Mô hình kinh tế Xây Dựng Mô Hình Canh Tác Lúa Giảm Phát Thải Khí Nhà Kính

Xây Dựng Mô Hình Canh Tác Lúa Giảm Phát Thải Khí Nhà Kính

Ngày đăng 21/08/2013

Xây Dựng Mô Hình Canh Tác Lúa Giảm Phát Thải Khí Nhà Kính

Ngày 19/8, Trường Đại học Thủy Lợi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.

Hội thảo đã thu hút các giáo sư, tiến sĩ đến từ các Trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội; Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh; cán bộ nông nghiệp và nông dân trong tỉnh tham gia.

Bên cạnh đánh giá lại ảnh hưởng của mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước; Hội thảo còn nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cán bộ nông nghiệp và nông dân tham quan mô hình thực tế, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật tưới tiết kiệm nước.

Ngoài ra, bà con và cán bộ nông nghiệp địa phương cũng được nghe các chuyên gia đến từ các trường đại học thuyết trình về các chuyên đề biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, giải pháp ứng phó; ảnh hưởng biện pháp canh tác đến tính chất và độ phì nhiêu của đất cũng như kết quả nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật tưới lúa tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính.

Tại hội thảo, các đại biểu còn được tham quan “Mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước” do Trường Đại học Thủy Lợi thực hiện tại Trại Giống cây trồng huyện Long Phú với diện tích 1,5 ha. Đây cũng là một trong hai mô hình về xây dựng canh tác lúa giảm khí thải nhà kính được thực hiện tại Sóc Trăng; mô hình thứ hai được thực hiện tại huyện Ngã Năm với diện tích 2 ha.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh (Trường Đại học Thủy Lợi) cho biết, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là biện pháp quản lý nước mặt ruộng hợp lý để giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nước. Vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước đã và đang nóng lên. Ở Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính khu vực nông nghiệp chiếm hơn 43% tổng lượng phát thải khí nhà kính, trong đó khu vực trồng lúa có nguồn phát thải lớn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ngập nước liên tục trên ruộng và bón phân hữu cơ làm tăng phát thải lượng Mêtan (CH4). Việc đánh giá và ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có tính khả thi cao, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam.


Lãi Cao Nhờ Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng Lãi Cao Nhờ Trồng Dưa… Doanh Nghiệp Nước Ngoài Chiếm Lĩnh Chăn Nuôi Doanh Nghiệp Nước Ngoài Chiếm…