Mô hình kinh tế Vùng Cát Không Trầm Tĩnh

Vùng Cát Không Trầm Tĩnh

Ngày đăng 05/09/2013

Vùng Cát Không Trầm Tĩnh

Buổi sáng hôm ấy, đuổi theo tầm mắt chúng tôi là màu xanh nối đuôi nhau. Cái màu xanh bàng bạc của keo lá tràm trên 10 năm tuổi đã làm cho trời Phong Bình, Phong Chương, Điền Môn, Điền Lộc, Phong Hải, Thừa Thiên - Huế... dịu hẳn lại. Khi hạ kính để nhoài mình ra không gian một lúc, chừng như tôi nghe mùi của biển trong tiếng sóng vẳng lại từ phía bên kia cánh rừng.

Ở đây, đã là một cuộc sống với một diện mạo khác hẳn những năm trước 2000. Không còn những buổi trưa cát trắng. Không còn những bóng người loi thoi và bé nhỏ trên những trảng cát nắng chang. Những nếp nhà hiện ra dưới tán lá. Đàn trâu thong thả gặm cỏ. Tiếng ủn ỉn của bầy heo và tiếng gà tao tác đây đó. Điều mà nhiều năm về trước, có lẽ chưa ai có thể hình dung...

Nếu có thể định hình về một sự thay đổi, thì chính những thửa rừng bàng bạc ấy đã đóng góp phần mình vào sự hồi sinh của cả một vùng đất. Tôi cứ nghĩ, với sự hiện diện của mình, keo lá tràm ở đây có thể xem là một sự tận hiến khi chúng góp phần dưỡng ẩm, điều hoà không khí, cho lá để cải tạo đất và cho gỗ để phục vụ các nhu cầu dân sinh. Một sự khởi đầu mới, trẻ trung, năng động và phần nào thể hiện được sức vóc tiềm ẩn của vùng cát Phong Điền đang lộ diện.

Nhớ lần trước, khi cùng anh Hồ Bê, Bí thư Huyện uỷ về vùng cát Điền Môn, Điền Lộc, chúng tôi đã gặp nhịp đập mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thay vì trồng lúa, người dân đã chuyển đổi một số chân ruộng cao sang trồng rau màu và trồng hoa, cho thu nhập cao hơn hẳn. Cái màu xanh mơn man của cải, tần ô, xà lách bên sắc thắm của hoa cúc và đài các, sang trọng của hoa ly trong một ngày đầu gió quả thật đã làm tôi ngỡ ngàng.

Không còn là vùng đất tự cung tự cấp nhỏ lẻ và manh mún vào những năm đầu 1990, khi tôi đến rồi sau đó, hý hoáy và thao thiết viết một phóng sự 3 kỳ về “Đánh thức vùng đất ngủ”. Bài báo hồi ấy không chỉ là những xúc cảm của một phóng viên trẻ mà còn vì những mong muốn của những người đứng mũi chịu sào gửi gắm qua việc tạo thế, tạo đà với kỳ vọng làm thế nào để xanh hoá vùng đất cằn khô cát trắng. Có lẽ việc xanh hoá vùng cát này đã được khởi thảo và bắt đầu từ những năm 90 với bao nhiêu kỳ vọng ấy. Nơi này bây giờ không còn là vùng cát trắng, cát bay, cát lấp nữa.

Tôi đã trông thấy từ một điều cụ thể rằng, bằng cách làm mới mẻ, bằng kinh nghiệm cộng với việc tạo thêm động lực cho bà con qua mô hình thực tiễn, qua các kênh hỗ trợ từ phía chính quyền và sự đồng hành của cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, người dân Ngũ Điền đã được đánh thức bởi tư duy làm trái vụ, bởi việc tạo ra những sản phẩm trồng trọt có giá trị thương phẩm cao và không chỉ phục vụ nội vùng.

Vào một trang trại nuôi tôm ở Điền Lộc, nhìn quy mô đầu tư, cung cách làm ăn và lắng nghe những điều mà ông chủ tên Thành chia sẻ, tôi còn nhận ra một hướng đi, một sự thay đổi trong chiến lược đầu tư hướng đến tính lâu dài và bền vững khi người dân đầu tư hàng chục tỷ cho ao hồ, nguồn nước, con giống, thức ăn và hợp đồng với cả kỹ sư thuỷ sản để theo dõi quá trình sinh trưởng của con tôm.

Lúc ấy,trên vùng đất cát này, ngoài một số hồ tôm của từng nhóm hộ dân, còn có sự góp mặt của các công ty nuôi tôm Đông Phương, Trường Sơn, Song Phú...Có đầu tư, có chăm chút kỹ lưỡng, người nuôi tôm trên vùng cát Phong Điền đã nhiều vụ thắng lớn khi làm chủ được công nghệ chứ không còn đơn thuần đánh bạc với trời để phấp phỏng trong những mùa tôm phập phù.

Bằng sức vóc của một cơ thể khoẻ mạnh, phóng khoáng cùng những cơ chế hợp lý và cởi mở để tạo điều kiện trong mời gọi đầu tư, vùng cát Phong Điền đã không chỉ lọt vào tầm ngắm của các ông chủ trang trại dám nghĩ, dám làm hay doanh nghiệp địa phương. Đứng chân một cách quy củ với thế chân kiềng ở ba xã Điền Hương,

Điền Môn và Điền Lộc, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã thể hiện góc nhìn và sự đầu tư mang tầm quốc tế với việc đầu tư 24 triệu USD để xây dựng một khu liên hợp, bao gồm 3 khu nuôi tôm quy mô khoảng 200 ha; một nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh với công suất 9500 tấn tôm thành phẩm/năm và thu hút khoảng 500 lao động.

Sự vận hành chuyên nghiệp, bài bản từ khu nuôi thả đến các quy trình nhập và chế biến tôm mà chúng tôi được chứng kiến hôm ấy đã cho thấy, không chỉ là tiềm lực kinh tế mà còn là việc bảo vệ tốt nhất hồ nuôi, con giống và trách nhiệm với cộng đồng thông qua cách ứng xử với môi trường. Tuyệt nhiên không hề có rác hay mùi tanh thường khi trên khắp hàng chục hồ tôm rộng lớn.

Trước khi bước vào vùng hồ này, chúng tôi đã phải lội ủng qua một vuông thuốc sát trùng rồi sau đó, phải rửa tay bằng thuốc tím mới có thể được phép bước vào hồ tôm. Quả thật, nhìn những chú tôm ba tháng tuổi đều chằn chặn, cong mình bật tanh tách khi vừa được kéo lên, người “ngoại đạo” như chúng tôi nhìn thấy còn ham, nữa là...

Nhưng ấn tượng nhất với tôi, lại là một phong cách công nghiệp khác khi vào nhà máy chế biến, thấy những nữ công nhân trong trang phục bảo hộ lao động đang chăm chú bên dây chuyền sản xuất. Anh Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện bảo, họ đa phần đến từ các xã lân cận, trong đó có một số xã thuộc tỉnh Quảng Trị.

Rời cánh đồng, rời buổi chợ, rời những buổi lặn lội dọc triền sông trong các công việc thường có của những phụ nữ nhà nông, họ đã bắt đầu những thao tác mới với đầy đủ đường nét công nghiệp. Quá xa để có thể nhìn vào ánh mắt nhưng nhìn chuyển động của những đôi bàn tay, tôi biết họ đã bắt nhịp và đang thành thục dần.

Cùng với những người công nhân đang miệt mài trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất khác của các Tập đoàn may Scavi, Frime Thiên Phúc ở vùng trung tâm thị trấn và sau này sẽ là công nhân của Công ty TNHH C&N Vina Huế, Nhà máy xi măng Đồng Lâm trên địa bàn, họ sẽ trở thành đội hình mới mang hơi thở và cả dáng dấp của một nền công nghiệp định danh Phong Điền.

Trên đường trở lại bờ biển Điền Lộc, trong câu chuyện mà anh Nguyễn Đại Vui chia sẻ, tôi biết còn nhiều lắm những điều mà người Phong Điền muốn tạo lực và khai thông để tạo sự bứt phá trên nhiều bình diện. Những vùng lúa, vùng rau, những cánh rừng sẽ lại tiếp tục xanh lên và những hồ tôm sẽ lại được tiếp nối...

Ngay cả sự “toan tính” để hình thành một khu dịch vụ nghỉ dưỡng bên bờ biển Điền Lộc này cũng đã được chuẩn bị với sự hiện diện của ba mái nhà vòm gọi nắng và gọi gió như một lời chào ban đầu thân thiện. Và tôi nghĩ về một thế hệ mới chưa rời xa cánh đồng khi vừa xuống cơ sở chỉ đạo vụ mùa, vừa nói về mùi cơm mới nghe thật ngọt và trìu mến. Cả cái nhìn không hề xa xôi khi bày tỏ ý định tận dụng rơm rạ thành chế phẩm sinh học để gầy dựng đàn đại gia súc ngay trên những cánh đồng quê.

Mùi khói thơm trên cánh đồng hình như chợt cay lên nơi sống mũi. Nhưng dẫu hiền hoà và hãy còn thưa vắng, sóng ở đây vẫn nhắc tôi về sức sống của một vùng cát không còn trầm tĩnh...


Quản Lý Chặt Quy Hoạch Nuôi Trồng Thủy Sản Quản Lý Chặt Quy Hoạch Nuôi Trồng Thủy… Ngư Dân Được Mùa Ruốc Ngư Dân Được Mùa Ruốc