Mô hình kinh tế Vườn Cây Ăn Trái Kêu Cứu

Vườn Cây Ăn Trái Kêu Cứu

Publish date Tuesday. August 6th, 2013

Vườn Cây Ăn Trái Kêu Cứu

Nhiều vườn cây ăn trái như vú sữa, xoài, sa pô chê… ở Tiền Giang, Đồng Tháp… đang bị suy kiệt, lão hóa, thậm chí “chết đứng” do thối rễ, khô lá, chết nhánh, làm cho nhà vườn lo lắng. Theo một số nhà quản lý, do chủ vườn, thương lái “bắt” cây ra trái quá mức nên cây mới suy kiệt, chết. Còn các nhà vườn lại bảo cây chết là do bón nhầm phân giả, nên nguồn nước, đất vườn bị ngộ độc làm hại cho cây…

Vú sữa Lò Rèn chết dần

Thật khó hình dung, cách đây không lâu, nhiều vườn trồng vú sữa Lò Rèn của xứ Vĩnh Kim, Tiền Giang luôn sum xuê, cho nhiều trái to, quả đẹp, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân nơi đây. Nhưng không hiểu vì sao mấy năm gần đây, nhiều vườn cây có dấu hiệu xuống sức rất nhanh, rồi thối rễ, khô lá, chết cành, chết thân… giờ thành những khu vườn xác xơ, với những thân cây lêu nghêu, trụi lá.

Ông Hai Công, một nhà vườn ở ấp Đông, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xót xa: “Mấy năm trước, vườn nhà tôi bán ít lắm cũng được vài chục triệu đồng, nay bán chưa đầy 3 triệu đồng”.

Theo ông Công, không biết vì sao mấy năm gần đây khu vườn 5.000m² trồng vú sữa Lò Rèn với sa pô chê của ông tự dưng cây bị thối rễ, héo lá, chết cành rồi chết gần hết. Nhưng cái mà ông Công lấy làm lạ là “Cây già 30-40 năm tuổi bị chết là bình thường, đằng này vườn vú sữa nhà tôi mới 15 năm tuổi bị chết như thế là hết sức vô lý”. Ông Tư Đực, người hàng xóm của ông Công cũng rơi vào hoàn cảnh như thế. Hơn 3.000m² trồng vú sữa của ông cũng bị chết gần hết.

Anh Đặng Văn Diễm, nhà lân cận cũng chẳng khá hơn. “Cả nhà có 4 nhân khẩu chỉ trông cậy vào 3 công vườn trồng vú sữa, sa pô chê, vậy mà vụ này “trớt quớt””, anh Diễm than. Nản chí, anh chuyển qua trồng vú sữa tím vì giá cao gấp nhiều lần vú sữa Lò Rèn. Và để “bù đắp” một phần không nhỏ thu nhập bị mất từ khu vườn, anh Diễm đành đi xin làm công nhân cho một công ty tư nhân ở TP Mỹ Tho…

Ông Công cắt hết nhánh mấy cây vú sữa còn sót lại trong vườn để dưỡng cho cây phát triển trở lại. Ảnh: KIẾN VĂN

Ở các xã lân cận cũng thế, nhiều vườn trồng vú sữa cũng bị thối rễ, héo lá, chết cành, chết cây. Bà Ba Tài ở ấp Thới, xã Đông Hòa, cho biết: “Vụ rồi, tôi may mắn nên 3 công vú sữa tuy thất mùa nhưng bán cũng được gần 20 triệu đồng. Còn thằng em tôi có 3 công vú sữa nửa chừng chết hết nên chẳng có đồng nào. Cũng may, có người đến hỏi mua gốc mấy cây vú sữa già về làm kiểng, nên nó bán được vài cây kiếm cũng được chút ít”.

Theo nhiều nhà vườn, vú sữa, sa pô chê bị thối gốc, héo lá, chết nhánh… phần lớn là do bón nhầm phân giả nên gây ngộ độc cho cây, làm cây bị suy yếu rồi chết. Cũng có nhà vườn cho rằng, nguồn nước tưới trước đây thông thoáng nên cây sinh trưởng bình thường. Từ khi làm đê bao, nguồn nước bị “đóng khung”, không có nước ra vào, rồi đê bao khép kín nên đất bị bạc màu, cộng với thời tiết bất thường xảy ra thường xuyên… làm cho cây suy dần, rồi chết.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang: “Thời gian trước, giá vú sữa, sa pô chê luôn ở mức cao nên nhà vườn khai thác quá mức, bắt cây phải cho trái liên tục làm cho cây bị kiệt quệ”. Dù vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam của Bộ NN-PTNT nghiên cứu, tìm phương cách trị bệnh cho các loại cây này.

Còn về lâu dài, theo ông Trịnh Công Minh: “Đó là vấn đề canh tác. Các nhà vườn muốn thu hoạch bền vững thì khai thác cây trái có mức độ vừa phải chứ không thể vắt kiệt sức các cây như thời gian vừa qua”.

Vắt kiệt cây lấy trái?

Hiện nay không chỉ có cây vú sữa, cây sa pô chê bị thối rễ, héo lá, chết nhánh… mà nhiều loại cây ăn trái khác ở Tiền Giang cũng bị như thế. Ngay cây xoài cát Hòa Lộc khỏe như thế mà cũng bị đuối. Nguyên nhân vẫn do nhà vườn, rồi thương lái bắt cây cho trái liên tục nên cây bị khánh kiệt sức lực.

Ở đây, không chỉ cây xoài ở Tiền Giang kêu cứu, mà cây xoài ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng đang “la làng”, vì bị khai thác quá mức. Nhiều nhà vườn, thương lái xoài dùng thuốc kích thích “bắt cây phải đẻ trái” liên tục nên cây bị trơ cành, chết nhánh, còi cây do mất sức.

Như vườn xoài cát gần 1ha với mấy trăm gốc xoài của ông Tư Thum, ở ấp 1, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh. Do dùng thuốc kích thích bắt cây cho trái liên tục nên sau mấy năm vườn cây bị suy nhược, trơ cành, trụi lá. Vườn xoài cát mấy chục gốc của ông Sớt ở ấp 2 cũng thế.

Nghĩ mình có trình độ “kỹ sư nửa mùa” (có chút ít kiến thức về việc xử lý cho ra bông, ra trái đối với cây xoài), rồi cộng với vườn nhà nên ông mạnh tay “biểu diễn”: Bới gốc rải phân, rồi tỉa cành, cắt nhánh, rồi pha trộn nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (thuộc dạng “bí kiếp”) phun xịt nhiều lần lên cây, nhất là phun thuốc “đôla” để kích thích cây trổ bông…

Sau mấy năm, vườn xoài nhà ông giống như bị bệnh còi xương. Có cây lá vàng khè như bị bệnh gan, bông trổ nửa chừng rồi “ngủm”. Còn có cây lá cũng xanh, cũng trổ bông cho trái nhưng trái thu được như “đạn cu li”. Lúc đầu, mỗi năm vườn xoài ông Sớt bán cũng được vài chục triệu đồng, nhưng sau khi có bàn tay “kỹ sư nửa mùa” nhúng vào, tiền xoài thu vào không đủ mua sữa cho 3 con nhỏ của ông uống trong 2 tháng.

Hiện nay ở Cao Lãnh, dạng “kỹ sư nửa mùa” như ông Sớt không ít, ai cũng nghĩ mình có đủ trình độ để xử lý bắt cây xoài ra bông, cho trái như ý muốn, nhưng kết quả lại là một chuyện khác. Dù thực tế cũng có không ít “kỹ sư nửa mùa” thu lời cao, nhưng phần đông là lỗ lã, rơi vào cảnh nợ nần do “thất mùa, rớt giá”.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó Phòng NN- PTNT huyện Cao Lãnh, phần lớn các vườn xoài của huyện điều tươi tốt, nhưng nếu có vườn cây bị suy dinh dưỡng như thế là do chủ vườn không biết chăm sóc cho cây. “Cây thường cần nhiều phân bón hữu cơ, nhưng bà con thường có thói quen bón phân chuồng nên cây dễ bị suy kiệt”, ông Sơn cho biết.


Tăng Cường Kiểm Soát An Toàn Thực Phẩm Gạo Tăng Cường Kiểm Soát An Toàn Thực Phẩm… Bơ Được Mùa, Nhà Nông Thu Nhập Cao Bơ Được Mùa, Nhà Nông Thu Nhập Cao