Mô hình kinh tế Vực Dậy Nghề Trồng Nấm

Vực Dậy Nghề Trồng Nấm

Ngày đăng 26/01/2013

Vực Dậy Nghề Trồng Nấm

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nấm ăn, nấm thương phẩm, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đạt được kết quả khả quan. Nhưng hiện nay, nhiều hộ trồng nấm bỏ lán trại chuyển sang nghề khác, lãng phí lớn nguồn lực đầu tư.

Một năm thất bát

Năm 2012, huyện Vĩnh Bảo tiếp tục sản xuất các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ cung cấp cho thị trường. Theo đó, toàn huyện đưa 1.500 tấn nguyên liệu vào sản xuất; xây dựng 3.000 - 4.0000 m2 lán trại; 5 - 10 lò sấy nấm, song, mục tiêu này không đạt. Nguyên do thời tiết không thuận lợi, nguồn giống nấm cấp cho các hộ dân thiếu kịp thời, chất lượng bịch nấm chưa bảo đảm, kỹ thuật chăm sóc nấm của bà con chưa đạt. Đây cũng là thực tế khiến bà con nông dân không còn hào hứng với nghề trồng nấm. Ông Nguyễn Quang Vị, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Bảo cho biết, đến nay, toàn huyện có 138 hộ ở 24/30 xã, thị trấn tham gia sản xuất nấm với quy mô lán trại được đầu tư xây dựng hơn 19.500 m2 với quy mô lán trại từ 50 m2 trở lên. Như vậy, số hộ tham gia sản xuất nấm so với mục tiêu huyện Vĩnh Bảo đề ra chưa đạt yêu cầu.

Thời gian qua, nghề sản xuất nấm ở Vĩnh Bảo không ổn định, tại các xã có nhiều hộ sản xuất như Tam Đa, Nhân Hòa, Tân Hưng... tình trạng lãng phí lán trại khá phổ biến, lán trại bỏ hoang. Những năm trước, xã Tam Đa có gần chục hộ sản xuất nấm, đến nay, hầu hết bỏ lán trại, không sản xuất, một số hộ trở lại sản xuất cầm chừng. Bà con cho rằng, có tình trạng này là do nguồn giống nấm cung ứng thường xuyên thiếu, nhỡ, gián đoạn, chất lượng kém, khi đưa vào sản xuất không hiệu quả, năng suất rất thấp bà con chưa mặn mà với nghề sản xuất nấm. Chị Bùi Thị Loan, xã Nhân Hòa cho biết, vụ nấm sò năm 2012, gia đình mua gần 300 bịch về sản xuất, nhưng không cho sản phẩm do giống kém chất lượng. Tình trạng này, diễn ra ở hộ chị Loan mà hầu hết người sản xuất nấm sò vụ đầu năm 2012 đều bị thất bại do mua phải bịch nấm kém chất lượng. Nhiều lán trại sản xuất nấm đang bỏ hoang, để nuôi gà, vịt hoặc dùng làm kho chứa đồ, dụng cụ sản xuất gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư. Ông Phạm Văn Qua, hộ sản xuất nấm xã Việt Tiến bức xúc cho biết: nhiều vụ nấm rơm vừa qua, hàng chục hộ trong xã mất trắng, vì giống nấm không bảo đảm chất lượng.

Theo đánh giá của UBND huyện Vĩnh Bảo, toàn huyện mới khai thác tối đa 30% công suất lán trại xây dựng, nhiều hộ dân bỏ hoặc không xây dựng sàn sản xuất nấm mỡ. Một phần chất lượng nguồn giống chưa bảo đảm, phần do thời tiết khiến vụ sản xuất nấm sò năm 2012 không cho thu hoạch. Kết quả kém vui này còn do bà con sản xuất nấm tại các địa phương thiếu kinh nghiệm, chưa thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất, có hộ tuỳ tiện bỏ qua công đoạn, quy trình kỹ thuật ngâm ủ nguyên liệu đến cấy giống, khiến vụ nấm sò năm 2012 năng suất giảm 15 - 20% so với năm 2011.

Xốc lại nghề trồng nấm

Để xốc lại nghề trồng nấm thương phẩm, huyện Vĩnh Bảo đang tập trung tháo gỡ khó khăn, thành lập tổ chỉ đạo sản xuất nấm với sự tham gia của phòng Nông nghiệp-PTNT, Trung tâm dạy nghề tham mưu, đề xuất UBND huyện về các khâu tổ chức sản xuất, kỹ thuật, dạy nghề cho bà con, chuyển giao KHKT. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đánh giá mục tiêu đề ra để điều chỉnh phù hợp; nhất là về chương trình hỗ trợ xây dựng lán trại, lò hấp, sấy nấm tại các địa phương đã được đầu tư. Trên cơ sở nắm rõ thực trạng để có định hướng, kế hoạch ưu tiên đầu tư tập trung cho những địa phương sản xuất nấm hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân các địa phương tích cực tham gia sản xuất nấm, đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất nấm tới các hộ sản xuất thường xuyên, chặt chẽ hơn để nâng cao kỹ thuật cho người trồng nấm. Kịp thời cung ứng nguồn giống tới người sản xuất, chất lượng nguồn giống bảo đảm.

Để tạo sự gắn kết giữa các hộ sản xuất nấm trong huyện và có đầu mối sinh hoạt, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, huyện Vĩnh Bảo thành lập HTX dịch vụ sản xuất nấm để tạo sự liên kết, gắn kết hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật quy trình sản xuất nấm. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Bảo tiếp tục thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất nấm về mặt bằng, nguồn vốn đầu tư, thiết bị sản xuất chú trọng nguồn giống nấm chất lượng, cung ứng kịp thời, ổn định. Đồng thời, nêu cao vai trò của “4 nhà” là nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong cung ứng giống, vốn, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nấm thương phẩm bảo đảm ổn định với giá mua phù hợp. Có như vậy, nghề sản xuất nấm ở Vĩnh Bảo mới thu hút thêm nhiều hộ tham gia sản xuất và thực hiện thành công Đề án sản xuất nấm thương phẩm giai đoạn tiếp theo của huyện.

 


Kinh Ngạc Hai Giống “Siêu Khoai Lang” Kinh Ngạc Hai Giống “Siêu Khoai Lang” Mòn Mỏi Chờ Bán Lúa Mòn Mỏi Chờ Bán Lúa