Mô hình kinh tế Xác Định Thủ Phạm Gây Hại Cao Su Lâm Đồng

Xác Định Thủ Phạm Gây Hại Cao Su Lâm Đồng

Ngày đăng 30/03/2013

Xác Định Thủ Phạm Gây Hại Cao Su Lâm Đồng

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng dự báo trong tháng 3/2013 với nhiệt độ ban ngày cao, ban đêm xuống thấp, ẩm độ cao... sẽ dễ xuất hiện bệnh rụng lá và bệnh phấn trắng trên hầu hết diện tích cao su của tỉnh Lâm Đồng và có nguy cơ phát triển thành dịch. “Thủ phạm” chính gây bệnh được xác định là do nấm Oidium Haver Hypomyces.

 
Theo thống kê mới nhất, hiện nay diện tích cao su trên toàn tỉnh Lâm Đồng đã lên đến 7.343 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh đã trồng 5.209 ha; còn lại phân bổ ở các huyện Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông. Hàng năm, bệnh phấn trắng và bệnh rụng lá đã gây hại trên 1.000 ha cao su của huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh; tỷ lệ gây hại trên 30%. 
Trong tháng 2/2013, bệnh phấn trắng và bệnh rụng lá đã gây hại trên diện tích 914,6ha cao su ở các địa bàn Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Qua triển khai các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, đến nay bệnh được khống chế và chỉ còn 387 ha với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 8,7 – 11,0%... Kỹ sư Nguyễn Văn Danh, Phó Phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết: Với bệnh phấn trắng gây hại cây cao su, Chi cục đã hướng dẫn người chủ vườn sử dụng các hoạt chất có tên cụ thể như Sulfur, Carbendazim, Hexaconazole... để hoà với nước bơm phun từ 1.200 – 1.600 lít/ha. Bơm phun trên lá 3 lần vào buổi sáng ít gió, mỗi lần cách nhau từ 7 - 10 ngày. Tương tự, với bệnh rụng lá trên cây cao su, Chi cục cũng đã hướng dẫn chủ vườn diệt trừ “thủ phạm” nấm gây hại bằng các loại thuốc hoà với nước bơm phun trên tán lá, chồi non như: Anvil 5SC, Saizole 5SC, Chevin 5SC... 
Kỹ sư Danh cho biết thêm, với những biện pháp sinh học đã và đang được Chi cục hướng dẫn, khuyến cáo rộng rãi cho người trồng cao su trong tỉnh áp dụng phòng chống hiệu quả bệnh phấn trắng như: Vệ sinh toàn bộ vườn cao su đã bị bệnh, thu gom các mặt lá, cuống lá, cành, chồi non... bị bệnh đã rụng dưới đất để tiêu huỷ; bón phân đủ lượng cho cây sinh trưởng, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại, khi vườn cây cao su khai thác mủ thì tăng cường lượng bón phân vào cuối mùa mưa; giữ mật độ cây trồng hợp lý, không để quá dày; tạm ngừng khai thác mủ cao su khi cây bị nhiễm bệnh... 
Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cũng vừa hoàn thành mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh héo đen đầu lá do “thủ phạm” nấm bệnh tên là Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Mô hình này được triển khai trên 2 ha cao su 4 năm tuổi tại huyện Đạ Huoai, mật độ trồng 512 cây/ha. Kết hợp việc bón phân với áp dụng các biện pháp sinh học như vệ sinh tiêu huỷ những cành lá, cỏ dại... bị nhiễm bệnh còn sót lại cách mỗi bên gốc cây 1,5 mét, Chi cục đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau để bơm phun trên lá 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Kết quả vườn mô hình đã giảm bệnh héo đen đầu lá cao su từ 5,6% đến 7,5%; trong khi vườn không xử lý các biện pháp phòng trừ, tỷ lệ bệnh héo đen đầu lá cao su đã tăng lên đến 15,2%... 
Với những kết quả xác định các “thủ phạm” nấm bệnh nói trên, ngay từ tháng 3/2013 này, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng khuyến nghị Trung tâm Nông nghiệp các huyện trong tỉnh Lâm Đồng phải củng cố lực lượng dự báo viên, phối hợp với Hội Nông dân cấp xã để kiểm tra, phát hiện, hướng dẫn cho nông dân áp dụng quy trình phòng chống bệnh phấn trắng, bệnh héo đen đầu lá trên cây cao su một cách kịp thời, đầy đủ, không để bệnh gây hại nặng sẽ rất khó khống chế. Nếu “thủ phạm” gây ra các bệnh này diễn biến nhiều chiều hướng phức tạp khác, cơ quan nông nghiệp từ cơ sở phải cấp báo ngay Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng để có hướng chỉ đạo nhanh chóng, góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu phát triển ổn định, bền vững 23.000 ha cây cao su trên địa bàn vào năm 2015.


Điều Ít Trái, Nông Dân Thấp Thỏm Ở Bình Thuận Điều Ít Trái, Nông Dân Thấp Thỏm Ở… Phấn Đấu Đạt Sản Lượng 4,4 Triệu Tấn Lúa Ở Kiên Giang Phấn Đấu Đạt Sản Lượng 4,4 Triệu Tấn…