Xây dựng nông thôn mới vì sự phát triển của Sơn La
Trang Trại Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Lò Mai Kiên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về nội dung này.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM, xin ông chia sẻ một vài đánh giá về những chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực Tam nông của tỉnh Sơn La?
- Sơn La là một tỉnh miền núi có nhiều khó khăn. Bởi vậy tam nông ở Sơn La cũng có những đặc trưng. Thực hiện chương trình XDNTM đã mang đến cho tam nông nhiều kết quả đáng mừng. Nổi bật có thể kể tới: Trong tổng số 188 xã tham gia XDNTM của tỉnh Sơn La, hiện đã có một số xã sắp sửa cán đích NTM như: Chiềng Xôm (TP.Sơn La), Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai), Chiềng Ban (huyện Mai Sơn).
Ngoài ra, từ xuất phát điểm rất thấp so với bộ tiêu chí về NTM, khi bắt tay thực hiện chương trình qua rà soát, Sơn La mới đạt bình quân 1,62 tiêu chí/xã, đến nay đã đạt mức bình quân 6,2 tiêu chí/xã.
Trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những mũi nhọn hàng hóa đa dạng và bền vững, liên tục phát triển: Diện tích cây chè là 4.013ha; cà phê là 10.915ha; cao su là 6.577ha; mía là 5.213ha. Tổng đàn trâu, bò đã có hơn 367.000 con, lớn nhất trong các tỉnh Tây Bắc. Đàn lợn trên 516.000 con, gia cầm đạt gần 5,4 triệu con; thủy sản phát triển trên cả hai mặt: Chăn nuôi và khai thác. Tỷ lệ che phủ của rừng đã đạt 46%...
Quan trọng và thiết thực nhất là hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư ngày càng hoàn thiện ở khắp các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tạo đà thuận lợi cho sự tiến bộ đều khắp. Thu nhập của người dân cũng ổn định và tăng cao, hiện đã đạt mức bình quân 14 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 27%. Văn hóa xã hội phát triển không ngừng…
Với các kết quả đạt được ấy, không chỉ thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn Sơn La mà điều có ý nghĩa nhất là tư duy, nhận thức của người nông dân được nâng lên rất cao; tinh thần đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc; lòng tin của người dân với Đảng, với Nhà nước tăng lên rất nhiều…
Theo ông, những khó khăn nào cần tháo gỡ để Sơn La tiếp tục thực hiện thành công chương trình?
- Như tôi đã nói, Sơn La là một tỉnh miền núi nhiều khó khăn, luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cả nước. Để chương trình NTM đạt kết quả cao hơn, Sơn La cần được sự quan tâm hơn nữa của Trung ương, Chính phủ, nhất là trong việc có những ưu đãi đặc thù về cơ chế vốn. Việc huy động sức dân ở Sơn La tuy đã làm rất tốt nhưng do sức dân có hạn và việc huy động được hình thành trên cơ sở tự nguyện nên nguồn huy động cũng hạn chế.
Trong điều kiện địa bàn một xã của Sơn La rộng (bình quân là 7.300ha/xã), địa hình khó khăn, giao thông và các yếu tố hạ tầng cơ sở chưa phát triển đúng tầm nên mức đầu tư cho một công trình, dự án luôn cao hơn những địa bàn khác.
Do vậy, cần có một cơ chế riêng biệt cho định mức đầu tư ở những địa bàn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Quyết định 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa quan tâm đúng mức đến việc hỗ trợ các xã khó khăn nhưng ngoài địa bàn hưởng chính sách 30a nên việc ưu tiên nguồn vốn cũng hạn chế.
Chương trình XDNTM là chương trình lớn, toàn diện các mặt của xã hội nông thôn, trong khi hành lang pháp lý và cơ chế quản lý đang trong giai đoạn hoàn thiện, xin ông cho biết tỉnh Sơn La đã có những nỗ lực như thế nào nhằm xây dựng và đề xuất các cơ chế, giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh?
- Quả đúng như vậy. Trong quá trình thực hiện NTM, tỉnh Sơn La vừa thực hiện việc nắm bắt thông tin chỉ đạo từ trên, vừa tuyên truyền, triển khai thực hiện trên địa bàn đồng thời có những đề xuất, kiến nghị nhằm bổ sung những hạn chế, bất cập của chính sách chưa hoàn thiện.
Một ví dụ nhỏ như trong tiêu chí về nhà ở của dân thế nào là nhà kiên cố, vững chắc? Vậy nhà sàn có phải là nhà kiên cố, có được công nhận là phù hợp với tiêu chí không thì chúng tôi cũng phải tham mưu lại với Trung ương để có tiếng nói thống nhất.
Hoặc như với miền núi, các tỉnh khó khăn thì tiêu chí về đào tạo cán bộ, tỷ lệ người dân mua bảo hiểm y tế, tỷ lệ nông dân được chuyển đổi ngành nghề - ly nông nhưng không ly hương, và nhiều tiêu chí khác, mục tiêu khác cũng được tham mưu, phản biện để đi tới hoàn thiện.
Là tỉnh miền núi, nguồn lực còn hạn chế, trong khi XDNTM đòi hỏi nguồn vốn lớn, để tháo gỡ khó khăn này tỉnh Sơn La đã có cơ chế, chính sách nào để huy động nguồn lực và phát huy vai trò của nông dân?
- Là tỉnh nghèo nên vốn đầu tư cho NTM luôn là thách thức với Sơn La. Để tháo gỡ khó khăn đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp, các ngành ở Sơn La phải vào cuộc một cách quyết liệt. Trước hết là làm tốt công tác rà soát, đánh giá, lập quy hoạch NTM thật chuẩn để từ có có kết quả đánh giá xác thực, làm cơ sở xây dựng tiến độ thực hiện các mục tiêu cũng như tham mưu với cấp trên những đề xuất hỗ trợ về vốn.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ rất lớn của Trung ương thì Sơn La cũng có những giải pháp để huy động nguồn nội lực, thu hút đầu tư từ các tổ chức kinh tế, xã hội, các danh nghiệp, doanh nhân và sự đóng góp tự nguyện của người dân.
Quá trình thu hút đầu tư ở Sơn La đã có sức thuyết phục mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng không nhỏ tới tam nông Sơn La trong chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, tạo sức sản xuất hàng hóa. Tại huyện Phù Yên, chúng tôi đã tạo việc làm mới với thu nhập khá cao và ổn định cho gần 2.000 lao động trong các doanh nghiệp: Giày da, gạch tuynel; Tại nhiều huyện khác, hàng ngàn lao động cũng thành công nhân của Công ty cổ phần Cao su Sơn La, mía đường, chè, bò sữa…
Khi tham gia xây dựng NTM, qua các lớp tập huấn, tuyên truyền, nông dân Sơn La đã ý thức được làm NTM là làm cho chính họ, nên có sự tham gia rất hăng hái. Trong 3 năm vừa qua, nông dân đã tự nguyện đóng góp hàng trăm ngàn ngày công lao động; nhiều ha đất đất ở, đất sản xuất được đóng góp để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, sân thể thao…
Có những hộ tự nguyện đóng góp tới vài ba chục triệu đồng tiền mặt hay cả trăm m3 cát, trị giá hàng chục triệu đồng để làm đường giao thông như ở xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã), Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu)…
Sự đóng góp của người dân trên cơ sở tự nguyện nhưng không hề nhỏ. Trong bốn năm qua, toàn tỉnh đã dồn lực đầu tư cho tam nông với tổng số vốn lên tới hơn 32.721 tỷ đồng thì nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp đã đạt 7.475 tỷ; vốn dân góp là gần 600 tỷ đồng. Huy động tổng các nguồn vốn, lồng ghép kịp thời các nguồn vốn vẫn là giải pháp luôn được tỉnh Sơn La vận dụng sáng tạo trong thời gian qua.
Khi XDNTM, đã tạo nên bước chuyển biến về nhận thức của cán bộ địa phương và người dân, chủ động tham gia bằng việc góp công, góp kinh phí. Tỉnh Sơn La đã có những chính sách gì thiết thực để hỗ trợ, động viên khen thưởng các đơn vị và cá nhân làm tốt để nhân rộng phong trào trên toàn tỉnh?
- Trong xây dựng NTM, tỉnh Sơn La rất coi trọng công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên, khích lệ kịp thời với các tổ chức cá nhân có nhiều đóng góp. Ở lĩnh vực này, chúng tôi vận dụng việc thi đua, khen thưởng cho phù hợp hơn, linh hoạt hơn, sát thực hơn bằng việc tạo nhiều đợt thi đua ngắn, nội dung đơn giản và sát thực, gắn thi đua xây dựng NTM với tiêu chí thi đua của các cấp, các ngành, các đoàn thể.
Ví dụ như trong phong trào làm đường giao thông nông thôn thì phát động làm nhiều đợt thi đua nhỏ, có đánh giá, bình xét, biểu dương, khen thưởng kịp thời nên sớm rút ra bài học kinh nghiệm cũng như khích lệ và nhân rộng điển hình tốt hơn. Các tổ chức đoàn thể cũng lấy NTM để thành một tiêu chí thi đua: Hội Nông dân, Phụ Nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh…
Trên cơ sở những bình xét, đánh giá ấy, việc bình xét thi đua hàng năm càng trở nên sát thực hơn, hiệu quả hơn, khích lệ tốt hơn, cổ vũ tốt hơn với phong trào thi đua yêu nước.
Xây dựng nông thôn mới xác định chủ thể chính là nông dân và cộng đồng dân cư sống ở khu vực nông thôn, tỉnh Sơn La đã có những giải pháp gì đề tạo điều kiện cho người dân phát huy vai trò trong chương trình XDNTM?
- Nông dân – nông nghiệp – nông thôn vừa là mục tiêu, vừa là động lực để xây dựng NTM, vì thế chúng tôi luôn có những giải pháp thiết thực để tạo điều kiện cho người nông dân phát huy vai trò của mình.
Trước hết, chúng tôi đã thành lập được hệ thống Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện, xã, bản với hơn 25.400 cán bộ tham gia (kiêm nhiệm).
Hệ thống cán bộ đó là cầu nối thông suốt về nhận thức, hành động và phản ánh, kiến nghị của người dân, của thực tiễn cơ sở.
Tiếp đó, tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình; công tác tuyên truyền, vận động được triển khai tích cực, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức.
Công tác đào tạo, tập huấn được quan tâm, trong 4 năm (2011-2014) chúng tôi đã tập huấn được 12.440 lượt cán bộ và hàng trăm buổi họp bản, họp dân về NTM để mọi người đều dễ nắm bắt những yêu cầu, những kiến thức về xây dựng NTM. T
ừ đó, các địa phương đã có những tham mưu, phản biện, đề xuất, kiến nghị cũng như việc triển khai, hiệu quả hơn, chính xác hơn ngay từ cơ sở.
Khi người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của NTM là vì dân thì sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân lập tức quay trở lại thành động lực cho NTM.
Những người có điều kiện thì tham gia đóng góp tiền, của, vật chất, phương tiện, ngày công; người có kinh nghiệm, có tri thức thì đóng góp sáng kiến, trí tuệ vào quá trình thực hiện.
Người già yếu, hoàn cảnh có khăn thì cũng có thể tham gia trên những lĩnh vực khác: Dạy bảo con cháu, hướng dẫn, tuyên truyền lẫn nhau; tham gia những việc nhẹ như vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà cửa…
Nói tóm lại, NTM cần có sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, mọi người với nhiều mức độ tự nguyện khác nhau. NTM là vì sự tiến bộ của người dân Sơn La và luôn được người dân Sơn La chung sức xây dựng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành những mục tiêu về NTM vì sự vững mạnh, giàu đẹp của Sơn La.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ