Tin nông nghiệp Xây dựng chuỗi giá trị cà phê chè Khe Sanh

Xây dựng chuỗi giá trị cà phê chè Khe Sanh

Tác giả Công Điền - Tâm Phùng, ngày đăng 06/09/2021

Xây dựng chuỗi giá trị cà phê chè Khe Sanh

Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Sản phẩm cà phê Arabica được đánh giá có chất lượng thơm ngon, chinh phục được nhiều khách hàng Âu - Mỹ. Ảnh: Công Điền.

Thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh

Nằm trong khu vực có tiểu vùng khí hậu và các loại đất phù hợp để phát triển cây cà phê, từ lâu huyện Hướng Hóa đã thành công với cây loại cây trồng này. Thực hiện chủ trương nhân rộng của tỉnh Quảng Trị, vùng Bắc Hướng Hóa đã hình thành được vùng chuyên canh cà phê rộng lớn.

Sản phẩm cà phê Hướng Hóa đã trở thành đặc sản của tỉnh và mới đây, Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Sản phẩm cà phê chè (Arabica) Khe Sanh hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”. Để tạo điều kiện cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, Sở KH-CN Quảng Trị đang xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê “Khe Sanh”.

Cà phê có mặt ở vùng đất Hướng Hóa vào đầu thế kỷ XX, trong các đồn điền của người Pháp, chủ yếu trồng cà phê mít. Năm 1978, Nông trường Cà phê Khe Sanh trồng thử nghiệm nhiều giống cà phê. Qua quá trình chọn lọc tự nhiên, giống cà phê chè Arabica có đặc tính nổi trội về khả năng thích nghi với môi trường, chống chịu bệnh gỉ sắt, cho năng suất cao và tương đối ổn định, chất lượng tốt.

Từ đó đến nay, giống cà phê Arabica được tiếp tục mở rộng, hiện đạt 4.421 ha, trở thành giống cà phê cho sản phẩm nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới với thương hiệu cà phê Khe Sanh. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất, sản lượng cà phê tăng trưởng hằng năm, năm cao nhất đạt 6.865 tấn.

Xác định cây cà phê là cây chủ lực để thúc đẩy KT-XH địa phương, nhiều năm qua, huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh. Tuy nhiên đến nay, người tiêu dùng trong nước vẫn chưa biết nhiều đến sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Khe Sanh.

Sản phẩm cà phê Hướng Hóa đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa phát triển được thương hiệu sản phẩm cà phê Khe Sanh rộng rãi trong cả nước; thiếu tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; thị trường đầu ra chưa ổn định, công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển. Nông dân chưa áp dụng nhiều tiến bộ KH-KT vào sản xuất; chưa có hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm…

Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho cà phê 

Từ những lợi thế của cà phê vùng Hướng Hóa, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa là cần thiết. Cà phê vùng Hướng Hóa có chất lượng đặc trưng riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện sinh thái của khu vực sản xuất. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê vùng Hướng Hóa.

Để giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, UBND huyện Hướng Hóa và Sở KH-CN đã phối hợp đề xuất Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Khe Sanh, xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Trong 3 năm từ 2022 - 2024, dự án triển khai các nội dung để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý Khe Sanh cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa gắn với đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ.

Xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất của sản phẩm cà phê được bảo hộ. Xây dựng hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và hướng đến đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa. Quảng bá và phát triển chỉ dẫn địa lý Khe Sanh cho sản phẩm cà phê nhằm mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Bà Thái Thị Nga, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH-CN Quảng Trị) cho biết: Dự án sẽ thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến sản phẩm cà phê và vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Lấy ý kiến về nhu cầu đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Thống kê số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, phân tích chất lượng sản phẩm cà phê Hướng Hóa và các vùng lân cận, các điều kiện tự nhiên và con người liên quan đến tính đặc thù của sản phẩm cà phê Hướng Hóa. Xây dựng bản đồ vùng sản xuất cà phê đủ điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thiết kế biểu tượng địa danh gắn với chỉ dẫn địa lý, thiết kế hệ thống nhận diện chỉ dẫn địa lý. Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý...

Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, dự án tập trung đánh giá, kiện toàn mô hình tổ chức và các điều kiện phục vụ hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Khảo sát về nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý và kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý...

Dự án cũng xây dựng hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của huyện Hướng Hóa; quảng bá và thương mại hóa sản phẩm, nghiên cứu thị trường và xây dựng hệ thống phân phối cho sản phẩm...

Thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp hiện đại.

Dự án cũng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng và phát triển chuỗi giá trị liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với hợp tác xã và người dân.

Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị. Đồng thời phát triển du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp bền vững, tạo được những nét đặc sắc cho khách du lịch có thể trải nghiệm và học hỏi.

Khi thực hiện dự án thành công, sản phẩm cà phê Hướng Hóa được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh”, lúc đó sẽ phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; góp phần chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý; bảo tồn, duy trì và phát triển một sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất cà phê Hướng Hóa phát triển bền vững.


Khôi phục thể trạng cao to cho trâu ngố Khôi phục thể trạng cao to cho trâu… Vịt Cổ Lũng hút khách du lịch Vịt Cổ Lũng hút khách du lịch