Mô hình kinh tế Xuất Hiện Bệnh Lạ Trên Cây Sắn Tại Phú Yên

Xuất Hiện Bệnh Lạ Trên Cây Sắn Tại Phú Yên

Ngày đăng 07/05/2013

Xuất Hiện Bệnh Lạ Trên Cây Sắn Tại Phú Yên

Những ngày qua, hàng chục hecta sắn của bà con nông dân ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) bỗng dưng xuất hiện nhện đỏ gây bệnh trên cây sắn, khiến người trồng sắn thấp thỏm lo lắng.

Theo người dân, diện tích sắn bị hại do nhện đỏ gây ra trên địa bàn huyện Sông Hinh hơn 40ha, tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Giang diện tích trên 20ha, thôn Bình Giang, Chí Thán xã Đức Bình Đông 15ha, xã Ea Bia 5ha. Bệnh lây lan rất nhanh, phát triển bệnh ở những diện tích trên đồi cao, vùng khô hạn. Biểu hiện của bệnh này gây rụng lá, cây ngưng phát triển.

Ông Huỳnh Mẫn ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, những ngày này như ngồi trên đống lửa, đứng ngồi không yên bởi hơn 2ha sắn của gia đình ông đột nhiên lá chuyển màu đốm trắng rồi úa vàng rụng. “Tôi trồng sắn gần 20 năm nay nhưng chưa bao giờ cây sắn có triệu chứng như hiện nay. Cây sắn bị vàng lá, thân không phát triển. Đây là loại bệnh mới, chưa ai có kinh nghiệm chữa trị nên mọi người tỏ ra lo lắng, hoang mang. Đầu vụ, ngoài tiền công, tôi đầu tư hơn chục triệu đồng tiền phân và giống và hàng ngày trông chờ vào rẫy sắn này để kiếm tiền nuôi con cái ăn học, nhưng kiểu này xem như mất trắng rồi”, ông Mẫn cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, nhìn qua kính lúp, trứng nhện đỏ có hình cầu, trong; nhện con mới nở màu xanh nhạt và có 6 chân, phần thân có hai chấm đỏ sậm. Khi trưởng thành, nhện có 8 chân màu đỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Vòng đời của nhện từ 10-12 ngày. Loài này thường gây hại thối lá sắn rồi khô rụng. Đặc biệt, chúng tấn công mạnh đối với giống sắn KM 98-5. Những diện tích nhiễm bệnh, năng suất sắn sẽ giảm từ 15-30%, một số diện tích năng suất giảm từ 50-70%. Nếu bệnh không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ lây lan ra diện rộng.

Trước thực trạng này, ngành chức năng khuyến cáo bà con cần phun luân phiên nhiều loại thuốc khác nhau như Camite 73 EC, liều dùng 01 lít/ha; Ortus 5SC, liều dùng 01 lít/ha; Rufast 3 EC, liều dùng 0,5 lít/ha. Khi dùng thuốc cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn lao động và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.


Cá Lóc Đầu Nhím Nhiễm Bệnh Chết Hàng Loạt Cá Lóc Đầu Nhím Nhiễm Bệnh Chết Hàng… Hơn 300ha Lúa Bị Rầy Gây Hại Ở Hải Lăng Hơn 300ha Lúa Bị Rầy Gây Hại Ở…