Xây Dựng Mô Hình Nuôi Thủy Sản Thâm Canh Ứng Dụng Công Nghệ Cao
Sau 5 năm triển khai chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tính đến nay ngành thủy sản Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả.
Cụ thể, hiện nay tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 30.840 ha (trong đó ao, hồ nhỏ là 6.706 ha, hồ chứa mặt nước lớn là 4.327 ha, ruộng trũng 19.807 ha…), ngoài ra còn một số con sông lớn như: sông Hồng, sông Bùi, sông Tích, sông Đáy… có khả năng phát triển nuôi cá lồng bè.
Trong Quy hoạch phát triển thủy sản TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, đã xác định vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và bước đầu đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của Trung tâm giống Thủy sản và một số cơ sở sản xuất giống, chất lượng con giống cũng từng bước được nâng cao.
Diện tích, sản lượng, năng suất nuôi trồng thủy sản liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2009, diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn thành phố chỉ đạt 19.519 ha thì đến năm 2014 diện tích đã đạt 20.838 ha, tăng 6,75% so với năm 2009, trong đó: diện tích nuôi tập trung có điều kiện nuôi thâm canh là 9.805 ha; diện tích hồ lớn là 4.327 ha chủ yếu khai thác thủy lợi và du lịch, diện tích ao hồ nhỏ là 6.706 ha nuôi tận dụng, nguồn nước ô nhiễm.
Về sản lượng, năm 2014 ước tính đạt 80.000 tấn; tăng 92,84% so với năm 2009. Sản lượng đó cung cấp khoảng 37% nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của người dân thành phố.
Ngoài ra, đối tượng nuôi và hình thức nuôi cũng đa dạng hơn. Đã có nhiều mô hình nuôi thương phẩm với đối tượng mới có hiệu quả cao như: trắm đen, rô phi đơn tính, rô đầu vuông, chép lai… Vấn đề môi trường và bệnh thủy sản trên cá nuôi bước đầu đã được kiểm soát, từ đó tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất. Và công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động chuyên môn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, do giống sản xuất chủ yếu là giống thủy sản truyền thống, số lượng đáp ứng 80 - 85%, giống thủy sản chất lượng nuôi đạt năng suất cao chủ yếu được nhập về nuôi nên thành phố không chủ động được về nguồn giống. Sản phẩm không tập trung, một số đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao còn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu nuôi thả. Bên cạnh đó, diện tích nuôi thủy sản thâm canh chiếm tỷ lệ thấp, năng suất nuôi bình quân thấp; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ về hệ thống giao thông, thủy lợi…
Vì vậy, theo ông Tạ Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hà Nội, để khắc phục những tồn tại này, ngành thủy sản Hà Nội cần phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có và cần thực hiện tốt việc nâng cao năng lực của Chi cục thủy sản. Tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, xây dựng mô hình nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt sản lượng, chất lượng cao; cung cấp đủ giống thủy sản đảm bảo chất lượng cho các vùng nuôi trên địa bàn thành phố và tỉnh lân cận nâng cao năng suất, sản lượng.
Hỗ trợ xây dựng, hình thành các vùng nuôi tập trung quy mô lớn trong việc xây dựng mô hình phát triển sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như hiệu quả kinh tế cao; Khuyến khích các doanh nghiệp trong công tác tiêu thụ, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản nước ngọt khi đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội. Cùng với đó, phải tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm dịch con giống để loại trừ những đàn giống mang mầm bệnh và chất lượng kém; đẩy mạnh công tác tập huấn nuôi trồng thủy sản đảm bảo tiêu chuẩn VIETGAP và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nguồn bài viết: http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Xay-dung-mo-hinh-nuoi-thuy-san-tham-canh-ung-dung-cong-nghe-cao/201412/12403.vgp
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao