Vua nhãn kể chuyện đếm tiền mỏi tay
Sau gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Sơn La, ông Nguyễn Văn Binh ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu đã trồng được 8.000 cây nhãn miền và nhãn chín muộn Hà Tây.
Từ một người đi làm thuê, làm mướn, ông Bình đã kiên trì khai hoang đất, trồng nhãn và thay đổi cách làm của nông dân ở một vùng đất rộng lớn.
Con đường lên bản Pha Cúng lổn nhổn ổ gà, ổ voi. Dọc hai bên đường là những nương ngô dài ngút tầm mắt. Cây ngô đã từng thống trị đất này suốt nhiều năm. Xen lẫn giữa màu xanh đơn sắc của đại ngàn là màu xanh nâu của những vạt nhãn xòe tán.
Bà con người Thái, người Kinh nơi đây đã và đang chuyển dần từ trồng ngô và nhiều loại cây khác sang trồng nhãn. Hỏi đường đến nhà “vua” nhãn Nguyễn Văn Binh, ai cũng chỉ dẫn tận tình, bởi lẽ ông Binh là người đã làm thay đổi tư duy sản xuất của cả vùng đất này.
Đếm tiền mỏi tay
Con đường xuyên qua những quả đồi bạt ngàn cây nhãn đều là đất của ông Binh. Ông đã bỏ cả hàng trăm triệu đồng làm con đường này để vận chuyển nhãn. Đang vào thời kỳ thu hoạch nhãn, cả nhà ông dồn sức hái, đóng thùng và bán hàng. Những cây nhãn to, khỏe, sai trĩu quả. Cây được trồng theo hàng lối, đúng khoảng cách, kéo dài theo triền đồi, tạo khung cảnh đẹp tựa một khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Ông Binh khoe những cây nhãn sai trĩu quả.
Ông Binh có dáng người mảnh khảnh, nhìn như một ông giáo làng về hưu, đang chỉ đạo thợ hái nhãn. Hơn chục con người ra sức bẻ cành, đóng thùng với không khí thật khẩn trương.
Ông Binh khoát tay đi kiểm tra từng cây một. Cây nào quả sáng, căng, mọng là hái được. Ông thong thả đi quanh vườn, ánh mắt tràn ngập niềm vui - cái sự hài lòng của một ông nông dân đón nhận thành quả đạt được sau bao khó nhọc trong 1 năm.
Đi đến cạnh một cây nhãn quả sai nhưng chưa chín lắm, ông Binh tự hào khoe: “Đây là giống nhãn chín muộn Hà Tây. Nó thu hoạch muộn hơn so với giống nhãn miền mà tôi đang thu khoảng 1 tháng. Giống này cũng sai quả, năng suất cao, nhưng hơi khó chăm, bù lại giá cao hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg so với nhãn Miền”.
Tiếp mạch say sưa đó, ông Binh nói: Tư thương đến tận vườn mua nhãn với giá 20.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi hái được 3-4 tấn. Nếu như thời tiết ủng hộ, thu hết vườn nhãn này cũng phải mất cả tháng trời.
Muốn thăm hết đất của ông Binh cũng phải đi mất một buổi cật lực. Theo ông Binh, đất đồi ở Pha Cúng rất hợp với cây nhãn. Mấy năm trước, mỗi cây nhãn cho vài tạ quả là bình thường. Quả hạt nhỏ, cùi dày, ngọt mát nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Binh so sánh, năm ngoái 1 cây nhãn có tuổi thọ 10 năm cho 2-4 tạ quả, năm nay, chúng chỉ cho tạ quả là cùng. Nói là nhãn mất mùa, chứ năm nay, ông Binh ước tính vẫn thu được cả trăm tấn nhãn chứ không ít.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi đám thợ gọi ông lái xe chở nhãn về. Ông Binh lại bước đi phăng phăng ra chỗ cái ô tô u-oát đỗ cạnh vườn nhãn. Những thùng xốp đã chất đầy trên xe. Ông nổ máy, lái chiếc xe ô tô vượt đường đồi phăng phăng. Nhãn được tập kết vào kho, đến tối là xe tải lên ăn hàng chở về dưới xuôi bán.
Những năm trước đây, để mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn, ông Binh cất công lái xe chạy một mạch về chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc) đổ hàng. Mấy năm nay, tư thương biết đến ông, họ đã tìm lên tận Pha Cúng cất hàng. Ông chỉ việc ngồi nhà đếm tiền mỏi tay. “Giờ thì vợ chồng tôi nhàn rồi. Ngay từ đầu vụ đã chốt được giá nhãn. Thuê người hái rồi đếm tiền là xong” - ông Binh hào hứng khoe.
Từ làm thuê, thành ông chủ
"Hiện tại, tôi đã khai hoang được 30ha đất. Tôi đang nung nấu biến diện tích này thành “cỗ máy” tiếp tục “đẻ” ra nhiều tiền hơn nữa, chứ hiện tại mới chỉ khai thác được một phần”.
Ông Nguyễn Văn Binh
“Trồng nhãn nhàn lắm. Cả năm chỉ vất vả vào những ngày thu hoạch” - ngồi nghỉ bên hiên nhà, ông Binh thủng thẳng chuyện trò. Có lẽ gặp ông ở ngoài đời chẳng ai tin, ông là nông dân. So với bà con nông dân khác, ông Binh làm mà như chơi vậy. Ấy thế mà chẳng ai nghĩ, cuộc đời ông đã trải qua những khúc cua định mệnh.
Quê ông Bình ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) - vùng đất chuyên làm cây cảnh và cây giống. Xuất thân là con nhà nông, gia đình khó khăn nên ông cũng xoay đủ thứ nghề để kiếm sống. Buôn thúng bán mẹt rồi trồng cấy đủ kiểu, nhưng cuộc sống vẫn chưa khấm khá lên được. “Ở quê vừa thiếu đất vừa thiếu vốn. Làm miết cũng chỉ đủ 3 bữa ăn” - ông Binh nói.
Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ở vùng đồng bằng sông Hồng có phong trào di dân lên miền ngược để làm kinh tế. Sẵn có tính ưa xê dịch, ông Binh coi đây là cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình. Ông cùng bầu đoàn thê tử quyết lên miền ngược một chuyến, mang sức lực và trí tuệ của mình lên khai phá vùng cao nguyên.
Những ngày đầu vợ chồng ông sống và lao động ở miền đất mới với bao lo toan và vất vả muôn vàn. Không giống như ở dưới quê, cần thứ gì là mua được, ở đất Pha Cúng điện không, đường không, chợ không… khiến cái quyết tâm ban đầu bắt đầu của vợ chồng ông lung lay. “Mưa như trút nước, chỗ ở chỉ là túp lều dựng tạm. Cả đêm xoay trần để tránh mưa” - bà Oanh vợ ông nhớ lại.
Khó khăn đâu dừng lại ở đó, để có lương thực ăn qua ngày, vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn cho bà con dân bản. Những ngày lần hồi phát nương, phát rẫy, chân tay ai cũng phồng rộp, chằng chịt vết thương vì gai tre đâm phải. Có lúc hết gạo ăn, sức cùng lực kiệt, vợ chồng ông đã bàn nhau hồi hương làm lại từ đầu...
Rồi sau nhiều năm làm thuê, làm mướn, tăng gia sản xuất nuôi lợn, nuôi gà, vợ chồng ông cũng tích góp được lưng vốn. Ông bắt đầu mua nương, mua đồi để làm vườn. Ngay từ những năm 1990, ông Binh đã cất công về Hưng Yên đưa cây nhãn lên trồng ở vùng núi.
Nhiều người cho ông là không hợp thời. Bởi lẽ ở đất này, nhãn trồng ra chỉ cho, chứ không có người mua. Ông Binh lại nghĩ khác, rồi đây đường sá sẽ mở đến bản, hàng hóa sẽ dễ tiêu thụ... nên ông vẫn quyết tâm làm. Cây nhãn hợp thổ nhưỡng nên cây nào cũng to và cho sai quả.
Duy chỉ có điều khiến ông rầu lòng là nhãn cho thì bà con ăn, chứ ông chẳng bán nhãn được cho ai. “Nhãn ở đây sai ghê gớm, có những năm được mùa, một cây nhãn cho 3 – 4 tạ quả. Tôi phải gùi nhãn ra ngã ba Lóng Phiêng bán.
Mỗi gùi nhãn bán đi chỉ đổi được 2 bát phở là hết veo. Có những năm nhãn để rụng ngoài vườn, tôi không buồn hái” - ông Binh bồi hồi nhớ lại thời trèo đèo, lội suối đi bán nhãn.
Khó khăn vất vả dần cũng trôi qua khi đường ô tô được mở qua bản. Một vài tư thương địa phương có lên vườn hái nhãn.
Nhưng họ trả giá nhãn rẻ như bèo, người trồng không có công. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ tìm hướng tiêu thụ nhãn, ông Binh quyết tâm tự mình đưa nhãn về dưới xuôi bán. Sẵn biết lái xe, ông thuê xe tải chở hàng đi bán. Việc này khiến ông chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Giá nhãn bán cao hơn hẳn so với trước đây.
Liên tiếp các năm sau đó, ông bỏ ngô để trồng nhãn. Ông còn vận động một số bà con quanh nhà làm theo mình. Ông đứng ra mua sản phẩm cho bà con để chuyển về dưới xuôi. Cũng từ đó, bà con người Thái nơi đây bắt đầu có thêm nguồn thu mới từ cây nhãn.
Mấy năm gần đây, bao sự đổi thay đã đến với đất này, nhà ông Binh cũng được phen “mở mày mở mặt”. Vui hơn cả là đường tới bản thì hàng hóa cũng thông thương dễ hơn. Những cây nhãn một thời để cho dơi và sóc ăn, giờ ông thu hái bán được khối tiền.
Từ vài trăm cây ban đầu, giờ ông Binh đã trồng được cả 8.000 cây nhãn miền và nhãn chín muộn Hà Tây, trong đó có 4.000 cây đã cho thu hoạch.
Ông nhẩm tính, bình quân mỗi cây nhãn cho 30kg, trừ chi phi đi ông thu được khoảng 500.000 đồng/cây, vị chi mỗi năm ông thu được vài tỷ đồng ngon ơ.
Từ vài trăm cây ban đầu, giờ ông Nguyễn Văn Binh đã trồng được cả 8.000 cây nhãn miền và nhãn chín muộn Hà Tây, trong đó có 4.000 cây đã cho thu hoạch. Ông nhẩm tính, bình quân mỗi cây nhãn cho 30kg, trừ chi phi đi ông thu được khoảng 500.000 đồng/cây
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ