Tin thủy sản Xâm nhập mặn: Có thể nuôi cá trắm đen không?

Xâm nhập mặn: Có thể nuôi cá trắm đen không?

Tác giả Kim Văn Vạn, Đoàn Thị Nhinh, Trịnh Thị Trang, ngày đăng 04/06/2020

Xâm nhập mặn: Có thể nuôi cá trắm đen không?

Xác định khả năng nuôi cá trắm đen trong môi trường nước lợ mặn, góp phần đa dạng đối tượng nuôi khi tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu và kéo dài.

Cá trắm đen. Ảnh: Hexion

Cá trắm đen Mylopharyngodon piceus (Richardson, 1846) là loài cá có giá trị kinh tế cao, thịt cá thơm ngon, là nguồn thực phẩm bổ dưỡng được người dân ưa chuộng.

Hiện nay, tại Việt Nam, cá trắm đen thường được nuôi ghép với một số đối tượng cá nước ngọt khác như mè, trắm cỏ, chép, trôi, rô phi, sử dụng nguồn ốc tự nhiên trong ao làm thức ăn. Gần đây mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn truyền thống là ốc, don, dắt đã được nuôi ở một số tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định tạo hướng phát triển mới cho loài cá này. Cá trắm đen cũng đã được nuôi theo mô hình bán thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp, đem lại hiệu quả cao (Kim Văn Vạn và cs., 2010). 

Để đa dạng hóa các loài nuôi nước mặn lợ, thay thế các đối tượng nuôi truyền thống, tạo thêm nhiều lựa chọn cho người nuôi thì cần thực hiện các nghiên cứu thuần hóa và thử nghiệm khả năng chịu mặn của các loài cá nước ngọt tiềm năng. Nhiều loài cá khác cùng trong họ cá Chép cũng đã được thử nghiệm khả năng chịu mặn như cá trắm cỏ, cá mè, cá trôi, cá diếc…

Ở Việt Nam, đã có một số loài cá nước ngọt được thuần hóa và nuôi trong môi trường nước mặn lợ; cá rô phi có thể nuôi trong môi trường độ mặn 30‰ (Lê Minh Toán và cs., 2012; Phạm Anh Vũ và Nguyễn Minh Thành, 2014). Cá Rô phi khi được nuôi trong nước mặn đã thể hiện nhiều đặc tính tốt như ít bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, vị đậm đà, màu sắc cá thương phẩm đẹp mắt và đã trở thành đối tượng nuôi ghép quan trọng trong các vùng nuôi ven biển. 

Từ nhu cầu thực tế đa dạng đối tượng nuôi để thích ứng với tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định khả năng chịu mặn, những biến đổi về tổ chức mô khi thuần hóa và khả năng sinh trưởng của cá trắm đen ở các độ mặn khác nhau.

Tìm hiểu khả năng chịu mặn của cá trắm đen

Thí nghiệm khả năng chịu mặn của cá KHÔNG qua thuần hóa 

Cá được thả trực tiếp từ nước ngọt vào trong các lô thí nghiệm với độ mặn khác nhau 0, 10, 13, 15, 17, 20‰. Cá thí nghiệm được bố trí trong các thùng nhựa 120 lít với số lượng 15 con/thùng. 

Thí nghiệm khả năng chịu mặn của cá THÔNG qua thuần hóa 

Thí nghiệm được thực hiện để xác định ngưỡng chịu mặn của cá  trắm đen giống thông qua thuần hóa ở các độ mặn 0; 10; 13; 15; 17; 20‰. Cá thí nghiệm bắt đầu được thả nuôi trong nước ngọt và độ mặn được điều chỉnh tăng dần nồng độ ở mức 3‰/2 ngày cho đến khi đạt tới các độ mặn thí nghiệm. 

Số lượng cá chết ở 2 nghiệm thức được ghi lại hàng giờ trong khoảng 12 giờ đầu và sau 12 giờ trong khoảng 84 giờ tiếp theo. Cá được cho ăn bằng thức ăn viên chứa 30% protein, mỗi ngày cho ăn 2 lần  vào lúc  (8h30 và 16h), tỷ lệ cho ăn là 3%/khối lượng thân.

Ảnh hưởng của độ mặn đến cá trắm đen.

Kết quả thí nghiệm 1 cho thấy trong điều kiện cá không được thuần hóa độ mặn thì cá sống 100% ở ngưỡng 13‰, trong khi đó cá chết 100% sau khoảng 102 giờ ở 15‰; sau 12 giờ ở 17‰ và sau 4 giờ ở 20‰. Tương tự, kết quả thí nghiệm 2 cho thấy trong điều kiện cá được thuần hóa độ mặn thì cá sống 100% cũng ở 13‰ và có hiện tượng chết nhanh ở các ngưỡng độ mặn cao hơn.

So sánh kết quả của hai thí nghiệm cho thấy cá có khả năng sống tốt trong môi trường có độ mặn 13‰, trong khi đó ở độ mặn 15‰ cá được thuần hóa sống lâu hơn cá không được thuần hóa, còn ở độ mặn từ 17‰ cá chết nhanh và không có sự khác biệt ở cả 2 điều kiện.

Độ mặn có ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của cá trắm đen. Ở trong nước ngọt, tốc độ tăng trưởng của cá  trắm đen  là  7,9a  ±  0,61 gam/con/tuần và có xu hướng giảm dần khi độ mặn tăng từ 10‰ (6,3b ± 0,95 gam/con/tuần) đến 13‰ (5,6c ± 1,12 gam/con/tuần). 

Qua kiểm tra mô học, không thấy có sự biến đổi về hình dạng cấu trúc mô mang và mô thận của cá ở các lô có độ mặn 0, 10, 13‰. Tuy nhiên, ở độ mặn 15‰, cá có hiện tượng mô mang bị co, mất nước và mô thận có các khoảng không bào do độ mặn môi trường vượt quá khả năng điều tiết.

Biến đổi mô mang cá trắm đen khi nuôi ở các độ mặn khác nhau.

Biến đổi mô thận cá trắm đen khi nuôi ở các độ mặn khác nhau.

Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin cơ sở góp phần vào nuôi cá trắm đen thương phẩm thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.


Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tuần hoàn - Phần 12 Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tuần hoàn… Khuyến cáo nuôi tôm trong điều kiện chuyển mùa Khuyến cáo nuôi tôm trong điều kiện chuyển…