Mô hình kinh tế Xây dựng mô hình canh tác lúa chịu ngập úng, nhiễm mặn ở huyện Phù Cát (Bình Định)

Xây dựng mô hình canh tác lúa chịu ngập úng, nhiễm mặn ở huyện Phù Cát (Bình Định)

Ngày đăng 21/04/2015

Xây dựng mô hình canh tác lúa chịu ngập úng, nhiễm mặn ở huyện Phù Cát (Bình Định)

Sáng 19.4, tại hội thảo đầu bờ của mô hình được tổ chức tại xã Cát Tiến cho thấy, mô hình đã cho kết quả khả quan.

Đây là mô hình thâm canh lúa trong khuôn khổ dự án “Chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn cho cộng đồng, nhằm duy trì sản xuất lúa hiệu quả, hạn chế tình trạng hoang hóa đất trồng lúa trong điều kiện nhiễm mặn gia tăng vì nước biển xâm nhập sâu do tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ven đê Đông tỉnh Bình Định” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định chủ trì.

Mô hình được xây dựng tại thôn Phú Hậu (xã Cát Tiến) và thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh), với tổng diện tích 10 ha. Có 5 giống lúa có khả năng thích nghi với điều kiện ngập úng, nhiễm mặn, lại chịu thâm canh được đưa vào trình diễn gồm giống ĐV108 và 4 giống OM. Ngoài việc đưa vào áp dụng giống mới thích nghi với đặc thù của vùng thường xuyên bị ngập úng do triều cường, dẫn đến nhiễm phèn mặn, dự án còn cử các chuyên gia tập huấn kỹ thuật và quy trình canh tác phù hợp cho bà con nông dân.

Bà Võ Thị Nhơn - một trong 45 hộ dân tham gia dự án ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh - cho biết: “Vụ Đông - Xuân này, tôi làm 4 sào giống mới do dự án đưa về. Với việc sản xuất có nhiều khác biệt so trước giờ, đó là giống sạ với mật độ thưa, bón phân theo quy trình hạn chế được sâu bệnh nên năng suất đạt cao hơn. Mặt khác, bà con được lựa chọn giống mới phù hợp với chân đất sau vụ trồng”.

Vụ lúa này, xã Cát Tiến cũng có 43 hộ dân ở thôn Phú Hậu canh tác các giống lúa mới trên diện tích 5 ha bị úng ngập và nhiễm mặn. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, làm một thống kê đối chứng: Vùng này ngập nặng nên hễ mưa xuống là cả vùng bị nhiễm phèn và mặn, ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp.

Từ vụ Đông - Xuân năm nay, áp dụng giống lúa mới và quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp nên năng suất mang lại rất khá, bình quân đạt 80 tạ/ha, cao hơn so với trước đây chỉ khoảng 70 - 75 tạ/ha.

Kết quả đánh giá của nhóm chuyên gia dự án tại hội thảo đầu bờ sáng 19.4 khẳng định, giống lúa ĐV108 thích nghi với vùng trũng thấp, nhiễm phèn mặn, sinh trưởng tốt, năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Theo đó, ruộng trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt hơn, cây cứng khỏe và ít sâu bệnh hơn ruộng ngoài mô hình; năng suất trung bình đạt được trong mô hình là 80,9 tạ/ha, cao hơn 3,8 tạ/ha so với ruộng đối chứng. Về hiệu quả kinh tế, giá thành sản xuất 1 kg lúa của ruộng mô hình ĐV108 là 2.204 đồng, thấp hơn 229 đồng so với ruộng đối chứng; lợi nhuận đạt hơn 30 triệu đồng/ha, cao hơn 3,1 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Ông Phan Sĩ Hùng, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết việc triển khai mô hình để chọn ra các giống mới thích nghi và biện pháp canh tác thích hợp rất cần thiết để người dân các xã vùng ven đê Đông ứng phó với tình trạng ngập úng và nhiễm phèn mặn do biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài giống lúa ĐV108, quá trình canh tác của 88 hộ dân cho thấy, còn có một số giống lúa mới thích nghi, có thể đưa vào sản xuất như VN121 và OM4900.

Ngoài việc chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn cho cộng đồng nhằm duy trì sản xuất lúa hiệu quả, dự án còn triển khai mô hình lựa chọn giống cộng đồng. Nông dân được quyền lựa chọn các giống lúa trong 5 giống lúa triển vọng được dự án giới thiệu trình diễn theo “ý thích” dựa trên các tiêu chí: khả năng thích nghi đồng ruộng, phù hợp trình độ canh tác và được thị trường chấp nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (Sở NN&PTNT), nhấn mạnh: “Ðây là cách làm cần được phát huy, bởi nông dân mới chính là những người trực tiếp phát triển các giống mới trên đồng ruộng. Ngoài giống ÐV108 tiếp tục được bà con “gửi gắm” qua lá phiếu bình chọn, chúng tôi sẽ đề xuất với Sở NN&PTNT phát triển các giống lúa cũng được “ưa chuộng” để đa dạng giống theo hướng thâm canh và chất lượng cao cho vùng ven đê Ðông”.


Hái ra tiền nhờ nuôi bồ câu Hái ra tiền nhờ nuôi bồ câu Giống bí Hàn Quốc cho thu lãi 10 triệu đồng/sào Giống bí Hàn Quốc cho thu lãi 10…