảy Yết đã mang lại trái ngọt. Trong giai đoạn từ 2003 - 2010, mỗi ngày ông cung ứng cho thị trường 4 - 5 tấn nấm bào ngư, riêng nấm mèo và linh chi mỗi năm chỉ trồng một lứa nên luôn “cháy hàng”. Các khách hàng Nhật, Đài Loan, các công ty chế biến thực phẩm và hơn 10 siêu thị luôn “réo gọi” ông tăng quy mô sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Bảy Yết đã chú trọng truyền nghề cho nhiều nông dân muốn trồng nấm để vừa giúp nông dân thoát nghèo, vừa bao tiêu sản phẩm, đáp ứng thị trường.

“Thời gian đó có ai nhờ, thậm chí dù họ có ở các tỉnh như Long An, An Giang, Vĩnh Long,... mời tôi đều đi đến tận nơi khảo sát, hướng dẫn xây trại, kỹ thuật trồng. Thậm chí tôi sẵn sàng hỗ trợ 50% chi phí cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định”-ông nhớ lại.

Lý do ông Bảy Yết làm các việc này chỉ đơn giản: “Tôi từng nghèo “rớt mồng tơi” nên rất thấu hiểu cái khổ của người muốn thoát nghèo nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu? Nghề trồng nấm theo tôi là một lựa chọn không tồi bởi lợi nhuận khá. Có thể thu được lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/1.000m2/năm – một khoản tiền không nhỏ vào những năm 2003, 2004...

Thời huy hoàng ấy đã mang lại thu nhập cho “Vua nấm” mỗi năm từ 2 - 3 tỷ đồng từ sản phẩm nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mèo. Chưa kể nguồn thu nhập mang lại từ số lượng 20.000 bịch phôi nấm/ngày được hơn 50 lao động của trại nấm Bảy Yết sản xuất và bán ra thị trường.

Thế rồi, đang trên đỉnh cao của sự nghiệp, năm 2012 ông bất ngờ bị bệnh phổi nặng. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện trong phổi ông có khá nhiều bào tử nấm bào ngư ký sinh và phát triển. Ước mơ về một làng nấm dường như bị đứt đoạn...

Thầy giáo về “nấm” đất Sài thành

Lão nông Bảy Yết cười nhẹ nhàng: “Có khi cơn bệnh đến lại hay chú ạ! Hồi xưa tôi cũng muốn trở thành nhà giáo, nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nên không thể. Bây giờ tuy không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm gì, nhưng học trò của tôi đông lắm. Hồi xưa ai cũng gọi là “Vua nấm”, vui thì có vui, tự hào cũng có, nhưng lại không có cái cảm giác thân thương như bây giờ khi học trò là những cô cậu sinh viên gọi bằng tiếng “thầy Bảy” .

Câu chuyện chốc chốc lại gián đoạn khi thì các sinh viên chạy lại hỏi về kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc nấm. Hồi ông chưa bệnh mỗi năm cũng có khoảng chục sinh viên đến trại nấm xin thực tập. Từ thời bị bệnh, ông Bảy Yết có thời gian rảnh rỗi hơn nên mỗi năm có hàng chục sinh viên các trường ĐH đến học và thực hành khóa luận tốt nghiệp. “Bây giờ phần lớn thời gian tôi dành để truyền nghề cho sinh viên, cho bà con nông dân muốn học nghề. Còn trang trại nấm thì giao hẳn cho vợ và 2 con…”- ông Yết nói.

Tuy nhiên, con trai của lão nông Bảy Yết thì...“bán đứng” bố mình. “Bố tôi ổng nói vậy thôi, tuy bây giờ quy mô trồng nấm của gia đình không bằng trước, khi sản lượng nấm bào ngư cung ứng thị trường chỉ khoảng gần 20 tấn/năm, nấm linh chi thì chỉ còn khoảng 1 tấn/năm nhưng ngày nào bố tôi chẳng ra vào mấy nhà nấm để xem xét, có bỏ được đâu”- anh cười nói.


Vĩnh Phúc: Vĩnh Phúc:"Ngôi sao" nông thôn mới ở vùng… Giúp vốn để nông dân thêm nhàn, thêm lãi Giúp vốn để nông dân thêm nhàn, thêm…