Xây Dựng Thương Hiệu Thực Phẩm Sạch Khó Khăn Do Thiếu Kinh Phí
Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chương trình xây dựng thực phẩm sạch nhằm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn bởi chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; nguồn kinh phí để xây dựng và giữ gìn thương hiệu còn hạn chế gây trở ngại cho các doanh nghiệp trong mở rộng quy mô sản xuất…
Chưa có đề án riêng về thực phẩm sạch
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội), việc xây dựng chương trình thương hiệu thực phẩm sạch được thực hiện thông qua các chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và chương trình xây dựng các chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, đã hình thành và phát triển rõ nét được 17 chuỗi liên kết trên địa bàn toàn thành phố và hỗ trợ đăng ký 8 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của Thủ đô gồm có: "gà đồi Ba Vì"; "gà đồi Sóc Sơn"; "vịt Vân Đình"; "trứng vịt Liên Châu"; "vịt Đại Xuyên"; "gà Mía"; "thịt lợn hữu cơ Bảo Châu"; "thịt bò Hà Nội", cung cấp hàng vạn quả trứng, hàng chục tấn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn vướng mắc như: Thành phố chưa có các đề án, chương trình riêng về xây dựng chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Khả năng phân tích và dự báo nhu cầu thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước còn yếu kém, do vậy khó định hướng được nhu cầu về giá cũng như sản lượng cho người chăn nuôi. Đây là một vấn đề tương đối mới, do vậy chưa nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền một số địa phương nên việc triển khai các vấn đề thực tiễn tại cơ sở gặp khó khăn.
Khác với việc xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp cụ thể, việc xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm nông sản của một vùng, một địa phương phải gắn liền với một tổ chức tập thể đại diện cho nguyện vọng, ý chí của đại đa số người chăn nuôi.
Việc thành lập này cần sự cho phép của các cấp chính quyền và là một quá trình cần thời gian và kinh phí. Song hiện tại, nguồn kinh phí để thực hiện và duy trì các hoạt động này chưa có, đa số người dân phải tự làm nên khó và hiệu quả thấp.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Đức Nghi, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là sự cạnh tranh không công bằng giữa các sản phẩm có nguồn gốc, có thương hiệu với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Trong khi quản lý chất lượng hàng nông sản còn hạn chế thì sự tin tưởng của người dân về các thương hiệu hàng thực phẩm chưa thực sự chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Nhãn mác sản phẩm chưa minh bạch nên chưa tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì, chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thói quen tiêu dùng hàng chất lượng cao của thị trường khó tính.
Nhận thức của người chăn nuôi về việc xây dựng các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm và chăn nuôi theo hướng an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Một bộ phận người dân tuy đã có nhận thức về xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bên cạnh đó là thiếu sự hướng dẫn về kỹ thuật và thiếu nguồn vốn để thực hiện nên gặp nhiều khó khăn.
Cần có kế hoạch phát triển cụ thể
Để tháo gỡ vướng mắc, giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, trong thời gian tới Nhà nước cần xây dựng các chương trình, đề án để xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết theo các giai đoạn 5 năm, 10 năm.
Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân xây dựng và quảng bá thương hiệu, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức đồng thời hướng dẫn các tổ chức cá nhân trong việc xây dựng các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu và minh chứng được các sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc để tạo niềm tin cho người tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo môi trường thuận lợi cho các thương hiệu thực phẩm sạch phát huy được sức mạnh, không bị đánh đồng với các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Huy Đăng, các doanh nghiệp cần xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến cách thức quản lý trang trại, kỹ thuật nuôi trồng an toàn và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc sản phẩm hữu cơ, xây dựng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong trang trại, liên kết cách nhận biết sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm… Bên cạnh đó là tạo dựng kênh phân phối thuận tiện, hữu hiệu và bền vững để sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng.
Nhà sản xuất cần phải chăn nuôi theo quy chuẩn kỹ thuật QCVN bắt buộc áp dụng cho ngành hàng nông nghiệp, xây dựng và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc gia VietGAP, tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP. Các nhà sản xuất phải liên kết lại để có sản lượng lớn và ổn định hơn, không phát triển nhỏ lẻ, manh mún... hiệu quả thấp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ