Tin thủy sản Xốc dậy ngành cá tra

Xốc dậy ngành cá tra

Tác giả HUỲNH PHƯỚC LỢI, ngày đăng 05/04/2016

Xốc dậy ngành cá tra

Từ vài ngày qua, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng liên tục lên mức 22.000 - 23.000 đồng/kg, cao nhất từ đầu năm đến nay; đồng thời đảm bảo người nuôi có lãi. Cá tăng nhưng nông dân nuôi cá lại tỏ ra chán ngán đối với nghề này, nhất là tác động tâm lý từ vụ Giám đốc Công ty Thiên Mã (Cần Thơ) vừa bị công an bắt giữ. Ông Võ Văn Đệ, hơn 16 năm nuôi cá ở phường Thuận An (Thốt Nốt - Cần Thơ) bộc bạch: “Mấy năm về trước, mỗi khi giá cá tăng thì nông dân chạy đi vay tiền để đầu tư nuôi cá. Nay ai cũng “thấm đòn” bởi bài học “được mùa, mất giá”, nên lần này hàng loạt hộ chỉ nhìn giá lên chứ không liều mạng nhảy vào nuôi, vì không biết bao giờ cá sụt trở lại. Chưa kể mấy ông doanh nghiệp làm ăn kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” - khi mua cá thiếu nợ kéo dài không trả, hoặc trả nhỏ giọt… khiến người nuôi thiệt trăm bề”. Nỗi lòng của ông Đệ cũng là trăn trở của nhiều nông dân đã từng “sống chết” với cá tra, một sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước Cửu Long.

Vì sao người nuôi mất lòng tin, không còn tha thiết với cá tra; điều này thể hiện qua sản lượng cá tra thu hoạch trong 2 tháng đầu năm 2016 ở ĐBSCL chỉ khoảng 115.000 tấn, giảm đến 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân cơ bản là lùm xùm của không ít doanh nghiệp thủy sản, từ việc chèo kéo, ép giá, mua thiếu, nợ nần… khiến người nuôi mất chỗ dựa muốn nuôi cá cũng không biết tin ai và bán cho ai?

Hơn chục năm về trước, các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL mọc lên như nấm sau mưa. Dân làm địa ốc, dân buôn bán, giới tư thương, người kinh doanh gạo… dù không có chuyên môn về thủy sản, không tay nghề, nhưng thấy cá tra dễ ăn nên ùn ùn xây dựng nhà máy, bởi sự trợ lực về vốn “dễ dãi” từ các ngân hàng lúc đó. Làm ăn chụp giựt, thiếu căn cơ, không bài bản, không có chiều sâu… nên không bao lâu thì nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH An Khang, Công ty CP Thủy sản Bình An, Công ty CP thủy sản Việt An, Công ty Thiên Mã… lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mà hậu quả là nhiều hộ nuôi cá “lãnh đủ” do bị các công ty nợ kéo dài. Hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cá tra ở ĐBSCL khốn khó và gần như “chết lâm sàng”, đây là vấn đề nhức nhối; tuy nhiên, nó phản ánh đúng việc đầu tư không hợp lý nên thua lỗ. Cái thời phát triển nhà máy theo phong trào đã “xì hơi”.

Khai tử để làm lại

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Gò Đàng, cho biết: “Gần đây thị trường châu Âu, châu Á… có nhu cầu nhập khẩu cá tra phi lê tăng lên. Giá xuất sang 2 thị trường này dao động khoảng 2,2 - 2,4 USD/kg, riêng thị trường Mỹ giá được 2,7 USD/kg trở lên. Tín hiệu thị trường có khởi sắc, song không vì thế mà chúng ta vội vàng mở rộng vùng nguyên liệu, tăng nhanh sản lượng… sẽ dẫn tới rủi ro sau này, bởi giá cả thường không ổn định”. Theo ông Đạo, vấn đề lúc này là phải “xốc” lại ngành cá tra bởi người nuôi đã quá mệt mỏi sau nhiều năm thua lỗ, trong khi nhiều doanh nghiệp cũng lao đao.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, đề xuất: “Ngành chức năng cần phối hợp với các tỉnh để rà soát lại “sức khỏe” của các nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra vùng ĐBSCL xem cụ thể ra sao. Nhà máy nào chết lâm sàng, nhà máy nào chạy cầm chừng, nhà máy nào làm hiệu quả… phải nắm rõ bệnh tình để có hướng xử lý thích hợp. Theo đó, những doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, nợ nần nhiều, thua lỗ kéo dài và hết khả năng chịu đựng thì mạnh dạn cho vỡ nợ, phá sản; bởi căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối dù có đổ tiền tỷ vào cứu cũng không sống được. Đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có uy tín, có tâm với nghề, nhưng chẳng may mới bị “bệnh” thì nên dốc sức cứu để sớm vực dậy”. Cần có cuộc cách mạng, một sự thay máu mạnh mẽ theo hướng giảm số lượng nhà máy yếu kém, tăng chất lượng nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến, đủ tầm, để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng thế giới và đủ sức cạnh tranh trên thương trường.

Các nhà chuyên môn cho rằng: Sở dĩ cá tra Việt Nam luôn thua thiệt, luôn bị ép giá là do các nhà nhập khẩu quốc tế nắm rõ nhiều nhà máy của ta nội lực kém, thiếu vốn, thiếu liên kết… nên họ tìm đủ cách để kéo dài thời gian, dìm hàng… buộc chúng ta phải bán nhanh để quay vòng đồng vốn. Vì thế, việc tái cấu trúc doanh nghiệp để tăng nội lực, nhằm chủ động về giá bán là rất cấp thiết. Làm được như vậy thì việc xuất khẩu cá tra mới tăng giá trị và lợi nhuận.

Liên kết nuôi theo chuỗi giá trị

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, cần tái cấu trúc ngành cá tra theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy thức ăn và người nuôi sẽ liên kết với nhau dưới sự hỗ trợ chuyên môn của ngành nông nghiệp và nguồn vốn từ ngân hàng. Nông dân có ao hầm sẽ nuôi cá theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy thức ăn và ngân hàng hỗ trợ theo sự liên kết này. Đến khi thu hoạch, doanh nghiệp xuất khẩu mua cá và trả phần đầu tư thức ăn cho nhà máy, còn phần lãi sẽ giao cho người nuôi. Cách làm này các bên đều có lợi.


Nhập cả trăm tấn kháng sinh cấm để… nuôi trồng thủy sản Nhập cả trăm tấn kháng sinh cấm để…… Cần đơn giản thủ tục vốn vay NĐ 67 Cần đơn giản thủ tục vốn vay NĐ…