Xây dựng thương hiệu cho rau an toàn Láng Cát
Bà Đinh Thị Duyên (tổ 16, ấp Láng Cát) nhặt cỏ trong các luống rau xà lách.
2 giờ chiều, trời còn nắng gắt, bà Nguyễn Thị Chiên (tổ 15, ấp Láng Cát) đã đội nón ra vườn, tất bật thu hoạch 3 luống hành lá, chuẩn bị giao hàng cho khách.
Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, những bó hành sạch sẽ, được xếp cẩn thận vào một góc nhà.
Bà Chiên cho biết, gia đình bà gắn bó với nghề trồng rau hơn 10 năm nay.
Với 5.000m2 đất trồng các loại rau ăn lá như: cải xanh, cải ngọt, xà lách, hành lá… trung bình mỗi tháng, bà xuất bán hơn 4 tấn rau.
Sau khi trừ chi phí, bà Chiên thu lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Cách đó chừng 300m, những luống xà lách của gia đình bà Đinh Thị Duyên (tổ 16, ấp Láng Cát) đang lên xanh tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.
Bà Duyên cho biết, gia đình bà có 5.000m2 đất, hiện đang trồng xà lách, tía tô, húng quế...
Sau khi thu hoạch số rau này, bà sẽ chuyển sang trồng súp lơ, su hào… để bán vào dịp Tết năm nay.
“Tham gia vào Tổ sản xuất rau an toàn Láng Cát, tôi được hướng dẫn cách trồng trọt khoa học nên thời gian cho thu hoạch được rút ngắn còn 25 ngày/lứa, giảm 5 - 7 ngày so với trước đây.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tôi chỉ phun thuốc diệt cỏ sau khi đã thu hoạch.
Trong quá trình chăm sóc, cỏ phát sinh sẽ được gom lại thành đống, ủ làm phân bón, giúp tiết kiệm một phần chi phí đầu tư.
Sản lượng rau của gia đình tôi cũng tăng từ 10 - 15%/lứa so với trước đây”, bà Duyên cho biết.
Tổ sản xuất rau an toàn Láng Cát được thành lập vào tháng 3-2008, gồm 29 hộ, trồng các loại rau ăn lá như cải ngọt, cải xanh, xà lách, hành lá, tía tô… trên diện tích 16ha.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn Láng Cát, khi mới đi vào hoạt động, Tổ đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Điền Trang (huyện Châu Đức) và Công ty TNHH sản xuất Hải Vương (huyện Tân Thành) cung cấp phân bón cho các hộ dân với giá thấp hơn so với các đại lý bán lẻ khoảng 40.000 - 50.000 đồng/bao 50kg.
Ngoài ra, hai công ty này còn hỗ trợ các hộ có vốn ít được mua phân bón trả chậm trong thời gian từ 1 - 2 tháng.
Hàng năm, các hộ trong Tổ sản xuất còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh tổ chức.
Ông Hưng cho biết, tham gia vào Tổ sản xuất, các hộ dân phải tuân thủ các bước trồng và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho rau theo quy trình “4 đúng”: đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời gian cách ly.
Theo đó, các hộ dân không được trồng rau trên vùng đất ô nhiễm, không dùng phân tươi, thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao, không dùng phân đạm trong vòng 10-15 ngày trước khi thu hoạch.
Ngoài ra, đất trồng rau phải được kiểm định kỹ, không nhiễm chì, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, hạt giống trước khi gieo được xử lý hóa chất hoặc nhiệt để diệt nguồn sâu bệnh…
Hiện nay, Tổ sản xuất rau an toàn Láng Cát có 13/29 hộ được cấp giấy chứng nhận “Cơ sở sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP” và 9/29 hộ đang tham gia vào “Chuỗi cung ứng rau đạt chuẩn an toàn thực phẩm”.
Tuy nhiên, rau của các hộ dân trong Tổ mới chỉ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh như chợ Hóc Môn, Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), chợ Bà Tô (Xuyên Mộc), Vũng Tàu, Bà Rịa… với sản lượng từ 20 - 25 tấn/ngày.
“Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho bà con, liên kết đưa rau vào bếp ăn tập thể tại các công ty, xí nghiệp, trường học… trên địa bàn tỉnh để xây dựng thương hiệu cho rau an toàn Láng Cát”, ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn Láng Cát nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ