Mô hình kinh tế Xen Canh Trong Vườn Cao Su, Cách Làm Hiệu Quả

Xen Canh Trong Vườn Cao Su, Cách Làm Hiệu Quả

Ngày đăng 15/11/2014

Xen Canh Trong Vườn Cao Su, Cách Làm Hiệu Quả

Để người dân trồng cao su tăng thu nhập, nhất là khi vườn cây trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa khai thác mủ, 2 năm (2013 - 2014), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp Tây Bắc (Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc) thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng xen một số giống cây ngắn ngày trên nương cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên”.

Mô hình trồng xen cây ngắn ngày trên nương cao su được thực hiện tại xã Thanh An (huyện Điện Biên) và xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) thành công vừa giúp người dân tăng thu nhập, góp phần cải tạo đất để cây cao su phát triển.

Theo Kỹ sư Hoàng Xuân Thảo, Chủ nhiệm đề tài: Ngoài điều tra đánh giá hiện trạng một số mô hình trồng xen cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, xác định loại đất, tập quán canh tác của người dân trong vùng để lựa chọn cây ngắn ngày phù hợp, Đề tài tập trung nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật của một số cây ngắn ngày (ngô, bông vải, lúa cạn, đỗ, lạc, nghệ) trồng xen trên nương cao su; đồng thời xây dựng mô hình trình diễn áp dụng kỹ thuật trồng xen.

Đặc biệt là chú trọng xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho các giống cây khi trồng xen canh; tập huấn, chuyển giao KHKT trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình trình diễn cho người dân tham gia trồng cây cao su.

Qua 2 năm thực hiện, Đề tài đã điều tra, thu thập bộ số liệu về điều kiện tự nhiên và hiện trạng nương đồi cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện thành công mô hình trình diễn trồng xen cây trồng ngắn ngày trên nương cao su.

Theo nguyện vọng của người dân vùng dự án, Đề tài thực hiện mô hình trình diễn trồng ngô xuân hè - đỗ thu đông; lúa cạn xuân hè - lạc thu đông tại xã Thanh An; trồng đỗ xuân hè - lạc thu đông; lúa cạn hè thu tại xã Mường Mùn cho thấy, việc bố trí cây trồng xen trên nương cao su mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với cao su trồng thuần từ gần 2,5 – 19,6 triệu đồng/ha. Việc đưa các giống cây trồng xen không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, thậm chí khối lượng đất bị rửa trôi đều giảm hơn so với cơ cấu trồng cao su trồng thuần từ 35,5 - 59,6%.

Vì cây trồng xen hấp thu các chất khó tan trong lòng đất, sau khi thu hoạch để lại lượng chất hữu cơ làm tăng độ phì cho đất và có sản phẩm ủ gốc giữ ẩm mùa hè, giữ ấm mùa đông để cây cao su phát triển.

Ông Phạm Lâm Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An (huyện Điện Biên) cho biết: Thực hiện mô hình trình diễn trồng xen canh trên nương cao su, vụ xuân hè vừa qua, người dân trong xã đã trồng xen cây ngô, lúa cạn trên 2ha vườn cây cao su 2 năm tuổi.

Ngoài được cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bà con được cán bộ trực tiếp thực hiện Đề tài của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp Tây Bắc hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng xen, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.

Vì vậy, năng suất ngô khá cao, trung bình đạt 58 tạ/ha; năng suất lúa xuân hè đạt 30 tạ/ha. Tận dụng diện tích vườn cây cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản việc đưa cây trồng ngắn ngày vào trồng không chỉ góp phần giúp bà con tăng thu nhập mà đỡ tốn công làm cỏ, chăm sóc như trồng cao su thuần.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân mở rộng diện tích trồng xen cây ngắn ngày trong vườn cao su để có thêm nguồn thu.

Để cây trồng xen trên nương cao su đem lại hiệu quả kinh tế cao, Kỹ sư Hoàng Xuân Thảo, Chủ nhiệm đề tài khuyến cáo: Khi đưa các cây ngắn ngày trồng xen canh trong vườn cao su chỉ nên áp dụng trên loại đất có độ phì từ trung bình trở lên và cho những năm đầu thời kỳ kiến thiết cơ bản.

Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/xen-canh-trong-v%C6%B0%E1%BB%9Dn-cao-su-c%C3%A1ch-l%C3%A0m-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3


Mô Hình Nuôi Giun Quế Mô Hình Nuôi Giun Quế Tham Quan Mô Hình Khuyến Nông Hiệu Quả Tại 3 Tỉnh Tây Bắc Tham Quan Mô Hình Khuyến Nông Hiệu Quả…