Mô hình kinh tế Xây Dựng Tiểu Vùng Nuôi Cá Rô Phi Tập Trung Tại Khu Vực Miền Đông: Hướng Đi Mới Cho Người Nông Dân

Xây Dựng Tiểu Vùng Nuôi Cá Rô Phi Tập Trung Tại Khu Vực Miền Đông: Hướng Đi Mới Cho Người Nông Dân

Ngày đăng 03/03/2014

Xây Dựng Tiểu Vùng Nuôi Cá Rô Phi Tập Trung Tại Khu Vực Miền Đông: Hướng Đi Mới Cho Người Nông Dân

Tiếp nối thành công của Dự án “Xây dựng tiểu vùng nuôi cá rô phi tập trung tại các vùng đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2009-2012” tại khu vực miền Tây, năm 2013, Dự án đã tiếp tục được triển khai tại 3 huyện miền Đông là Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh). Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án đang được xem là hướng đi mới cho người dân vùng cao khi tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) Quảng Ninh, năm 2013, sau khi khảo sát lựa chọn địa điểm, dự án đã được triển khai trên 13ha tại 3 tiểu vùng với 19 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1 tỷ đồng, được sử dụng công khai, cấp phát hỗ trợ cho người dân tham gia theo tiến độ chu kỳ nuôi và phân bổ khoa học với tỷ lệ 20% để củng cố hạ tầng ao nuôi; 38% kinh phí con giống; 15% kinh phí mua thức ăn và 20% kinh phí mua thuốc, hoá chất để phòng trị bệnh; nguồn kinh phí còn lại do dân đối ứng. Đồng thời, xác định khoa học kỹ thuật là một trong những khâu then chốt, quyết định sự thành công của dự án, Chi cục NTTS đã tổ chức tập huấn 9 lớp kỹ thuật/3 tiểu vùng cho 331 lượt người.

Thông qua những đợt tập huấn, người nông dân đã được chuyển tải những kỹ thuật nuôi thuỷ sản nói chung và kỹ thuật nuôi cá rô phi thâm canh nói riêng theo hướng VietGAP. Do được tập huấn trước và trong khi thực hiện dự án, kết hợp với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của cán bộ kỹ thuật nên môi trường ao nuôi luôn được đảm bảo. Trong năm đã không để xảy ra dịch bệnh, năng suất đạt cao.

Ông Nịnh Văn Dũng, xã Quảng Điền, huyện Hải Hà, một trong 4 hộ tham gia thực hiện dự án tại tiểu vùng Hải Hà phấn khởi cho biết: “Những năm trước, gia đình nuôi cá theo hình thức quảng canh nên năng suất, sản lượng không cao, đồng vốn quay vòng chậm.

Có năm dịch bệnh là thành trắng tay. Đầu năm 2013, sau khi được cán bộ Chi cục, huyện và xã động viên, phân tích, gia đình đã mạnh dạn chuyển sang nuôi theo hình thức thâm canh. Với diện tích 5.000m2, sau khi cải tạo lại ao đầm, gia đình đã thả nuôi 15.000 con giống. Sau 7 tháng áp dụng kỹ thuật nuôi theo hướng thâm canh, trung bình 1ha cho năng suất 10,92 tấn, đem lại doanh thu trên 180 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được là 30 triệu đồng/ha. Qua đó giá trị kinh tế và lợi nhuận trên cùng diện tích đối với hình thức nuôi quảng canh gấp từ 3-4 lần”.

Tương tự như ông Dũng, 18 hộ dân còn lại cũng đều đạt được nhiều hiệu quả kinh tế cao khi tham gia dự án. Theo thống kê của Chi cục, sau khi tổng kết, 13/19 hộ nuôi đạt năng suất trên 10,5 tấn/ha; năng suất nuôi thấp nhất đạt 7,45 tấn/ha; năng suất nuôi cao nhất đạt 12,6 tấn/ha; năng suất nuôi trung bình của toàn dự án đạt 11,55 tấn/ha.

So với năng suất nuôi theo hướng quảng canh thì việc áp dụng mô hình này đã cho năng suất gấp 3-5 lần. Doanh thu trung bình đạt 373 triệu đồng/ha, lợi nhuận mang lại khoảng 56 triệu đồng/ha. Điều đáng nói ở đây là những kết quả từ dự án không chỉ làm thay đổi nhận thức và thói quen cơ bản của người dân về nuôi cá nước ngọt, mà còn là nền móng để xây dựng vùng nuôi cá rô phi tập trung.

Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, từng bước hình thành vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS cho biết: “So với việc triển khai dự án ở khu vực miền Tây, khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án ở 3 địa phương trên là điều kiện kinh tế của người dân còn nghèo, dẫn đến thiếu vốn sản xuất; cơ sở hạ tầng ao nuôi không đảm bảo; hệ thống mương cấp và mương tiêu thoát nước chưa riêng biệt; độ sâu mực nước ao nuôi chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật nên công tác khảo sát lựa chọn địa điểm của dự án gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc phát triển nuôi cá rô phi theo hướng thâm canh còn mới lạ, người dân chủ yếu nuôi theo hướng quảng canh, phát triển manh mún.

Vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai, Chi cục đã kết hợp với Phòng NN&PTNT tại các địa phương và cử cán bộ xuống tận đầu bờ để hướng dẫn, đưa ra các thông số kỹ thuật cho người dân từ khâu cải tạo ao nuôi đến kỹ thuật nuôi, chọn con giống, phương pháp phòng, trị bệnh cho cá. Từ đó giúp các hộ nuôi hoàn toàn tin tưởng và yên tâm thực hiện dự án. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để dự án ngày càng được nhân rộng”.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ những hiệu ứng tích cực của dự án, vùng nuôi cá rô phi ngày càng được mở rộng. Năm 2009, diện tích nuôi thâm canh cá rô phi trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 20-30ha, đến nay diện tích nuôi cá rô phi theo hướng thâm canh đã tăng lên 500ha.

Sản lượng nuôi cá rô phi thâm canh trong khu vực đã lên tới 3.100 tấn/năm (chiếm 49%) so với tổng sản lượng thuỷ sản nước ngọt của tỉnh. Song để dự án tiếp tục phát huy hiệu quả và được nhân rộng, cần giải quyết một số hạn chế như: Nguồn kinh phí cho dự án phát triển NTTS còn thấp trong khi nhu cầu đòi hỏi của sản xuất không ngừng gia tăng; sự phối hợp và vào cuộc của các tổ chức kinh tế, xã hội tạo điều kiện cho nông dân vay vốn còn thiếu chặt chẽ; mối liên kết “4 nhà” chưa được thực hiện tốt, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất để cùng khai thác các thế mạnh và cùng thụ hưởng những thành quả, lợi ích từ sự liên kết đem lại; nguồn cấp nước và hệ thống kênh cấp và thoát nước còn chưa được đồng bộ... sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành và phát triển các vùng nuôi tập trung.


Nhân Rộng, Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Ba Ba Gai Nhân Rộng, Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi… 3 Doanh Nghiệp Nuôi Cá Tra Đầu Tiên Của Vĩnh Long Được Trao Chứng Nhận ASC 3 Doanh Nghiệp Nuôi Cá Tra Đầu Tiên…