Xử lý chất thải chăn nuôi bằng ủ nhiệt sinh học compost
Ủ nhiệt sinh học (compost) là phương pháp sử dụng chủ yếu phế thải thực vật, phân của động vật thông qua hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của vi sinh vật, phân hủy và làm tăng cao chất lượng của sản phẩm, tạo nên phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng, cung cấp cho cây trồng.
Phân chuồng sau khi ủ compost tốt cho cây trồng.
Năm 2018, Ban quản lý Dự án LCASP tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 15 mô hình "Xử lý chất thải chăn nuôi bằng ủ phân compost" tại các huyện: Yên Dũng, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Việt Yên, Tân Yên và Hiệp Hòa. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ 1 bể có thể tích 20 m3 cùng dụng cụ ủ phân.
Phương pháp ủ này tạo ra trong khối phân (chất thải chăn nuôi) nhiệt độ tương đối cao nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy các chất hữu cơ và đẩy nhanh quá trình khoáng hóa để khi bón vào đất, phân hữu cơ có thể nhanh chóng cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đồng thời, trong môi trường nhiệt độ tương đối cao các hạt cỏ dại, kén nhộng côn trùng, vi khuẩn và tuyến trùng gây bệnh bị tiêu diệt, loại trừ các mầm mống sâu bệnh hại cây trồng.
Ủ phân làm cho khối lượng phân chuồng giảm xuống nhưng chất lượng phân chuồng tăng lên. Sản phẩm cuối cùng của quá trình ủ phân là loại phân hữu cơ được gọi là phân ủ, trong đó có mùn, một phần chất hữu cơ chưa phân hủy, muối khoáng, các sản phẩm trung gian của quá trình phân hủy, một số enzyme, chất kích thích và nhiều loài vi sinh vật hoại sinh.
Khi áp dụng, chọn vị trí có nền đất bằng phẳng, cao ráo, không ứ đọng nước mưa, ít hoặc không thấm nước. Rải một lớp rác hoặc phế thải trồng trọt dày khoảng 20 cm. Lấy phân ra khỏi chuồng xếp thành từng lớp, không được nén. Sau đó tưới nước phân lên, đảm bảo độ ẩm trong đống phân 60 - 70%. Trong trường hợp phân có nhiều chất độn có thể trộn thêm 1% vôi bột (tính theo khối lượng). Trộn thêm 1 – 2% supe lân để giữ đạm. Sau đó trát bùn bao phủ bên ngoài đống phân hoặc dùng tấm nilông, bạt… đủ lớn để che kín đống phân ủ. Cứ khoảng một tuần đảo đều đống phân ủ và bổ sung nước cho đủ độ ẩm khoảng 45-50%, sau đó che nilông, bạt kín lại như cũ.
Sau 4 - 6 ngày, nhiệt độ trong đống phân có thể lên đến 600C. Các loài vi sinh vật phân giải chất hữu cơ phát triển nhanh và mạnh. Các loài vi sinh vật háo khí chiếm ưu thế. Để bảo đảm cho các loài vi sinh vật háo khí hoạt động tốt cần giữ cho đống phân tơi, xốp, thoáng. Do tập đoàn vi sinh vật hoạt động mạnh nên nhiệt độ trong đống phân tăng nhanh và đạt mức cao.
Phương pháp ủ nóng có tác dụng tốt trong việc tiêu diệt các hạt cỏ dại, loại trừ các mầm mống sâu bệnh. Thời gian ủ tương đối ngắn. Chỉ cần ủ 30 - 40 ngày, phân ủ có thể đem sử dụng. Tuy vậy, phương pháp này có nhược điểm là để mất nhiều đạm.
Nước ta có khí hậu nhiệt đới với ẩm độ cao, nắng nhiều, nhiệt độ tương đối cao, vì vậy quá trình phân hủy các chất hữu cơ diễn ra tương đối nhanh. Thời gian và phương pháp ủ phân cũng ảnh hưởng đến thành phần và hoạt động của tập đoàn vi sinh vật phân hủy và chuyển hóa chất hữu cơ thành mùn, qua đó mà ảnh hưởng đến chất lượng và khối lượng phân ủ.
Để bảo đảm cho các quá trình hoạt động của vi sinh vật được tiến hành thuận lợi, nơi ủ phân phải có nền ít hoặc không thấm nước, cao ráo, tránh ứ đọng nước mưa. Đống phân ủ phải có mái che mưa và để tránh mất đạm. Cạnh nơi ủ phân cần có hố để chứa nước từ đồng phân chảy ra. Dùng nước phân ở hố này tưới lại đống phân để giữ độ ẩm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn vi sinh vật hoạt động mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ