Mô hình kinh tế Vua Vịt Bầu Nuôi Vịt Trời

Vua Vịt Bầu Nuôi Vịt Trời

Ngày đăng 17/04/2014

Vua Vịt Bầu Nuôi Vịt Trời

Từ nuôi vịt bầu ông sắm được xe gắn máy sớm nhất huyện, rồi tới xe hơi ông tiếp tục “đánh cược” với vịt trời và bầy vịt trời đang mang lại cho ông những “hướng bay” mới. Ông được mệnh danh là “vua” vịt bầu ở đất của cây quế, huyện Quế Phong (Nghệ An). “Vua” vịt này có tên Thái Văn Diệu, hiện ở bản Đan, xã Tiền Phong.

Nuôi vịt bầu, “lên” xe hơi

Ông Diệu quê ở xã Liên Thành (huyện Yên Thành), “vựa lúa” của Nghệ An. Lúc còn ở quê ông đã nổi tiếng về nuôi vịt, người dân trong vùng đã đặt cho ông cái tên “để đời” và theo ông đến tận bây giờ, đó là Diệu “vịt”. Ông cười đùa: “Hình như tôi sinh ra là để nuôi vịt và vịt đã nuôi sống cả gia đình tôi”.

Cả một vùng quê ven sông Vũ Giang, những đàn vịt sáng sáng, chiều chiều lại kêu vang đồng, vọng vang sông. Từ nuôi vịt, gia đình ông từ một nhà nghèo, đông anh em, đã trở nên khấm khá, có của ăn của để.

Thời những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ những người đi lao động xuất khẩu bên Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, khi về nước “oách” nhất là mang về xe gắn máy hiệu Simson. Ông không đi như họ nhưng từ những đàn vịt, ông cũng mua được xe Simson, thuộc hàng đầu tiên của huyện Yên Thành.

Năm 1993, ông Diệu lên thăm bố mẹ vợ ở huyện miền núi Quế Phong. Đến cầu Châu Tiến - cây cầu nối hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong, khu vực này có phong cảnh rất đẹp với sự quyện hòa của ba nhánh sông Nậm Hạt, Nậm Việc và sông Hiếu. Ai dừng lại nơi đây cũng xiêu lòng vì phong cảnh đẹp. Riêng ông, nhìn thấy khung cảnh này chợt trong đầu lóe lên câu hỏi: Sao ta không nuôi vịt nơi đây nhỉ?

Ban đầu ông định nuôi vịt thường như ở quê. Nhưng lên đến vùng Quỳ Châu, Quế Phong, ông mới “thấm” với giống vịt bầu Quỳ vì thịt thơm ngon và đậm ngọt như chính cái danh nổi tiếng của nó. Nhưng vịt bầu Quỳ lại chỉ được các hộ gia đình đồng bào dân tộc nơi đây nuôi nhỏ lẻ, để phục vụ trong gia đình. Giống vịt này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ông quyết định chuyển cả gia đình cùng “sự nghiệp” nuôi vịt của mình lên huyện Quế Phong. Đầu tiên, ông mua lại miếng đất nhỏ thuộc bản Đan, xã Tiền Phong nằm bên vách núi cạnh sông Hiếu và gần ngã ba với sông Nậm Hạt và Nậm Việc.

Sau đó, ông đi khắp vùng Quỳ Châu, Quế Phong gom mua lại giống vịt bầu Quỳ. Phải gần 1 năm ông mới gom được khoảng 100 con vịt bầu Quỳ. Và mất thêm mấy năm mày mò, thử nghiệm, ông đã ấp nở được đại trà giống vịt quý hiếm này. Cho đến nay ông chuyển hẳn sang ấp nở giống vịt bầu Quỳ. Hiện một con vịt giống bán tại chỗ có giá 30.000 đồng.

Ông cho biết, bình quân một năm ông xuất bán vịt giống cho các hộ gia đình, nông trại, cơ sở chăn nuôi được khoảng 3 tỷ đồng. Giống vịt bầu Quỳ từ nhà ông đã “phủ” khắp các nơi, đặc biệt là các huyện miền núi Nghệ An. Không chỉ đơn thuần từ con vịt bầu Quỳ ông đã “lên” được xe hơi, mà quan trọng hơn, người dân cảm ơn ông vì đã phục hồi được giống vịt quý hiếm tưởng sắp mai một.

Thử nghiệm... vịt trời

Vào một ngày tháng 10-2013, ông Diệu nhận được điện thoại của một vị lãnh đạo Sở KH-CN tỉnh Nghệ An. Vị này bảo, vừa xem một chương trình trên ti vi thấy anh Tô Quang Dần ở Bắc Giang nuôi và ấp nở được vịt trời. Với một “chuyên gia về vịt” như ông, ông thử tìm hiểu xem sao - vị lãnh đạo này nói mà như thách thức. Lập tức, ông liên hệ với cậu thanh niên nuôi ấp được vịt trời. Không lâu sau ông quyết định “rinh” về gần 1.000 con vịt trời con.

Ông cho hay, khi lấy về thì chỉ lấy vịt vừa nở được 1 ngày tuổi. Nếu để thêm ngày thì vịt “ra” mỡ, vận chuyển đi xa dễ chết. Thời điểm đưa vịt về thời tiết rất lạnh, nhất là ở khu vực miền núi như Quế Phong. Ông hình dung, vịt trời ở... ngoài trời, nên khi mới nở vịt con chắc chắn vẫn được mẹ ấp ủ ấm. Vậy là ông phải lấy chăn cài kín phía trong chuồng, sau đó đốt than bỏ vào một thùng nhỏ đặt giữa chuồng để giữ cho nhiệt độ luôn ở 37 - 38°C.

Từ phương pháp tưởng như đơn giản này mà bầy vịt được ủ ấm và lớn lên nhanh giữa miền núi rừng giá lạnh, trong gần 1.000 con chỉ có 40 con chết. Ông “nghiệm” ra rằng, quả là giống vịt trời có sức chịu đựng hơn hẳn vịt nhà, nhưng chăm nó chẳng khác gì chăm trẻ nhỏ.

Sau khi “ươm” thành công trong nhà ông đưa vịt ra một khu hồ nằm trong lòng núi. Lúc đầu vợ con ông lo đem ra hồ nuôi vịt sẽ bay mất. Nhưng ông lại nghĩ, vịt trời chẳng lẽ không nuôi ngoài trời? Mặc dù là vịt trời nhưng chúng đã được “ấp” bằng hơi người, được người cho ăn thì chẳng lẽ lại bỏ đi? Nhưng... một buổi sáng vừa thức dậy, bất ngờ cả đàn vịt đồng loạt vỗ cánh ràn rạt rồi bay qua khỏi tấm lưới ngăn.

Ông và vợ đứng chết lặng, tim như cũng muốn bay khỏi lồng ngực. Nhưng thật may, chúng chỉ bay qua tấm lưới ra mặt hồ bên ngoài rồi sà xuống tung tăng bơi lội, sau đó quay lại chuồng kêu đòi thức ăn. Thời gian sau ông phát hiện vịt trời còn quen cả ánh sáng điện, quen có thức ăn thường xuyên nên chúng khó rời chuồng. Đến nay, lứa vịt trời đầu tiên đã có thể xuất bán. Ông chỉ bán vịt trống, còn vịt mái để nuôi đẻ.

Hiện vịt đã có trọng lượng bình quân từ 1,2kg - 1,4kg/con. Vịt bán theo con với giá tại chỗ 250.000 đồng, còn nếu đem xuống đồng bằng có giá thấp nhất 280.000 đồng/con. “Tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm và tin là sẽ thành công. Tôi sẽ đưa vịt trời đến với bà con nông dân nuôi để mở thêm một hướng thoát nghèo, như đã từng làm được với vịt bầu Quỳ” - ông Diệu tâm sự.


Chăn Nuôi Trâu, Bò Cần Lối Đi Bền Vững Chăn Nuôi Trâu, Bò Cần Lối Đi Bền… Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Vịt Của Ông Lương Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Vịt Của Ông Lương