Vua Vịt Đồng Một Tay
Cụt cánh tay trái do vấp phải bom bi trong một lần đào gốc tre, những tưởng cuộc sống của anh sẽ rơi vào khốn khó. Nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình, anh đã dần vượt qua được khó khăn, mặc cảm để đưa gia đình vươn lên làm giàu bằng nghề chăn nuôi vịt đồng. Đó là anh Võ Văn Đề, 51 tuổi ở thôn Hội Yên, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị)…
Quãng đời gian khó
Có dịp đi ngang qua cầu Hội Yên 2 ở xã Hải Quế, nhiều người sẽ ngạc nhiên chứng kiến một khu chuồng trại chăn nuôi vịt quy mô nằm ngay dưới chân cầu. Nhưng càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng đó là cơ ngơi của một người đàn ông tàn tật giàu nghị lực. Ấy chính là trại chăn nuôi vịt của vợ chồng anh Võ Văn Đề và chị Hoàng Thị Nguyệt.
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh, chị khi nắng đã bắt đầu chếch bóng. Khi chúng tôi ghé thăm cũng gặp lúc anh Đề đang chèo ghe lùa đàn vịt vào chuồng cho ăn. Dù chỉ còn một cánh tay nhưng mọi công việc từ chăn vịt, cho vịt ăn, chèo ghe, đưa vịt chạy đồng… anh Đề đều thuần thục như người bình thường.
“Cũng phải tập luyện cực nhọc hàng năm trời mới làm được đó chú. Hồi trước mới bị tai nạn tui nản lắm, có lúc nghĩ đành an phận nhưng cứ nghĩ đến vợ con cực khổ thì lại không cho phép mình đầu hàng. Cũng may còn có vợ con, anh em họ hàng, bạn bè động viên, giúp đỡ nên tui mới mạnh dạn tập luyện sức khỏe và tập tành làm kinh tế…”, vừa khéo léo chống ghe lùa vịt tấp và mé sông, anh Đề vừa vui vẻ nói.
Khi đàn vịt được lùa lên bờ vào bãi, anh Đề cùng con gái bưng lúa ra cho vịt ăn. Dưới cái nắng gắt và tiếng vịt lao xao đòi ăn, có cảm nhận rằng cuộc sống của gia đình anh đã thực sự có nhiều thay đổi, đầm ấm và yên bình.
Khi đã hoàn tất công việc cũng là lúc chị Nguyệt bê ấm trà ra mời khách. Nhấp ngụm trà ấm, anh Đề hồi tưởng chuyện cũ. Anh kể, năm 1982, anh nhập ngũ và được biên chế vào đội bảo vệ cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Đến năm 1985, anh hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ về quê.
Về quê, anh ra sức giúp đỡ bố mẹ phát triển kinh tế, nuôi các em ăn học. Trong một lần đào gốc tre bên bờ sông, anh đã không may vấp phải quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Cú nổ chát chúa đã làm anh bất tỉnh, máu me đầy người. Lúc tỉnh dậy anh mới biết cánh tay trái của mình đã cụt lên đến cùi chỏ.
Mọi ước mơ, hoài bão của người thanh niên trẻ Võ Văn Đề chững lại sau cú sốc đầu đời. Trước lúc xuất ngũ, gia đình anh cũng đã đánh tiếng với gia đình chị Nguyệt để cưới chị cho anh. Tuy nhiên, khi anh bị tai nạn, nhiều người thân đã can ngăn, khuyên chị Nguyệt nên tìm một tấm chồng khác lành lặn để vững chãi cho cuộc sống về sau. Nhưng tình yêu chân thành, son sắt của đôi bạn trẻ đã dần thuyết phục được mọi người.
Thế là cuối năm 1985, anh Đề và chị Nguyệt nên duyên vợ chồng sau một đám cưới giản dị tại làng quê nghèo khó này. Một năm sau, vợ chồng anh sinh cháu đầu và cứ thế sinh một mạch đến… 6 đứa con, 1 trai, 5 gái. Cuộc sống đông con buộc vợ chồng anh phải lao vào làm việc tối ngày mà vẫn chẳng đủ ăn.
“Quanh năm sấp mặt bám đồng ruộng, rồi thì ai thuê gì làm nấy nhưng vợ chồng tôi cũng chẳng thể thoát nghèo được. Với lại anh Đề sức khỏe giảm sút nên hay đau yếu, chẳng làm được việc nặng nên gia đình càng lâm vào cảnh khốn khó, cùng cực”, chị Nguyệt kể lại.
Chăn vịt… xuyên tỉnh
Cuộc sống túng bấn của vợ chồng anh Đề cứ thế lặng trôi cho đến năm 1994. Sau khi vay mượn được ít vốn từ bà con, bạn bè, vợ chồng anh quyết định nuôi vịt. Sẵn có quãng sông Vĩnh Định chảy qua trước nhà, anh chị đã quây lưới, be bờ rồi lập chuồng trại. Vét hết số tiền còn lại, anh chị mua 300 con vịt giống về nuôi vịt đẻ. Từ đàn vịt này gia đình anh đã bắt đầu vượt qua khó khăn. Hàng ngày, chị Nguyệt mang trứng và rau trồng được ra chợ bán còn anh Đề ở nhà chăm bẵm đàn vịt mưu sinh.
“Hồi đó nuôi vịt ít dịch bệnh nên hầu như cần cù là có ăn. Cũng nhờ đàn vịt mà gia đình tôi lần hồi vượt qua khốn khó, có tiền cho con cái đến trường. Sau 10 năm nuôi vịt đẻ, khi đã tích cóp được số vốn kha khá, đến năm 2004, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang nuôi vịt thịt.
Nuôi vịt thịt nhanh hơn vì có thể nuôi cuốn chiếu nhiều lứa trong một năm. Tuy nhiên, thời điểm những năm 2007-2008, dịch bệnh hoành hành, khiến gia đình tôi phải bán tháo mất mấy lứa với giá rẻ như cho. Cũng may là những vụ nuôi sau này thuận lợi nên dần khấm khá”, anh Đề vui vẻ nói.
Ban đầu nuôi với số lượng lớn, anh chị chỉ tập trung thả ở các cánh đồng vùng trũng Hải Lăng. Tuy nhiên, theo anh Đề thì ở Hải Lăng người ta nuôi vịt chạy đồng rất nhiều nên việc cạnh tranh nguồn thức ăn cũng trở nên gay gắt hơn, đàn vịt chậm lớn. Được một thời gian, qua bạn bè giới thiệu, anh bắt đầu liên hệ với các HTX để “mua đồng” ở những vùng lân cận như Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh rồi đưa vịt ra chăn thả.
“Thật ra các cánh đồng trong tỉnh mình chỉ làm hai vụ lúa nên thường người ta thả trâu bò ra ăn, chỉ được một thời gian là hết thóc…, vì thế cũng khó làm ăn. Sau một thời gian, tôi liên hệ được với một số xã ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là nơi có cánh đồng rộng lớn hơn cả huyện Hải Lăng mà năm nào cũng làm lúa vụ 3 để mua đồng rồi thuê ô tô “đánh” vịt ra thả cho ăn. Những cánh đồng lúa sau khi gặt vụ hè thu sẽ được người dân bón phân để làm lúa tái sinh, gặt lần hai. Những ruộng hạt ra ít thường người ta sẽ bán lại với giá rẻ để người chăn vịt thả đồng mua.
Mỗi lần tôi mua cả trăm ha ruộng tái sinh để thả vịt. Nhờ lượng lúa hạt, ốc, tôm, cá… dồi dào nên vịt lớn rất nhanh, chất lượng thịt vịt vì thế lại rất ngon, được bạn hàng ưa chuộng. Bây giờ vịt của tôi chủ yếu xuất bán cho các thương lái ở thành phố Huế, thành phố Đông Hà. Mỗi năm gia đình tôi nuôi đến 20.000 con mà cũng có mối tiêu thụ hết”, vợ chồng anh Đề vui vẻ cho biết.
Dù nuôi với số lượng lớn nhưng đàn vịt của gia đình anh ít khi bị dịch bệnh vì vợ chồng anh am hiểu sâu về thú y, cách phòng và trị bệnh, tiêm phòng định kỳ…Tại huyện Hải Lăng, hộ gia đình anh Đề là một trong số ít những hộ nuôi vịt chạy đồng với số lượng lớn và xuyên tỉnh như vậy. Ngoài việc nuôi vịt chạy đồng do anh Đề “phụ trách”, ở nhà chị Nguyệt cũng cải tạo chuồng trại nuôi thêm vài chục con heo, vài trăm con gà mỗi lứa nên thu nhập rất ổn định.
Nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn, bản thân anh Đề đã chứng minh được bản lĩnh của mình, anh là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương. Ngoài mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, vợ chồng anh Đề còn hăng hái tham gia, ủng hộ hết mình về tinh thần và vật chất cho các phong trào, hoạt động của địa phương…
“Ở địa phương, vợ chồng anh Đề, chị Nguyệt được xem là tấm gương sáng về nghị lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Xóm làng vì thế cũng rất quý anh chị. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình anh chị còn nuôi dạy các con ăn học tới nơi tới chốn, có việc làm ổn định, cuộc sống khá giả và đặc biệt hai anh chị luôn hết lòng ủng hộ về vật chất cho các hoạt động của địa phương, rất đáng biểu dương”, chị Lê Thị Hoài Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế cho biết.
“Ở địa phương, vợ chồng anh Đề, chị Nguyệt được xem là tấm gương sáng về nghị lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Xóm làng vì thế cũng rất quý anh chị. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình anh chị còn nuôi dạy các con ăn học tới nơi tới chốn, có việc làm ổn định, cuộc sống khá giả và đặc biệt hai anh chị luôn hết lòng ủng hộ về vật chất cho các hoạt động của địa phương, rất đáng biểu dương”, chị Lê Thị Hoài Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ