Xây dựng thương hiệu gạo, hướng đến xuất khẩu
Từ quyết tâm của Chính phủ…
Cụ thể, giá chào bán loại gạo 5% tấm hiện chỉ còn 345 - 355 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 325 - 335 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng 6. Đối với gạo 25% tấm, giá chào bán đang thấp hơn giá sàn, mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quy định đến 15 USD/tấn. Trước thực tế này, ngày 21-5-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Đến năm 2030, cả nước phải xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả. Gạo Việt Nam sẽ trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu, định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm; nâng cao sự nhận biết về sản phẩm thông qua nhãn mác, bao bì để nhà nhập khẩu, phân phối, người tiêu dùng trong nước và ngoài nước biết đến ngày một nhiều hơn. Đây chính là cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, thị phần; nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Gạo Việt Nam sắp tới sẽ được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước. Riêng ở nước ngoài, đề án đề ra mục tiêu đưa thương hiệu gạo Việt đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu thông qua một chương trình dài hạn, đồng bộ, trong đó việc quảng bá gạo Việt kết hợp với quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa nông nghiệp... Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu, được chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng và phát triển thương hiệu gạo từng vùng, địa phương. “Tôi cho đây là quyết tâm lớn của Chính phủ để nâng cao giá trị của hạt gạo Việt. Cùng tham gia xuất khẩu gạo nhưng các loại gạo của Thái, Pakistan luôn bán với giá cao hơn gạo Việt Nam vì họ đã có thương hiệu” – lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo tại An Giang nhận xét.
…đến những điều chỉnh cần thiết
Những năm qua, việc xây dựng thương hiệu gạo luôn được các DN trong tỉnh quan tâm. Cụ thể, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã xây dựng nhãn hiệu Hạt Ngọc Trời, Angimex có gạo Mục Đồng, Afiex có Jasmine rice, Thịnh Phú An Giang có gạo Đồ… Tuy nhiên, đối với thị trường nội địa, gạo túi (có nhãn mác, bao bì hoàn chỉnh) luôn bị gạo bao, gạo xá của các chủ sạp gạo chợ cạnh tranh khốc liệt. Vì ham lời, chủ sạp đã đấu trộn các loại gạo lại với nhau để bán cho người tiêu dùng với giá rẻ, trong khi gạo túi thì thuần chủng. Chi phí làm thương hiệu khiến giá thành đội lên từ 10 – 15% nên phải bán với giá cao. Yếu tố giá đã khiến cho gạo có thương hiệu cạnh tranh không lại gạo xá. Người tiêu dùng luôn bị thiệt vì ăn phải gạo kém thuần chủng, trong khi trên đồng ruộng, ngành Nông nghiệp luôn yêu cầu nông dân sản xuất các loại giống mang tính thuần chủng cao. Đây là một bất hợp lý cần điều chỉnh trong thời gian tới.
Để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt, theo ông Phạm Hoàng Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm, Nhà nước cần quy hoạch lại bộ giống theo hướng chọn những giống tốt, chất lượng như Jasmine, hương lài, ST5, ST20 để xuất khẩu, đồng thời giữ lại một số giống truyền thống để tiêu dùng trong nội địa như Nàng Thơm, Chợ Đào… Giống nào không được chọn thì bỏ hết. Cần quy hoạch lại đầu mối sản xuất giống và giống sản xuất ra phải theo quy chuẩn Nhà nước. Quy hoạch lại vùng trồng nguyên liệu, trong đó chỉ định cụ thể tỉnh nào trồng giống gì. Sản phẩm lưu thông trên thị trường phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được tiêu chuẩn hóa trên bao bì.
Nhà nước chỉ cho phép sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, tiêu chuẩn, có công bố chất lượng trên bao bì thì mới được lưu thông. Điều này nhằm tránh tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh (đấu trộn) như trong thời gian qua. Nhà nước cần tiếp tục tạo điều kiện cho các DN được vay vốn để nâng cấp công nghệ chế biến. Nhà máy đóng gói phải hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực HACCP, ISO. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy DN xây dựng thương hiệu gạo và mở những thị trường mới thông qua việc hình thành quỹ tín dụng xuất khẩu. Có vậy thì việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt mới có thể thực hiện trong thời gian sớm nhất.
“Đã quy hoạch giống và vùng trồng lúa chất lượng cao để hướng đến mục đích xuất khẩu gạo theo phân khúc cấp cao thì theo tôi đừng để sản xuất các giống lúa có phẩm chất gạo thấp, vì điều này sẽ không tránh khỏi được tình trạng đấu trộn gạo như hiện nay. Bài học này đã được Thái Lan thực hiện rất thành công. Nước này chỉ bán ra thị trường 3 loại gạo: Homali, Jasmine và gạo đồ” – ông Phạm Hoàng Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ