Tin nông nghiệp Vươn lên từ mô hình nuôi gà nòi đẻ trứng

Vươn lên từ mô hình nuôi gà nòi đẻ trứng

Tác giả Kim Phụng, ngày đăng 11/10/2018

Vươn lên từ mô hình nuôi gà nòi đẻ trứng

Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Trôm giới thiệu và hỗ trợ, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và cải thiện cuộc sống một cách rõ rệt. Chị Võ Thị Ngọc Phượng, sinh năm 1976, ngụ ấp Giồng Chùa, xã Tân Lợi Thạnh là một điển hình.

Chị Võ Thị Ngọc Phượng thu gom trứng gà. Ảnh: Kim Phụng

Với mục đích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng trọt và chăn nuôi kết hợp, từ đó giúp gia đình từ một hộ khó khăn vươn lên khá giả.

Nắm vững kỹ thuật nuôi

Đầu năm 2017, xã Tân Lợi Thạnh thực hiện mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, khi xã triển khai chương trình, gia đình chị Phượng nhận thấy có điều kiện phát triển kinh tế nên đã mạnh dạn tham gia. Sau khi có nguồn vốn từ Dự án AMD hỗ trợ với số tiền 8,4 triệu đồng, kết hợp với hơn 5 công vườn dừa gia đình sẵn có, tạo bóng mát thích hợp cho việc nuôi gà nòi đẻ trứng nên chị quyết định đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi này. Để trang bị kiến thức, chị học hỏi từ các mô hình hiệu quả trước đó, từ sách vở, internet và thông qua các lớp tập huấn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với Dự án AMD tổ chức về cách xây dựng chuồng trại, cách lựa chọn giống và phòng bệnh cho gà.

Thời gian đầu, chị chỉ nuôi thử 150 con, con giống lấy từ giống gà địa phương trong xã. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, chị nhận thấy nuôi gà đẻ trứng rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đẻ đều. Chị tận dụng phân gà bón cho cây trồng. Đến nay, mỗi năm, chị bắt thêm từ 50 - 500 con gà theo phương thức gối vụ. Trong chuồng gà của chị lúc nào cũng có từ 200 - 500 con, hiện có khoảng 280 con đang cho trứng. Gà nòi từ 5 - 6 tháng tuổi là bắt đầu cho trứng. Trung bình mỗi ngày, chị thu 120 trứng gà. Hiện nay, trên thị trường, giá trứng gà nòi khoảng 85 ngàn đồng/chục, cao hơn 20 - 30 ngàn đồng so với trứng gà lai. Với trên 200 con gà cho trứng, trừ đi chi phí, mỗi năm chị lãi trên 60 triệu đồng.

Theo chị Phượng, việc nuôi gà nòi đẻ trứng có nhiều điểm tương đồng với nuôi gà truyền thống, chỉ cần chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật và tuân thủ cách vệ sinh, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh thì các lứa gà đều đẻ sai và ít bệnh. Với quỹ đất thuận lợi, chị thiết kế 2 dãy chuồng trại và lồng để nuôi gà. Chuồng được thiết kế sao cho thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Hiện chị có tổng cộng trên 150 lồng gà, mỗi lồng nuôi được từ 1 - 3 con gà, việc nuôi gà trong lồng giúp chị dễ chăm sóc cũng như phát hiện và theo dõi bệnh để điều trị cho gà thuận tiện hơn so với nuôi thả lang truyền thống. Gà con giống khi bắt về đã được tiêm ngừa đầy đủ, sau khi bắt về khoảng 10 ngày để gà con quen với thức ăn và môi trường mới thì bắt đầu xổ giun và tiêm ngừa lại các loại bệnh như tả, cúm, hội chứng giảm đẻ, tụ huyết trùng... Trong quá trình nuôi, gặp thời tiết lạnh gà hay mắc bệnh khò khè nên chị thường xuyên quan tâm theo dõi để chích thuốc kịp thời khi phát hiện gà xuất hiện dấu hiệu bệnh như bỏ ăn, tiêu phân lỏng, xanh...

Kết hợp chăn nuôi

Ngoài nuôi gà nòi đẻ trứng, chị Phượng duy trì nuôi khoảng 1.000 con gà ta thịt thả vườn từ năm 2008 đến nay. Chị cũng chăn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. Hiện chị có đàn heo trên 40 con. Ngoài ra, chị tận dụng phân gà ủ hoai để bón cho cây trồng mang lại hiệu quả kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi rất cao. Vào thời điểm gà và heo được giá, mỗi năm, chị thu nhập gần 200 triệu đồng từ mô hình kết hợp này.

Chị Võ Thị Ngọc Phượng chia sẻ: “Ban đầu tôi nuôi gà thịt. Năm vừa qua được Dự án AMD tài trợ nuôi gà đẻ được 150 con, tôi nuôi có lợi nhuận cao nên đầu tư phát triển thêm được 500 con. Con gà nòi đẻ sai, trứng có giá hơn con gà lai. Ban đầu lên lồng nuôi thì mình dễ theo dõi bệnh hơn, quan tâm gà dễ hơn thả lang. Đến nay, tôi cũng phát triển thêm chăn nuôi heo. Nhờ heo và gà đều có giá, tăng lợi nhuận nên cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn”.

Với vai trò đồng hành cùng hội viên trong việc phát triển kinh tế, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp nói chung, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lợi Thạnh nói riêng đã hỗ trợ nhiều chị em thoát nghèo bền vững, tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Chị Phan Thị Kim Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lợi Thạnh cho biết: “Hội tiếp tục vận động chị em hội viên có kế hoạch phát triển kinh tế trong gia đình. Hội hỗ trợ vốn cũng như hướng dẫn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hoặc Dự án AMD. Đồng thời cũng vận động thêm hộ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học về chăn nuôi và trồng trọt. Đối với các mô hình của những hộ này, hội sẽ vận động các chị thành lập tổ liên kết để tập hợp chị em lại, từ đó có định hướng cho chị em phát triển kinh tế bền vững”.

Với ý chí lao động, sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng, cộng thêm sự hỗ trợ kịp thời từ đoàn thể, những mô hình sản xuất như mô hình chăn nuôi của chị Phượng đang thực sự phát huy hiệu quả. Đây là một điển hình cần được nhân rộng, tạo sự lan tỏa để cùng địa phương giải quyết tốt công tác việc làm và giảm nghèo bền vững.


Các mô hình sả̉n xuất nông nghiệ̣p có hiệu quả Các mô hình sả̉n xuất nông nghiệ̣p có… Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 9 - 15/10) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong…