Mô hình kinh tế Xây Dựng Thành Công Mô Hình Nuôi Cua Thương Phẩm

Xây Dựng Thành Công Mô Hình Nuôi Cua Thương Phẩm

Ngày đăng 15/03/2014

Xây Dựng Thành Công Mô Hình Nuôi Cua Thương Phẩm

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Trạm Khuyến nông Diễn Châu xây dựng "Mô hình nuôi cua thương phẩm" tại hộ ông Trần Lộc, xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, với quy mô diện tích mặt nước ao 0,5 ha, thả 5.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 40 con/kg.

Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cua đạt 60%, cỡ cua đạt 0,2 - 0,3 kg/con, cho tổng sản lượng cua thương phẩm là 750 kg, giá bán tại ao 320.000 đồng/kg, gia đình anh đã thu về khoảng 240 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí gồm mua cua giống (5000 con x 8.000 đồng/con = 40 triệu đồng), cá tạp làm thức ăn cho cua (3.700 kg x 5.000 đồng/kg = 18,5 triệu đồng), chi khác (5 triệu đồng), gia đình ông Trần Lộc đã thu lãi ròng khoảng 179 triệu đồng.

Đầu tháng 7 vừa qua, TTKNQG do TS. Phan Huy Thông – Giám đốc TT đã đến thăm và kiểm tra mô hình. Chia sẻ kết quả đạt được với đoàn kiểm tra, ông Lộc nói: Có được thành quả này là nhờ trong suốt quá trình nuôi, ông luôn tuân thủ đúng quy trình nuôi do cán bộ khuyến nông hướng dẫn.

Ngay từ khâu cải tạo ao, ông tiến hành tháo cạn nước ao, dọn sạch cỏ rác ở ao và ven bờ, tu sửa lại bờ, cống ao, đăng chắn; vét bùn và để lại lớp bùn đáy từ 20 - 30 cm; dùng vôi bột rải đều đáy ao với lượng 5 - 10 kg/100 m2 để tẩy ao, khử trùng, diệt tạp. Sau khi rải vôi dùng trang đảo lộn vôi với bùn đáy. Phơi đáy ao 5 - 7 ngày (tùy thuộc chất đáy mà phơi nhiều hay ít). Tiến hành thả chà tạo nơi trú ẩn cho cua như bần, đước… được phơi khô và dìm xuống nước.

Lấy nước vào ao nuôi thông qua lưới lọc, mức nước 0,6 - 0,8m, sau đó tiến hành gây màu nước bằng phân Ure với lượng 2 kg/1.000 m2, NPK (20:20:0) 2 kg/1.000 m2 ( nên gây màu vào lúc 9 -10h khi thời tiết nắng ráo).

Bên cạnh đó, khâu chọn và thả giống cũng được ông rất quan tâm. Theo ông Lộc thành công hay thất bại quyết định rất nhiều ở khâu này, nên thả cua giống khoảng tháng 3 - 4 dương lịch là tốt nhất vì lúc này nguồn giống tự nhiên nhiều, điều kiện môi trường nước tương đối thuận lợi cho nuôi cua. Phải chọn cua giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị nhiễm bệnh, có đủ các phụ bộ.

Tùy theo kích cỡ cua giống mà định ra mật độ thả cho phù hợp. Theo ông, cua giống càng nhỏ thì mật độ thả càng cao: cỡ cua giống 50 - 100 con/kg thì thả từ 3 - 5 con/kg, cỡ 40 con/kg thì chỉ thả từ 1 - 2 con/m2 là vừa. Những vùng như tỉnh Nghệ An và các tỉnh phí Bắc có mùa lạnh thì nên thả cỡ lớn để có thể rút ngắn thời gian nuôi.

Trước khi thả giống cần kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp (độ mặn từ 10 - 25 phần ngàn, pH nước từ 7,5 - 8,5…), thả cua lúc trời mát và nên thả trên bãi để cua tự bò xuống nước, thả đều khắp ao.

Về chăm sóc và quản lý, ông Lộc cho cua ăn gồm: cá tạp, tôm còng, nhuyễn thể, ... Khẩu phần cho ăn khoảng 4 - 6% trọng lượng cua và được chia làm hai lần trong ngày (sáng sớm và chiều mát, thời điểm thích hợp nhất là cho cua ăn lúc nước lớn và lượng thức ăn buổi chiều bằng 70% lượng thức ăn trong ngày).

Thức ăn được rải đều xung quanh ao để cua khỏi tranh nhau. Dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của cua. Sau 2 - 3h kiểm tra sàng ăn, nếu cua đã ăn hết thức ăn trong sàng thì có thể tăng lượng thức ăn 20 - 30% so với lượng thức ăn trong ngày, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn xuống 50%.

Ngoài ra, nên thay nước hàng ngày khoảng 20 - 30% để giữ môi trường trong sạch (khoảng 1 tuần thì tiến hành thay toàn bộ nước 1 lần và vào giai đoạn cuối vụ nuôi thì thay nước thường xuyên). Định kỳ 15 ngày bón vôi CaCO3 nhằm ổn định các yếu tố môi trường giúp cho cua sau khi lột xác nhanh cứng vỏ; thường xuyên kiểm tra xung quanh bờ, cống, lưới chắn tránh thất thoát cua.

Trong thời gian nuôi khoảng 2 tuần/lần bắt cua cân đo để xem sinh trưởng của cua, nếu có hiên tượng bị bệnh thì có biện pháp xử lý kịp thời. Với những kinh nghiệm rút ra từ thành công của mô hình, ông Lộc cho biết sẽ tiếp tục nuôi cua trong những năm tiếp theo.

Cua biển là một trong những đối tượng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao bởi chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đối tượng này đang được xem là đối tượng nuôi xoá đói giảm nghèo của bà con ngư dân vùng biển, nhất là những vùng nuôi tôm đã bị dịch bệnh nhiều năm hoặc những vùng nuôi tôm kém hiệu quả.

Thành công bước đầu của mô hình nuôi cua thương phẩm tại Diễn Châu, đã góp phần mở ra hướng làm kinh tế mới, ổn định thu nhập cho bà con nơi đây.


Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Tốc Độ Tăng Trưởng Nông Lâm Ngư Nghiệp Có Xu Hướng Chậm Lại Tốc Độ Tăng Trưởng Nông Lâm Ngư Nghiệp…